Hỗ trợ tăng năng lực tài chính và chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:09, 09/12/2021
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DNNVV
Tại Hội thảo “Đồng hành cùng DNNVV thích ứng và phục hồi trong tình hình mới” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng USAID tổ chức diễn ra vào sáng qua 8/12, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết dịch bệnh Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người. Cùng với đó, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, làm xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp không được tiếp sức, hỗ trợ kịp thời để thích ứng và phục hồi thì nguy cơ bị tụt hậu ngày càng cao.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe mọi ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân; thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực của 2 Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; tháo gỡ vướng mắc về đầu tư kinh doanh. Bộ đã đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời các quyết sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng và phục hồi trong bối cảnh Covid-19 và gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 8/8/2021 của Chính phủ nhằm khẩn trương hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. “Các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động”, Cục trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết.
Tăng cường tiếp cận tài chính và năng lực chuyển đổi số cho DN
Thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Với mục tiêu hỗ trợ kết nối DNNVV với các doanh nghiệp đầu chuỗi, Dự án đã đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua khó khăn, tiếp tục bổ sung nội dung hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính và chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực chiếm phần lớn tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam này.
Bước sang năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, USAID đã bổ sung thêm 2 nội dung cho phù hợp với nhu cầu của DNNVV và mong muốn của Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu vực doanh nghiệp này, đó là hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính và chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV cũng như các hoạt động của dự án USAID LinkSME gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án USAID LinkSME, gần 1 năm vừa qua nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV đã triển khai và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về hỗ trợ kết nối với DNNVV với doanh nghiệp đầu chuỗi, đã có 64 đơn hàng kết nối thành công với giá trị các đơn hàng đạt gần 1,3 triệu USD. Chương trình cũng đã tổ chức được 11 khóa đào tạo cho DNNVV về kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hơn 700 DNNVV trong các ngành, lĩnh vực hỗ trợ của Dự án. Các hoạt động hỗ trợ DNNVV nâng cấp kỹ thuật nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của các DN đầu chuỗi vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Liên quan hoạt động hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, dù mới triển khai được 5 tháng, dự án đã hỗ trợ 5 DNNVV vay vốn thành công với tổng số vốn vay đạt gần 40 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ thêm 2 doanh nghiệp ký kết hợp đồng vay vốn trong tháng 12 với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 55 tỷ đồng. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song Dự án cũng đã tổ chức 4 khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về tiếp cận và quản trị tài chính cho gần 300 DNNVV và tiếp tục tổ chức 2 khoá trong tháng 12/2021.
Về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, hiện đã có hơn 500.000 lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin về Chương trình chuyển đổi số, trong đó gần 100.000 lượt đã tiếp cận các tài liệu, nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1-1 để giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp khi chuyển đổi số. Ngoài ra, Dự án đã cùng Bộ KHĐT phát hành Cuốn sổ tay về chuyển đổi số; xây dựng khung đào tạo về chuyển đổi số theo hướng bền vững và các gói hỗ trợ chuyển đổi số theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Để đánh giá lại hoạt động của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với USAID công bố tại dịp Hội thảo này Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 - Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số.
Chia sẻ về mục tiêu trong năm 2022, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án LinkSME sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV thông qua việc tài liệu hoá và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được xu thế chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng và tiếp tục phát triển trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phát triển hậu đại dịch Covid-19
Đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án trong 3 năm qua, đặc biệt là năm 2021, ông Bradley Bessire – Phó Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam khẳng định LinkSME là dự án rất quan trọng nhằm hỗ trợ DNNVV vươn lên sau đại dịch Covid-19, vì đại dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, chưa biết khi nào sẽ kết thúc, nhưng cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn phản vươn lên để phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, theo ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID Link SME, DNNVV của Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cạnh tranh toàn cầu, song còn nhiều hạn chế về năng lực do khó khăn về tài chính, kết nối chuỗi cung ứng. Do đó, dự án đã được thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tự nâng cấp mình lên, tích cực hợp tác với các doanh nghiệp đầu chuỗi. Giám đốc Dự án khẳng định doanh nghiệp tham gia dự án sẽ thu được những lợi ích lâu dài là học hỏi được kinh nghiệm và bắt đầu sản xuất được những sản phẩm cung ứng cho doanh nghiệp toàn cầu, thông qua đó đảm bảo quyền lợi cho mình và tạo công ăn việc làm cho người lao động. “USAID mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn”, ông Bradley Bessire nhấn mạnh.
Đánh giá về hiệu quả của dự án từ kinh nghiệm triển khai và tham gia trực tiếp của của doanh nghiệp, ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuân Hoà Việt Nam cho biết, thông qua dự án, doanh nghiệp được hỗ trợ kết nối với khách hàng nước ngoài, nhờ đó nhận được đánh giá của các chuyên gia quốc tế về chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý, giúp doanh nghiệp nắm bắt và điều chỉnh ngay các vấn đề tồn tại của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp đã bước đầu tiếp cận được quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững từ dự án. “Nhờ đó, dù bối cảnh khó khăn do dịch bệnh trong năm 2021, song doanh nghiệp đã bước đầu đạt được kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng, dự báo triển vọng tăng trưởng năm 2022 là khả quan”, ông Duy Anh khẳng định./.