Ứng dụng metaverse để doanh nghiệp kinh doanh và tiếp thị hiệu quả
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:06, 16/12/2021
Metaverse sẽ định hình tương lai của DN và tiếp thị
Thuật ngữ metaverse bắt đầu thu hút sự chú ý vào cuối tháng 6/2021 khi CEO Facebook Mark Zuckerberg đề cập tham vọng biến Facebook từ mạng xã hội thành trung tâm của một vũ trụ ảo. Thực chất, vũ trụ ảo hay metaverse không phải là một thuật ngữ mới, nó được đề cập lần đầu tiên bởi nhà văn Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash vào năm 1992. Ý tưởng về một thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thực đã có từ lâu, và các công nghệ thực tế ảo AR, VR, MR, XR giúp đưa ý tưởng này đến gần hơn với con người.
Metaverse trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19 khi nhiều người phải ở nhà và nhu cầu giao tiếp online ngày càng cao. Báo cáo gần đây của Bloomberg ước tính, ngành công nghiệp metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024. Không chỉ những ông lớn công nghệ mới quan tâm đến vũ trụ ảo, nhiều công ty giải trí, startup từ nhiều nơi cũng đồng loạt thể hiện tham vọng theo đuổi tương lai công nghệ này.
Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, tại Việt Nam, các dự án liên quan đến metaverse cũng nở rộ thời gian gần đây. Sau Axe Infinity, dự án Sipher cũng nhận đầu tư 6,8 triệu USD để xây dựng World of Sipheria – tựa game P2E, trong đó mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tự do cho các game thủ, trao cho cộng đồng quyền sở hữu tài sản trong game. Và một trong những lĩnh vực thú vị và có tiềm năng cao nhất khi metaverse phát triển là việc tiếp thị (marketing) của các thương hiệu.
Phát biểu tại VOMF 2021, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) chia sẻ: TMĐT được nhắc đến rất nhiều trong đại dịch COVID-19, Hiệp hội cũng đã phải tương tác với rất nhiều hội, ngành nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động về TMĐT. Cũng trong thời gian qua, các dự án về blockchain và khái niệm metaverse đã thực sự phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức VOMF 2021 với chủ đề "Marketing in The New Normal & Metaverse" nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng thế giới đến với cộng đồng.
"Sau 03 nhiệm kỳ, VECOM cũng đã có sự đổi mới về hình ảnh trẻ trung, năng động và chuyển động mạnh để bước vào vũ trụ siêu ảo metaverse. Với slogan "Make E-Commerce Easy", chúng tôi mong muốn mang đến sự hỗ trợ DN truyền thống tiến vào TMĐT dễ dàng hơn bao giờ hết", ông Dũng cho biết.
Chia sẻ tổng quan về metaverse, ông Nguyễn Tiến Huy - CEO Pencil Group cho biết: Trong vũ trụ siêu tưởng metaverse, có 4 lớp (layer) cơ bản cấu tạo nên thế giới metaverse bao gồm: foundation layer (Internet); infrastructure layer (lớp phần cứng bao gồm các thiết bị kính VR/AR/MR/XR); content layer (lớp nội dung) và true metaverse (khi chúng ta có trải nghiệm rất gần trong cuộc sống được tái hiện trong metaverse). Trong đó, Internet được coi là hạ tầng cơ sở quan trọng nhất.
Mở rộng hơn thì metaverse chứa 7 cấp độ trong chuỗi giá trị gồm: trải nghiệm (experience), khám phá (discovery), kinh tế sáng tạo (creator economy), điện toán không gian (spatial computing), phân quyền (decentralization), giao diện người dùng (human interface) và cơ sở hạ tầng (infrastructure). Trong mỗi metaverse sẽ có một hệ sinh thái kinh tế, như tiền điện tử (crypto) đã được đưa vào metaverse hiện có. Trên thực tế, Roblox và Minecraft cũng là các metaverse chứ không chỉ là những trò chơi mà chúng ta thường nghĩ.
Trên thực tế, nhiều DN đã dựa trên metaverse để xây dựng các gian hàng ảo, các chi nhánh ảo hay các showroom ảo để giới thiệu những sản phẩm, tầm nhìn tương lai của mình. Vậy chúng ta có thể làm gì để ứng dụng metaverse trong tiếp thị?
Ông Nguyễn Tiến Huy đã đưa ra một số đề xuất gửi đến cộng đồng làm tiếp thị. Cụ thể, đối với giai đoạn nhận biết, chúng ta nên xây dựng cơ sở hạ tầng tại các metaverse có khách hàng tiềm năng. Tiếp đến giai đoạn quan tâm, hãy số hóa hay NFT hóa các sản phẩm của mình, đưa vào cuộc sống metaverse của khách hàng. Về giai đoạn tìm hiểu, lúc này các DN nên đưa nhân sự bán hàng vào metaverse, tạo các avatar của thương hiệu. Đến giai đoạn hành động, hãy tạo chi nhánh ảo, cửa hàng ảo, tạo luồng thanh toán. Cuối cùng là cần phải biết cách làm sao khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm của mình từ metaverse ra các kênh khác để tạo nên sự ủng hộ từ chính những khách hàng của mình.
