Nông nghiệp 4.0 ở Bắc Giang
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:43, 10/12/2021
Nhiều mô hình đặc sắc
Là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hợp tác xã (HTX) ở huyện Yên Dũng đến nay đã gặt hái được những quả ngọt.
Tiêu biểu như HTX xã Tiến Dũng huyện Yên Dũng tiên phong ứng dụng CNC từ năm 2016. Ban đầu, HTX ứng dụng trên diện tích 13ha, đến nay HTX mở rộng quy mô lên 60ha, thu hút gần 100 lao động, chủ yếu là người dân địa phương. Ngoài cánh đồng bát ngát với các loại rau an toàn "mùa nào thức ấy", HTX mạnh dạn đầu tư 2,5 tỷ đồng làm nhà lưới với công nghệ tưới, bón phân tự động của Israel trên diện tích 5ha. Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí, tránh lãng phí. Các loại cây có giá trị kinh tế cao được lựa chọn là: dưa lê, dưa chuột, cà chua, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc.
Năm nay, HTX dự kiến mở rộng thêm 1 ha nhà lưới CNC, nghiên cứu và trồng thử nghiệm một số sản phẩm như: Dưa lê siêu ngọt; dưa lưới ruột xanh; Dưa trứng kKhủng Long và Dưa trứng sữa Hàn Quốc. Cùng đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện đường giao thông, kênh mương nội đồng, khu sơ chế, đóng gói, bảo quản. Trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang là một trong những mối lo ngại của người dân thì việc HTX đầu tư bài bản để sản xuất nông sản sạch là hướng đi đúng.
Đến nay, huyện Yên Dũng có 40 mô hình với tổng diện tích 10 ha ứng dụng CNC (sản xuất trong nhà màng, nhà lưới) đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu nhất phải kể đến các sản phẩm của HTX Nông nghiệp CNC Trí Yên với thương hiệu "Rau củ quả Lotus Farm" và sản xuất rau ứng dụng CNC tại xã Tiến Dũng với thương hiệu "Rau sạch Yên Dũng".
Không riêng huyện Yên Dũng, hiện nay các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng tích cực ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu trên địa bàn huyện Hiệp Hòa hiện nay có 32 mô hình sản xuất rau, dưa lưới, hoa trong nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 70.000 m²; mỗi mô hình có quy mô từ 1.000 - 3.000 m².
Huyện cũng đã mở rộng 1.200 ha rau quả thực phẩm, 450 ha thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại các xã: Đoan Bái, Mai Đình, Danh Thắng, Ngọc Sơn, Bắc Lý…Các mô hình sau khi được triển khai đều cho thu nhập cao hơn sản xuất theo quy trình thông thường từ 20 - 30%. Giá trị kinh tế từ các mô hình đạt bình quân 2,1 tỷ đồng/ha. 100% sản phẩm sản xuất tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình CNC đều được các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Trợ lực từ nhà nước
Xác định sản xuất CNC là xu hướng tất yếu phù hợp trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã tích cực thiết kế các chính sách trợ lực cho nông nghiệp CNC. Cụ thể, 16/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020.
Qua thực hiện Nghị quyết 130-NQ/TU, toàn tỉnh đã huy động được trên 590 tỷ đồng đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất hiệu quả, trong đó 322 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, 210 mô hình thủy sản và 24 mô hình lâm nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp CNC đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm được quan tâm; thị trường tiêu thụ sản phẩm, được đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có các thị trường mới khó tính như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định như: vải thiều, rau chế biến, rau cần Hoàng Lương, chè Yên Thế, gà đồi, lợn sạch…
Tiếp tục phát huy chương trình này, Bắc Giang phê duyệt đề án "Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình Hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025".
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian tới Bắc Giang sẽ hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép cho phát triển HTX nông nghiệp, ưu tiên hợp tác xã mô hình điểm, các hợp tác xã sản xuất ứng dụng CNC, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; Ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, liên hiệp HTX trên địa bàn như: thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, tập trung đất đai, xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời hỗ trợ trong việc tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước dành riêng cho khu vực HTX, đào tạo nguồn nhân lực, để lĩnh vực kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả tốt nhất, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội.
Có thể khẳng định rằng, chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Bắc Giang là một chủ trương lớn, đúng đắn, đi vào cuộc sống và kịp thời đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới./.