Những thách thức về môi trường mạng sau đại dịch
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:06, 15/12/2021
Đánh giá lại môi trường mạng doanh nghiệp (DN)
Đại dịch COVID-19 khiến môi trường làm việc đã thay đổi mãi mãi - và nguyên nhân không chỉ là do kỳ vọng của nhân viên. Theo một cuộc khảo sát toàn cầu của McKinsey, cứ 10 nhà lãnh đạo thì có 9 người cho biết tổ chức của họ sẽ tiếp tục kết hợp mô hình làm việc tại chỗ và mô hình làm việc từ xa sau đại dịch. Ngoài ra, phần lớn các nhà lãnh đạo đó cũng cho rằng hiệu quả làm việc của nhân viên đã gia tăng trong đại dịch.
Những văn phòng vắng bóng người trong đại dịch COVID-19
Có thể các tổ chức, DN đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thích ứng với sự thay đổi này bằng cách đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với sự chuyển đổi đột ngột sang mô hình làm việc từ xa và sau đó mở cửa lại văn phòng một cách an toàn. Tuy nhiên, khi mà sự thay đổi đột ngột chuyển thành sự thay đổi trong dài hạn, đây là thời điểm lý tưởng để đánh giá lại một cách căn bản cơ sở hạ tầng vật lý và cơ sở hạ tầng số nền tảng hỗ trợ cho môi trường làm việc, lực lượng lao động và các hoạt động kinh doanh trong đơn vị của mình.
Trong thế giới đa đám mây và phân tán, các tổ chức, DN đang phải đối mặt với những thách thức về độ phức tạp, quy mô và bảo mật của mạng ngày càng tăng. Các xu hướng như công việc kết hợp, ứng dụng phân tán, bảo mật không biên giới và các nền tảng CNTT nhiều lớp tự động hóa (artificial intelligence for IT operations – AIOps) định nghĩa lại tương lai của mạng.
Với những loại hình và quy mô của những thay đổi đó, việc đánh giá lại cần phải bao gồm cả cơ sở hạ tầng đảm nhiệm vai trò kết nối mọi người dùng, mọi thiết bị trong DN. Đó chính là môi trường mạng.
Trong quá trình đánh giá lại này đã lộ ra một loạt cách thức để hiện đại hóa môi trường mạng DN cho thời kỳ hậu đại dịch. Đặc biệt các chuyên gia của Cisco chỉ ra 3 thách thức lớn nhất mà các tổ chức sẽ phải đối mặt.
Thách thức về kết nối
Ngay từ trước khi đại dịch xảy ra, hầu hết các DN đã mở rộng hoạt động ra ngoài môi trường mạng văn phòng và chi nhánh truyền thống. Nhiều nhân viên văn phòng đã chuyển đổi máy trạm của họ sang thiết bị di động, để có thể tự do làm việc ở bất cứ đâu. Sau đó, nhiều người khác đã tham gia xu thế này, làm việc tại nhà toàn thời gian hoặc một phần thời gian.
Trong khi đó, đại dịch đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong nhiều ngành nghề hơn, ở nhiều địa điểm hơn, từ các tài xế giao hàng cho đến các chuyên gia y tế đang làm việc tại bệnh viện. Nhiều thiết bị hơn được kết nối với môi trường mạng kỹ thuật số, khi các ngành công nghiệp, bao gồm từ sản xuất đến nông nghiệp, triển khai các ứng dụng mới cho môi trường Internet vạn vật (Internet of Things - IoT).
Thách thức đối với các nhà lãnh đạo CNTT là đảm bảo được tất cả các nhân viên và thiết bị từ xa này có thể kết nối vào mạng một cách dễ dàng và tin cậy. Các môi trường mạng DN cũng phải đáp ứng được nhu cầu băng thông và hiệu suất ngày càng cao của người dùng.
Các cuộc họp trực tuyến - thường là theo định dạng video có độ nét cao từ nhiều địa điểm - sẽ trở nên phổ biến. Video và các phương tiện truyền thông tiêu tốn nhiều băng thông khác đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho các ứng dụng từ xa khác, chẳng hạn như y tế từ xa và hỗ trợ kỹ thuật từ xa. Nhân viên và các thiết bị IoT từ xa đòi hỏi truy cập tức thời vào các ứng dụng đám mây thông qua kết nối mạng có độ trễ thấp.
Thách thức về bảo mật
Một thách thức quan trọng khác là bảo mật dữ liệu kinh doanh trong một lực lượng lao động ngày càng phân tán - và cái giá của việc không làm như vậy lớn hơn bao giờ hết. Theo báo cáo với tiêu đề "Cái giá của vi phạm dữ liệu năm 2021" của Viện IBM-Ponemon, mức tổn thất trung bình gây bởi một vụ vi phạm dữ liệu DN là 4,24 triệu USD - mức cao nhất trong lịch sử 17 năm của báo cáo này.
