Cần thêm cơ chế cho DN nhà nước làm chủ lực dẫn dắt CĐS quốc gia?
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:13, 08/12/2021
Đặc biệt, khi VT-CNTT kết hợp sẽ tạo ra sức mạnh to lớn, đó là các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng số - công cụ số hữu ích góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quốc gia ngày càng thịnh vượng, bền vững.
Xu thế CMCN 4.0 luôn cần các giải pháp Make in Vietnam
Giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ III ngày 6/12 về các sản phẩm CNTT nổi bật của VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết tất cả các sản phẩm công nghệ mà VNPT đã phát triển trong thời gian qua đều ứng dụng công nghệ 4.0, mang lại sự lan toả, hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội.
Điển hình sản phẩm công nghệ 4.0 được Tổng giám đốc VNPT cho biết là sản phẩm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để giải quyết những bài toán của đất nước, các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành trong việc quản lý trên dữ liệu của tất cả những nội dung điều hành của mình. Sản phẩm này đã được 35 tỉnh/thành phố, bộ ngành sử dụng để nắm bắt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Công an đã cùng VNPT triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân cư với công nghệ của VNPT.
"Các Trung tâm IOC đều được kết nối với Trung tâm điều hành của Thủ tướng Chính phủ tại Chính phủ, mang lại hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành cho các tỉnh, Bộ, ngành, địa phương", Tổng giám đốc Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh.
Cũng nổi bật bởi giá trị sử dụng thực tế như IOC, sản phẩm hệ sinh thái giáo dục VNPT Edu 4.0 của VNPT đang phát huy hiệu quả khi được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. Ứng dụng VNPT Edu đạt hơn 10 lượt tải trong thời gian đại dịch vừa qua. Đặc biệt, VNPT Edu 4.0 đã phát huy nhiều ưu điểm khi gần 700.000 giáo viên và 32.000 trường học đã sử dụng hệ sinh thái này.
Cùng với đó, VNPT Edu 4.0 đã giúp cho trường học được quản lý toàn bộ giáo viên, học sinh và tất cả quá trình của một trường học, đáp ứng dạy và học trực tuyến toàn trình.
Cũng theo Tổng giám đốc Huỳnh Quang Liêm, trong xu thế CMCN 4.0, VNPT đi đầu triển khai và ứng dụng các dịch vụ công nghệ hiện đại, điển hình là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực từ bảo vệ thông tin cá nhân, chăm sóc khách hàng tới áp dụng trong triển khai mô hình đô thị thông minh, các giải pháp Make in Viet Nam…
Một trong những nền tảng ứng dụng AI mạnh mẽ, nhận dạng sinh trắc học là nền tảng eKYC của VNPT để định danh của một công dân trên môi trường số, ngoài định danh vân tay và khuôn mặt. Mỗi người dân trong CSDL quốc gia về dân cư được định danh có thể sử dụng các dịch vụ trên môi trường số.
"Ngoài ra, VNPT còn cho ra đời các ứng dụng smartbot, callbot màTP. HCM đã sử dụng hiệu để cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân trong thời gian tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Đây là những sản phẩm 4.0 được phát triển trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo chất lượng cao", Tổng giám đốc Huỳnh Quang Liêm cho biết.
Phát triển hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên
Nói về các giải pháp, sản phẩm công nghệ 4.0 điển hình , ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh, tất cả các nền tảng số cho CĐS quốc gia của Viettel đều đã sẵn sàng.
Viettel bước đầu tập trung CĐS cho các lĩnh vực y tế, giáo dục và giao thông. Y tế đã có các bước cơ bản để CĐS. Về giáo dục, Viettel đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để CĐS giáo dục. Viettel cũng đang hợp tác với ngành Giao thông và Vận tải để triển khai việc thu phí không dừng. Trong năm 2022, Viettel sẽ hợp tác xây dựng giao thông minh cho các đường cao tốc và giao thông trong thành phố.
Đối với chính quyền địa phương, Viettel đang tập trung vào thành phố thông minh/đô thị thông minh kết hợp với chính quyền số.
"Viettel tích cực đồng hành cùng Chính phủ, góp sức xây dựng xã hội số, kinh tế số của Việt Nam vào năm 2025…" , Chủ tịch Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Lê Đăng Dũng, Viettel luôn xác định, coi trọng việc xây dựng và phát triển hạ tầng số, bởi lẽ việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng số đi trước một bước góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác đi lên.
Để làm tốt điều này, nhà nước cần sớm có quy hoạch về công nghệ và cấp phép tần số vô tuyến điện để giúp cho DN chủ động trong việc dừng khai thác các công nghệ không còn phù hợp và triển khai các công nghệ viễn thông mới.
Bên cạnh đó, nhà nước, Chính phủ tích cực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nền tảng ứng dụng lớn, cung cấp các dịch vụ số cho xã hội như: Thanh toán số, thương mại số, logistics, tự động hóa sản xuất. Đồng thời, cần CĐS tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự liên thông dịch vụ và dữ liệu giữa các nền tảng dịch vụ và CSDL, tránh sự cát cứ, mất đồng bộ (mạnh dạn cấp phép, có thể cấp phép thử nghiệm cho các dịch vụ số mới).
"Việc đầu tư, nghiên cứu phát triển, làm chủ các công nghệ: Nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo; chipset, bán dẫn Make in Viet Nam là rất quan trọng vì khi chúng ta làm chủ sản phẩm sẽ giúp gia tăng năng lực, đổi mới sáng tạo quốc gia, tăng sức mạnh cạnh tranh quốc tế cho các công nghệ, sản phẩm Việt Nam", Chủ tịch Lê Đăng Dũng nhận định.
Khi nói về vấn đề phát triển sản phẩm công nghệ cao Make in Viet Nam, Chủ tịch Lê Đăng Dũng cho rằng chúng ta cần phát triển tạo thế mạnh ở thị trường nội địa, cần chuyển dịch mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình kinh doanh phù hợp trong giai đoạn CMCN 4.0, đặc biệt, cần đổi mới cơ chế cho các DN nhà nước như Viettel làm chủ lực dẫn dắt CĐS quốc gia.
"Để thực hiện CĐS quốc gia, việc đầu tư vào trung tâm CSDL quốc gia tập trung là rất quan trọng, tránh việc các bộ ngành, địa phương đầu tư manh mún, không hiệu quả. Chính phủ nên giao việc này cho các DN nhà nước có đủ nguồn lực mạnh để thực hiện", người đứng đầu Viettel nêu quan điểm./.