"Chính phủ di động" - kinh nghiệm từ Cộng hoà Áo
Chính phủ số - Ngày đăng : 14:55, 15/12/2021
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm ngoái, nhiều chính phủ tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật số như Áo đã tăng cường tiếp cận các dịch vụ công qua điện thoại di động.
Kinh nghiệm của nước này tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển đi tắt đón đầu trong quá trình chuyển đổi số. Họ có thể đánh giá lại cách tiếp cận trong việc hiện đại hóa nền hành chính công trước sự tăng trưởng nhanh chóng của thiết bị di động.
Thành công và kinh nghiệm của Áo
Hãy tưởng tượng người dân có thể thay đổi địa chỉ nhà riêng của mình, nhận các văn bản chính thức và đăng ký thẻ bầu cử tại một nơi. Những công việc đơn giản này mất rất nhiều thời gian đối với công dân ở các nơi khác nhưng tại Áo, họ không cần phải làm gì ngoài thao tác trên smartphone.
Liên minh Châu Âu (EU) đã chấp nhận chuyển đổi mô hình từ "eGov" (Chính phủ điện tử) sang "mGov" (chính phủ di động – hỗ trợ truy cập bằng điện thoại vào các dịch vụ công) thông qua Tuyên bố Berlin vào ngày 8/12/2020.
Thay đổi này xuất phát từ thực tế, ngay cả khi các chính phủ đã triển khai đầy đủ công dịch vụ công trực tuyến, không phải ai cũng có thể truy cập internet thông qua máy tính cá nhân. Trong khi đó, điện thoại di động rất phổ biến, hơn 70% công dân EU thích sử dụng smartphone để truy cập dịch vụ.
Peter Kustor, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Liên bang Áo, đã chia sẻ kinh nghiệm của nước này trong quá trình chuyển đổi từ eGov sang mGov trong phiên thảo luận do Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng trong quá trình vận hành mGov tại Áo.
Khung pháp lý là chìa khóa. Chính phủ Áo đã thông qua Đạo luật Chính phủ điện tử từ năm 2004. Việc sửa đổi Đạo luật có hiệu lực vào năm ngoái cung cấp "quyền tương tác kỹ thuật số" và tuyên bố rằng "mọi người đều có quyền liên lạc điện tử với các tòa án và cơ quan hành chính trong phạm vi của pháp luật liên bang".
Sự phối hợp đồng bộ trong quá trình sắp xếp lại cơ chế
Phương pháp tiếp cận toàn bộ chính phủ đã được thông qua cùng với khuôn khổ phối hợp tổng thể dưới sự chủ trì của Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số.
Để tăng cường giám sát và sự phối hợp, chính phủ lập ra Hội đồng CNTT-TT Liên bang Áo, để điều phối các bộ liên bang. Tại các tỉnh, thành phố và khu vực cũng có Hội đồng kỹ thuật số địa phương với chức năng tương tự. Thành viên của hội đồng bao gồm đại diện chính phủ, Phòng Thương mại và an sinh xã hội.
Đánh giá tổng thể các lĩnh vực, tránh trùng lắp dịch vụ
Chính phủ Áo xem xét hệ thống mới thông qua một kiến trúc đồng bộ, tránh tình trạng mỗi dịch vụ lại xây dựng trên khung kỹ thuật riêng. Điều này bao gồm cách tiếp cận nhất quán để đảm bảo khả năng tương tác, tích hợp những dịch vụ cốt lõi, sử dụng e-ID (định danh điện tử).
Cơ sở hạ tầng này cho phép áp dụng nguyên tắc "chỉ một lần": công dân chỉ cần cung cấp dữ liệu của họ một lần trong hệ thống để truy cập các dịch vụ khác nhau của chính phủ.
e-ID là yếu tố then chốt
Luật về e-ID đã đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Vì luật pháp không chỉ định bất kỳ một công nghệ cụ thể nào, nên chính phủ có thể dễ dàng thích ứng và bắt kịp với công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Thẻ chip và các thiết bị di động sau này được sử dụng để triển khai các giải pháp e-ID.
