Chọn mô hình thuần online, Coolmate tăng trưởng gần 4 lần so với năm 2020

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:07, 11/12/2021

Năm 2021, doanh số Coolmate tăng gần 4 lần so với 2020, số lượng hàng hóa bán ra cũng tăng 4 - 5 lần. Lý giải cho sự tăng trưởng này, đại diện Coolmate cho rằng, đó là do việc lựa chọn mô hình thuần online, nên mức độ bị ảnh hưởng do dịch bệnh không nhiều bằng mô hình truyền thống.

Tận dụng "người khổng lồ" thương mại điện tử (TMĐT) để giảm thiểu chi phí

Về lý do thành lập Coolmate, CEO Phạm Chí Nhu cho rằng, bản thân từng làm việc nhiều năm trong ngành kiểm toán và sau đó là tự vận hành một thương hiệu thời trang dành cho nam giới trên kênh TMĐT nhưng vẫn luôn thắc mắc những câu hỏi như "Tại sao cùng một chiếc áo thun mà giá tại Việt Nam lại đắt hơn ở Singapore", câu trả lời là do một thương hiệu cần rất nhiều tiền để xây dựng và chi phí mặt bằng, trong khi hình thức phân phối qua các kênh TMĐT tối ưu, cắt giảm được nhiều khâu trung gian.

Câu hỏi tiếp theo là "Tại sao một đất nước có nền sản xuất tốt như Việt Nam lại không thể làm ra các sản phẩm chất lượng, được phân phối với giá cả cạnh tranh hơn các thương hiệu quốc tế", đó là vì ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là các xưởng gia công, vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách chưa thể khắc phục.

Vì thế, ý tưởng thành lập Coolmate - một mô hình giải quyết được bài toàn gia công sản xuất và phân phối qua các kênh TMĐT để cắt giảm những chi phí không đáng có, mang đến tay người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng cao với giá thành phải chăng bắt đầu nhen nhóm. Sau 4 tháng xây dựng, đến tháng 3/2019, Coolmate đã chính thức được ra mắt.

"So với việc mua hàng truyền thống, với 500.000 đồng và 3 - 4 tiếng cả di chuyển và chọn đồ, bạn có thể đem về được bao nhiêu món? Sự thật là chỉ 2 chiếc áo phông hàng Việt Nam hoặc một chiếc áo hàng ngoại. Nhưng nếu chọn Coolmate - mô hình hoạt động chủ yếu trên nền tảng TMĐT, chỉ cần 2 phút dạo xem và lựa chọn tại coolmate.me, tiến hành thanh toán trong 30 giây, bạn sẽ đem về được 11 món đồ", nhà sáng lập Coolmate khẳng định.

Chọn mô hình thuần online, Coolmate tăng trưởng gần 4 lần so với năm 2020 - Ảnh 1.

Ông Phạm Chí Nhu: Để chen chân vào thị trường truyền thống với những đơn vị lớn hiện tại không dễ dàng và tốn nhiều nguồn lực, do đó Coomate đã chọn mô hinh thuần online.

Chính nhờ sự tiện lợi này, trong tuần đầu ra mắt, hơn 1.000 tủ đồ đã được đặt, dù startup chưa chạy bất kỳ chiến dịch marketing nào. Đáng chú ý, tỉ lệ khách hàng quay lại Coolmate lên tới 25%, trung bình chi tiêu 3 tháng một lần, tỉ lệ đổi trả dưới 2%.

Lý giải về việc tại sao lại chọn mô hình kinh doanh trực tuyến (online) thay vì ngoại  tuyến (offline) theo cách thông thường, ông Nhu cho rằng, để chen chân vào thị trường truyền thống với những đơn vị lớn hiện tại là không dễ dàng và tốn nhiều nguồn lực đặc biệt là vốn, cái mà Coolmate không có. Chưa kể, thị trường truyền thống cũng đã rất bão hòa và online là cái "điểm yếu" của các thương hiệu truyền thống. 

"Đồng thời, việc lựa chọn kênh online sẽ tận dụng được thế mạnh của đội ngũ Coolmate về công nghệ, về marketing và tư duy startup, đột phá và tăng trưởng nhanh", ông Nhu nói.

Xu hướng mua hàng online sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước dịch COVID-19

Cũng theo ông Nhu, năm 2021, doanh số Coolmate tăng gần 4 lần so với 2020, trong đó doanh số tháng 10 và tháng 11/2021 tăng trưởng từ 30 - 50%. Nhờ đó, Coolmate đạt mục tiêu doanh số năm mà không cần điều chỉnh. Số lượng hàng hóa bán ra cũng tăng 4 - 5 lần, mặc dù có bị ảnh hưởng bởi quý 3 do giãn cách xã hội.