Mô hình làm việc từ xa dường như là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng mức độ tổn thất nói trên. Các vụ vi phạm có liên quan đến mô hình làm việc từ xa có mức tổn thất trung bình cao hơn 1,07 triệu USD so với các vụ vi phạm khác.
An toàn bảo mật thông tin luôn là vấn đề đau đầu của các chuyên gia an toàn thông tin trong môi trường làm việc kết hợp
Trong khi đó, IoT và các ứng dụng tự động hóa khác đang tạo đà tăng cho nhiều kết nối giữa máy móc với máy móc (M2M) hơn. Trên thực tế, Cisco dự đoán các thiết bị M2M sẽ chiếm một nửa tổng số thiết bị được kết nối trên toàn cầu vào năm 2023, tăng từ mức 1/3 vào năm 2018.
Đó là một thông tin đáng báo động bởi vì không chỉ bình diện tấn công trong tổ chức bạn không ngừng mở rộng mà nhiều thiết bị đầu cuối có thể không có nhân viên ở gần để bảo mật.
Thách thức về quản lý mạng
Ngoài việc có nhiều thiết bị đầu cuối hơn, các DN còn đang sử dụng ngày càng nhiều hệ thống và ứng dụng khác nhau để tăng tốc độ của tiến trình số hóa, bao gồm cả việc sử dụng nhiều dịch vụ đám mây hơn, khi có tới 69% số tổ chức đang đầu tư vào một chiến lược sử dụng đa đám mây (theo "Khảo sát hiện trạng điện toán đám mây" mới đây của IDC).
Tuy nhiên, quy mô và độ phức tạp của nhiều hạ tầng mạng công ty đã phát triển vượt xa khả năng kiểm soát của chúng ta. Các công nghệ và cấu trúc mạng truyền thống không được thiết kế dành cho mô hình DN hiện đại với nhiều mạng cục bộ với kết nối có dây và không dây, mạng diện rộng, chi nhánh, trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây cùng với rất nhiều kết nối từ xa.
Nhiều tổ chức đang hiện đại hóa môi trường mạng của họ, nhưng thường là theo phương thức ngẫu hứng, vì vậy môi trường mạng và môi trường CNTT của họ vẫn đang được quản lý tách biệt với nhau. Việc có được thông tin từ đầu đến cuối về người dùng và thiết bị đang truy cập mạng cũng như chất lượng của trải nghiệm người dùng là một thách thức, nếu không muốn nói là không thể. Việc phát hiện và chẩn đoán các vị trí, trường hợp bất thường và các mối đe dọa cũng như áp dụng các chính sách nhất quán cũng không kém phần khó khăn.
Một giải pháp toàn diện cho nhiều thách thức
Để vượt qua những thách thức này, các tổ chức, DN có thể phải thiết kế lại mạng DN cho thời kỳ hậu đại dịch. Các chuyên gia từ Cisco khuyến nghị, điều này được thực hiện tốt nhất bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện, đầy đủ cho cơ sở hạ tầng mạng.
Cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép tổ chức dễ dàng thực hiện:
• Xây dựng môi trường toàn diện, rộng khắp cho mọi người dùng và thiết bị kết nối từ mọi nơi, một cách dễ dàng và đáng tin cậy, thông qua mạng có dây hoặc không dây
• Bảo mật môi trường mạng của bạn bằng quyền truy cập liên tục, dựa trên định danh dành cho người dùng và thiết bị được phép sử dụng các ứng dụng, dịch vụ và dữ liệu
• Tự động hóa hoạt động đồng bộ hóa và quản lý mạng bằng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, đồng thời có được thông tin toàn trình và thông tin chi tiết từ phân tích các hoạt động của thiết bị, người dùng và ứng dụng trên toàn bộ môi trường mạng.
Quản trị toàn diện hệ thống hạ tầng mạng
Để đơn giản hóa quá trình này, Cisco đưa ra giải pháp Catalyst Full Stack được hỗ trợ bởi phần mềm Cisco DNA để giúp giải quyết các ưu tiên mạng của bạn và thúc đẩy giá trị kinh doanh. Được cung cấp bởi phần cứng và phần mềm mạng tích hợp tốt nhất phân phối trên các nền tảng chính, Cisco Catalyst Full Stack cung cấp tính linh hoạt và khả năng cần thiết cho các yêu cầu phức tạp hơn của khách hàng DN.
Giải pháp này cung cấp một kế hoạch chi tiết cho các tổ chức, giúp định hình lại môi trường mạng DN, từ việc kết nối và thu hút lực lượng lao động trong môi trường kết hợp trực tuyến và trực tiếp đến việc tạo ra một mô hình vận hành mạng mới, an toàn và linh hoạt hơn./.