Ban đầu, khi smartphone chưa phổ biến, SMS được sử dụng để xác thực công dân, cung cấp dịch vụ trực tuyến. Một mã SMS được gửi đến thiết bị di động của công dân khi họ yêu cầu dịch vụ trực tuyến - chẳng hạn như thay đổi địa chỉ nhà. Người dân có thể hoàn tất bằng cách nhập mã SMS để xác thực danh tính người đang thực hiện thay đổi địa chỉ.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh, mã QR được phát triển để xác thực và cung cấp chữ ký điện tử.
Bắt đầu với các dịch vụ có nhu cầu cao
Chính phủ Áo ưu tiên các dịch vụ có nhu cầu cao từ người dân. Bao gồm hỗ trợ gia hạn hộ chiếu (thông báo trước khi hết hạn), đăng ký khai sinh, thay đổi địa chỉ, đơn xin cấp thẻ an sinh xã hội và thẻ y tế, yêu cầu thẻ bầu cử hoặc phiếu bầu, hỗ trợ các sáng kiến của công dân.
Hướng đi tiềm năng dành cho các quốc gia đang phát triển
Bằng cách chuyển sang mGov, việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ Áo đã trở nên hiệu quả hơn. Làm thế nào các nước đang phát triển có thể học hỏi kinh nghiệm của Áo và xây dựng hệ thống mGov của riêng họ.
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, trong số 7 tỷ người trên Trái đất, có 6,5 tỷ người sử dụng điện thoại di động. Tính đến năm 2018, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động đạt khoảng 100% ở các nước thu nhập trung bình và 55% ở các nước thu nhập thấp. Tại Nam Phi, một nửa dân số sở hữu smartphone. Con số này ở Ghana, Senegal và Nigeria là 1/3.
Mặc dù có tiềm năng to lớn đối với mGov ở các nước đang phát triển, có những trở ngại khác biệt so với Áo hoặc phần còn lại tại EU.
Ở Áo, e-ID là công cụ quan trọng cho quá trình chuyển đổi dễ dàng sang mGov. Tuy nhiên, trên toàn cầu, 1 tỷ người thiếu nhận dạng chính thức; 1,7 tỷ không có tài khoản ngân hàng.
Nam Sudan, Kosovo, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea có vùng phủ sóng di động dưới 35%. Ngay cả trong số các quốc gia có phạm vi phủ sóng rộng hơn, 2/3 dân số của họ không có smartphone, điều kiện tiên quyết để tiếp cận các dịch vụ công ở hầu hết các nước phát triển
Tuy nhiên, di động vẫn là công nghệ biến đổi nhiều nhất và có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu của họ:
mGov giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính
Mobile Money (chuyển tiền qua di động) có thể giúp phân phối tiền mặt cho người nghèo, đặc biệt khi hầu hết họ không có tài khoản ngân hàng. Cho đến nay, có 1,2 tỷ người dùng trên 95 quốc gia đang sử dụng dịch vụ Mobile Money. Cơ sở hạ tầng này được hàng chục quốc gia sử dụng để cung cấp phúc lợi xã hội thông qua hệ thống thanh toán.
Tại Bangladesh, chính phủ đang cung cấp tiền mặt cho 5 triệu gia đình như một phần của nỗ lực cứu trợ COVID-19 thông qua tài khoản Mobile Money. Điện thoại di động cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và hỗ trợ người nghèo tham gia vào hoạt động kinh tế.
Mở rộng khả năng triển khai và tiếp cận dịch vụ công
Di động đã giúp những người nghèo nhất có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, nông nghiệp và các dịch vụ khác.