Năm 2021 cũng là năm đáng nhớ với Coomate, tháng 5/2021, trong tập đầu tiên phát sóng của SharkTank mùa 4, cái tên Coolmate được nhắc đến với tham vọng trở thành "đế chế TMĐT cho nam giới". Sau màn chốt deal nhanh kỷ lục, quẹt thẻ xuống tiền ngay trên sóng truyền hình, Quỹ đầu tư Next100.vc thuộc Tập đoàn NextTech và startup thời trang trực tuyến cho nam giới Coolmate.me đã triển khai ngay việc thẩm định (Due Diligence) và đàm phán các điều khoản đầu tư chỉ trong 2 tháng.

Để rồi, vào tháng 8/2021, Coolmate tiếp tục được quỹ Hàn Quốc là STIC Investment đầu tư nhằm mở rộng danh mục sản phẩm, tập trung vào chất liệu mang tới trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.

Chọn mô hình thuần online, Coolmate tăng trưởng gần 4 lần so với năm 2020 - Ảnh 2.

Ngoài việc làm sản phẩm chất lượng và giá tốt, và một website bán hàng thuận tiện, Coolmate rất tập trung vào chính sách cam kết bán hàng.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 22/10, Coolmate đã chính thức ra mắt chiếc áo khoác có tên gọi New Normal, với tuyên bố có khả năng diệt 99,99% virus SARS-CoV-2 (COVID-19) trên bề mặt vải trong vòng 30 phút. Ngoài câu chuyện về thương mại, Coolmate coi đây cũng là một minh chứng với thế giới về khả năng ứng dụng những công nghệ mới nhất và tốt nhất cho các sản phẩm Made in Vietnam. Vì thế, Coolmate đã dành một nửa số tiền gọi vốn trong năm nay để đầu tư cho sản phẩm này.

Về lý do của sự tăng trưởng này, ông Nhu cho rằng, Coolmate lựa chọn mô hình thuần online, vì thế mức độ bị ảnh hưởng do dịch bệnh không nhiều bằng mô hình truyền thống. Ngoài ra, Coolmate có sự chuyển biến nhanh để duy trì sản xuất 3 tại chỗ, vận hành 3 tại chỗ.

"Cũng nhờ mô hình thuần online mà sau khi TP. HCM và Hà Nội giãn cách, Coolmate đã chuyển ngay sang mô hình 3 tại chỗ. Nhờ đó mà công ty vẫn vận hành và giao hàng được, trong khi nếu chọn mô hình offline thì chắc chắn Coolmate sẽ không thể làm được", ông Nhu chia sẻ.

Từ đó, khi trở lại trạng thái "bình thường mới", Coolmate có đầy đủ điều kiện để bứt phá. Chưa kể, yếu tố thi trường cũng hỗ trợ khi thói quen mua sắm online của khách hàng tăng nhanh hơn. Bởi vì người dùng sẽ chuyển sang mua sắm online mạnh mẽ hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch COVID-19. Xu hướng chuyển dịch này là lâu dài và thành một thói quen mua sắm mới thay vì chỉ là tranh thủ mua hàng giảm giá như trước.

Một trong số những thách thức của việc bán hàng online là thói quen "xem tận nơi" của người dùng, để giải quyết khó khăn này, theo ông Nhu, ngoài việc làm sản phẩm chất lượng và giá tốt, và một website bán hàng thuận tiện, Coolmate rất tập trung vào chính sách cam kết bán hàng bao gồm: đổi trả miễn phí 60 ngày với bất cứ lý do gì; đổi hàng sẽ có người tới tận nơi lấy hàng và đổi tại nhà; cam kết hài lòng khách hàng 100% được cụ thể hóa bằng 11 cam kết trên website

"Tất cả những điều này đều hướng tưới việc thuyết phục khách hàng cho Coolmate cơ hội được "bán" và trải nghiệm thử sản phẩm", ông Nhu nói.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 mới được Google công bố, tại Việt Nam, 30% nhà bán hàng số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng số. Nhiều nhà bán hàng đang dùng các công cụ số để thu hút khách hàng và 72% dự kiến sẽ tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị này trong 5 năm tới. 

Về lời khuyên cho các doanh nghiệp khi tiếp cận bán hàng trực tuyến, ông Nhu cho rằng, việc bán hàng thông qua các nền tảng TMĐT là một mô hình đòi hỏi sự đầu tư không khác gì một công ty truyền thống. Do đó, nếu các công ty, nhà bán hàng thực sự muốn làm thì phải thực sự coi trọng mô hình thay, thay vì đơn giản chỉ coi nó là một kênh bán hàng phụ. 

"Dịch vụ khách hàng, và trách nhiệm, sự tử tế là yếu tố quan trọng với bán hàng online vì mức độ lan truyền (viral) của môi trường online nhiều hơn offline khá nhiều", ông Nhu bày tỏ.

Về các quy định hiện nay đối với việc bán hàng trực tuyến, ông Nhu cho rằng, có một số rào cản nhất định, như việc cần xin cơ chế cho khách hàng tương tác, bình luận ở trên trang bán hàng cần giấy phép mạng xã hội, nhưng việc này gặp khá nhiều khó khăn./.

Thế Phương