Ứng dụng metaverse trong phát triển mô hình kinh doanh mới
Cuộc sống "bình thường mới" đòi hỏi các DN phải áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Lúc này, DN cần khai thác tối đa những lợi ích tuyệt vời từ tiếp thị trực tuyến để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất... đó là những lời giải cho các bài toán của DN trong tình hình mới.
Theo ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số (CĐS) (DTS), chúng ta đang sống trong thời đại "cá nhanh nuốt cá chậm", bởi các DN truyền thống đã nhanh chóng đổi mới và tiến vào metaverse và cũng có các DN khởi nghiệp sáng tạo với metaverse ngay từ khi bắt đầu.
Ông Bảo cho biết metaverse trở thành từ khóa quan trọng trong thời gian này. Nguyên nhân là do: Khi đại dịch xuất hiện, việc tương tác trở thành vấn đề, họ giao tiếp nhiều hơn nên môi trường số; sự xuất hiện công nghệ blockchain, công nghệ NFT, giúp tài sản số trở thành tài sản có giá trị, vì thế thuật ngữ "metaverse" trở nên phổ biến.
Metaverse được định nghĩa là siêu vũ trụ số, nơi con người có thể tương tác, quan sát, khám phá, kết nối và thậm chí là làm việc trong đó. Metaverse hiện đã được ứng dụng vào nền tảng mạng xã hội, truyền thông trong DN và giao tiếp, tiếp thị, giáo dục, và hỗ trợ các ứng dụng blockchain.
Metaverse sẽ tạo ra một xu thế mới và DN nào đi nhanh thì sẽ có nhiều lợi thế và gặt hái được thành công. Không nằm ngoài xu hướng, Microsoft cũng có sự chuyển của mình khi chuẩn bị một nơi làm việc "Microsoft Loop & Dynamics 365 Connected Spaces". Nơi đây cho phép người dùng cộng tác và làm việc trực tuyến; cho phép các DN tạo ra không gian sống động, nơi nhân viên có thể gặp gỡ nhau; cho phép mọi người di chuyển, tương tác trong không gian bán lẻ và nhà máy.
Chủ tịch Liên minh CĐS DTS đã chia sẻ về một số ví dụ điển hình như Calo Metaverse (Thể dục thể thao thực tế ảo được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain), DeHR Network (Metaverse nghề nghiệp xã hội phi tập trung, nơi mọi người kiểm soát hoàn toàn dữ liệu để kiếm thu nhập, công việc toàn cầu và các mối quan hệ).
Ông Phan Đức Anh Tuấn - Sáng lập kiêm CEO Calo Metaverse chia sẻ, bên cạnh những rào cản sau dịch COVID-19 trong việc tham gia hoạt động phong trào và nhận thấy cơ hội lớn trong việc ứng dụng blockchain chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực hiện tại, sự phát triển của công nghệ AR/VR thực tế ảo và đặc biệt là sự ra đời của Metaverse chính là điểm bùng phát cho sự hình thành nền tảng Calo App.
Calo Metaverse hướng tới việc phát triển những trải nghiệm hoạt động thể thao hoàn toàn mới, khuyến khích người dân luyện tập hàng ngày, nâng cao sức khỏe cộng đồng để mọi người trở nên yêu thích hơn các hoạt động thể thao, từ đó tạo ra một xã hội khỏe mạnh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến trên toàn cầu, việc ra ngoài luyện tập thể thao trở nên khó khăn, thì việc tạo ra một môi trường để mọi người có thể cùng nhau tập luyện mà không bị hạn chế về không gian, vẫn đảm bảo tuân thủ 5K, khuyến khích người dân luyện tập hàng ngày, nâng cao sức khỏe cộng đồng là một điều hết sức ý nghĩa mà Calo Metaverse mang đến cho cộng đồng.
Chia sẻ về những yếu tố quan trọng khi một DN truyền thống chuyển mình qua ứng dụng metaverse, ông Tuấn cho biết: "Để trở thành một metaverse, các DN cần xác định mô hình DN vận hành như thế nào, nền kinh tế trong đó phát triển ra sao và để trở thành một metaverse, DN cần biết rõ DN thuộc layer nào trong việc định hình metaverse, nhắm vào content layer nào để tạo ra metaverse, DN cần có câu chuyện, tính liên tục để phát triển câu chuyện đó, cần xây dựng các thành tố tham gia vào câu chuyện. Thứ hai, khi có câu chuyện về metaverse, DN đóng vai trò là nền tảng hay là người sáng tạo ra nội dung và bán nội dung cho đối tượng tham gia".
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Những vấn đề nào mà thực tế không giải quyết được, phải tưởng tượng để làm siêu hơn, có thể giải quyết được trên metaverse thì mới làm thành metaverse, bởi vì có những trải nghiệm thực tế giải quyết tốt hơn trên metaverse"./.