Điện thoại di động đang được sử dụng để giải quyết một số thách thức sức khỏe cấp báchqua SMS, bao gồm hiểu biết về nước sạch, kiểm soát sinh đẻ, sức khỏe bà mẹ, các trường hợp khẩn cấp và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khác.
Ở Pakistan, chính quyền sử dụng điện thoại di động để chống lại bệnh sốt xuất huyết. Các nhân viên vệ sinh được cung cấp smartphone và phải gửi hình ảnh (có gắn thẻ vị trí) về các đầm lầy đã phun thuốc. Một nhóm chuyên gia y tế trung ương sẽ theo dõi tình trạng phun thuốc trên toàn khu vực thông qua hệ thống quản lý.
Việc sử dụng điện thoại di động trong lĩnh vực giáo dục cũng đang có bước tiến nhảy vọt. 1/3 người trong khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại các quốc gia như Zimbabwe, Uganda, Nigeria, Pakistan, cho biết họ đọc truyện cho con cái của mình từ điện thoại di động. Ở Pakistan, Ấn Độ và Uganda, các nhà quản lý giáo dục sử dụng điện thoại di động để giám sát giờ dạy của giáo viên trong trường học.
Trong nông nghiệp, điện thoại di động được dùng để cảnh báo sớm về hạn hán, thiếu lương thực, sâu bệnh và các thiên tai liên quan đến thời tiết ở các nước như Ethiopia và Uganda.
Điện thoại di động là công cụ mạnh mẽ nhất để nâng cao trách nhiệm xã hội
Công dân có thể phản ánh về dịch vụ công bằng SMS hoặc hình ảnh trong hầu hết lĩnh vực. Người đến đăng ký tại văn phòng Hộ chiếu Pakistan luôn nhận được tin nhắn từ Tổng giám đốc để kiểm tra xem họ có gặp phải hành vi vòi vĩnh hoặc vấn đề khác hay không.
Tại Ấn Độ, Philippines, Uganda, Georgia và một số nước khác, chính phủ tăng cường sử dụng SMS để thúc đẩy trách nhiệm giải trình xã hội. Một nghiên cứu tại 46 quốc gia châu Phi cho thấy tỷ lệ sử dụng điện thoại cao góp phần kéo giảm tình trạng tham nhũng.
Những lưu ý khi xây dựng mGov tại các nước đang phát triển
Theo Ngân hàng Thế giới, chính phủ tại các quốc gia đang phát triển mong muốn xây dựng mGov nên tập trung vào 3 điểm chính:
Đầu tiên, việc sử dụng điện thoại di động mang lại cơ hội to lớn cho toàn bộ sự phát triển, nhưng một trong những lĩnh vực có tác động lớn nhất là trách nhiệm giải trình xã hội.
Trách nhiệm giải trình xã hội phải là yếu tố được xếp hàng đầu trong bất kỳ công cuộc cải cách nào. Điều này sẽ định hướng thiết kế cơ sở hạ tầng mGov. Nó tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực cung cấp dịch vụ.
Thứ hai, phương pháp tiếp cận toàn bộ chính phủ cần được thúc đẩy khi thiết kế và triển khai mGov. Mặc dù liên quan đến mọi bộ phận của chính phủ có thể là một thách thức, việc phối hợp giữa các cơ quan sẽ rất đáng giá vì giúp giảm bớt những công việc trùng lặp. Công dân sẽ là những người có được nhiều lợi ích nhất khi thụ hưởng dịch vụ hành chính đồng bộ, thống nhất và liên thông.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải có sự tham gia của công dân. Phương châm lấy người dân làm trung tâm là một trong những nguyên lý chính của GovTech (chính phủ công nghệ - ứng dụng kỹ thuật, đổi mới trong quản trị công) để đảm bảo tính khả dụng và thân thiện với người dùng. Toàn bộ mục đích của mGov là giúp cho việc cung cấp dịch vụ trở nên dễ tiếp cận hơn, hiệu quả hơn.