Tây Yên Tử - Vùng đất thiêng huyền bí
Truyền thông - Ngày đăng : 09:39, 13/12/2021
Núi rừng Tây Yên Tử kỳ thú cũng là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm, của Phật Hoàng, in đậm bản sắc văn hóa, lòng yêu nước và ý thức độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Là nơi bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy những phút giây lắng đọng trong tâm hồn như ở chốn hư không, thanh khiết.
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây nằm trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng.
Hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú. Cùng với những địa điểm di tích phía Đông dãy Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh) đã tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch.
Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị sau khi viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Nơi đây gồm nhiều di tích được phân bố dọc theo tuyến đường ĐT 293. Khu di tích, danh thắng Tây Yên Tử thuộc quần thể di tích Phật giáo Yên Tử nằm trong vùng đất địa linh, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ.
Đặc biệt, phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…
Từ thành phố Bắc Giang rẽ theo ĐT 293 đi Sơn Động, du khách thả hồn chầm chậm trên con đường trải nhựa êm trôi giữa những cánh rừng, dãy núi, cây cầu, những cánh đồng lúa chín vàng óng hay những vườn cây ăn quả xum xuê. Hết địa phận huyện Lục Nam phải đi qua Đèo Bụt. Đèo dài chừng ba cây số, vắt ngang sườn núi, in bóng dòng sông Lục xanh thẫm uốn lượn. Thấp thoáng bên đường là những bóng nón trắng ẩn khuất sau bãi sắn, nương ngô. Những mục đồng vui vẻ nô đùa bên đàn trâu yên bình gặm cỏ giữa ngàn lau trắng lay gió kéo dài mãi đến thăm thẳm rừng già.
Đến với Tây Yên Từ vào mùa xuân và mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Vào dịp tết đến xuân về, Tây Yên Tử có rất nhiều những lễ hội với những hoạt động đặc sắc và hấp dẫn để du khách có thể tham gia. Còn vào mùa hè thì tại đây sẽ diễn ra nhiều chương trình tham quan du lịch. Mặc dù vào mùa hè trên đỉnh Yên Tử lúc nào không khí cũng thoáng mát, dễ chịu. Đây sẽ là một điểm đến vô cùng lý tưởng nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi vừa để du lịch tâm linh, vừa tránh nóng.
Mấy năm trước, tỉnh Bắc Giang tập trung đầu tư nhiều cho du lịch sinh thái - tâm linh. Trên con đường hành hương về chốn Tổ Trúc Lâm mới xây dựng một quần thể chùa chiền, xung quanh vẫn còn nhiều màu đất đỏ. Có thể phải trải mươi, hai mươi năm nữa, nơi đây sẽ đượm màu cổ tích. Màu đất đá sẽ phai dần theo năm tháng. Cây xanh sẽ mọc lên thành cổ thụ, trùm lên quanh những lối đá, xòe tán bên những mái ngói thâm u.
Đường ra ga cáp treo để đi lên chùa Thượng và chùa Đồng
Ngồi trên cabin du khách được ngắm nhìn toàn khung cảnh núi rừng hùng vĩ, mỗi người sẽ thả hồn mình theo những dòng cảm xúc riêng. Ngay phía dưới là khe núi, là cánh rừng nguyên sinh. Chỉ hơn mười phút thôi, chúng ta đã ở trên đỉnh núi với độ cao xấp xỉ cả ngàn mét. Từ xa du khách nhìn thấy chùa Đồng huyền ảo trong sương mù nhưng cũng phải khuất khúc ruột dê đến cả tiếng đồng hồ mới lên tới nơi, lối đá mòn được sang sửa phẳng phiu.
Cây cối lưa thưa. Cỏ gianh lưa thưa. Cây cỏ trên đỉnh núi đá cao thường ít lá, trơ thân cành khẳng khiu, trông thật phiêu diêu. Hai bên đường là những vạt trúc, có chỗ mới được trồng thêm. Thấp thoáng thấy cả mấy bụi cậm cang, chu méo, rau sam, tầm bóp…
Với cảnh quan trầm mặc, du khách được thả hồn theo tiếng gió, tất cả như chìm đắm vào khoảng thinh không tĩnh tại. Nhìn về bên này - Tây Yên Tử thanh tĩnh, núi xanh trập trùng, bên kia là Đông Yên Tử. Trời trong, gió nhẹ, nắng thu hoe vàng, hơi thu se lạnh, đất trời giao hòa, cõi Phật cõi người như hư như thực…
Phải chăng Tây Yên Tử ngày càng hút du khách gần xa cũng là bởi không khí trong lành, cảnh vật yên tĩnh. Bên chân sườn Tây Yên Tử, một Khu du lịch sinh thái - tâm linh đang hình thành, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên bước đường hành hương về cõi Phật./.