Kinh phí là vấn đề của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư về bảo mật
An toàn thông tin - Ngày đăng : 16:01, 06/12/2021
86% doanh nghiệp vừa và nhỏ mất thông tin khách hàng vào tay kẻ xấu
Báo cáo bảo mật của Cisco công bố vào tháng 10/2021 vừa qua cho thấy 59% doanh nghiệp tại Việt Nam khi được hỏi, gặp sự cố mạng trong năm qua. Hậu quả của những sự cố này là 86% số doanh nghiệp bị mất thông tin khách hàng vào tay của những kẻ xấu.
Cũng theo báo cáo này, các cuộc tấn công mạng bằng mã độc và phần mềm độc hại, ảnh hưởng đến 89% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, là hình thức phổ biến nhất, tiếp theo là lừa đảo, với 69% doanh nghiệp đã bị tấn công bằng hình thức này trong năm qua.
Những sự cố này ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, khi 30% doanh nghiệp cho biết họ bị tổn thất khoảng 500.000 đô la Mỹ hoặc nhiều hơn, trong đó 4% tổn thất tầm 1 triệu USD hoặc hơn.
Bên cạnh việc mất dữ liệu khách hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam gặp sự cố mạng còn bị mất dữ liệu nhân viên (67%), email nội bộ (61%), thông tin tài chính (58%), sở hữu trí tuệ (56%) và thông tin kinh doanh nhạy cảm (51%). Ngoài ra, 61% doanh nghiệp thừa nhận sự cố mạng tác động tiêu cực đến danh tiếng của họ.
Báo cáo của Cisco cũng tương ứng với nhận định của ông Nguyễn Minh Đức, CEO của CyRadar, một công ty hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam, theo ông doanh nghiệp ở Việt Nam thường phải đối mặt với hai vấn đề chính là tấn công của mã độc làm ngừng trệ hệ thống mạng và bị mất mát, rò rỉ dữ liệu, nhiều nơi dữ liệu bị mã hóa và đòi tiền chuộc.
Kinh phí là vấn đề để doanh nghiệp triển khai các giải pháp bảo mật
Có một thực tế là các doanh nghiệp tại Việt Nam ý thức được sự nguy hiểm và tăng mạnh vào đầu tư bảo mật, nhưng theo các chuyên gia, vấn đề về kinh phí và tìm ra một giải pháp hợp lý cho doanh nghiệp là điều đang làm các doanh nghiệp đau đầu. Bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tập trung kinh phí cho các vấn đề trước mắt của doanh nghiệp như trang bị các phần mềm văn phóng, giải pháp bán hàng… còn các giải pháp về bảo mật, mặc dù được quan tâm, nhưng để đầu tư kinh phí lớn ngay từ ban đầu là một vấn đề khó với họ.
Cụ thể theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO của CyRadar, trong quá trình hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số cho biết, đa phần các doanh nghiệp đều hiểu được ít nhiều tầm quan trọng của bảo mật. Tuy nhiên, để tìm một giải pháp hiệu quả, chi phí hợp lý và đơn giản trong vận hành đối với họ là rất khó. Trong đó vấn đề kinh phí ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp, chẳng hạn như một số doanh nghiệp sau khi dùng hết thời gian miễn phí từ giải pháp bảo vệ của CyRadar cung cấp, thì họ không duy trì nữa. Họ tập trung kinh phí cho các vấn đề trước mắt, trong khi đó không hiểu rằng dịch chuyển toàn bộ thông tin lên kỹ thuật số, mà thiếu đi các biện pháp phòng chống tấn công trên không gian mạng là điều vô cùng nguy hiểm.
Cùng chung nhận định, ông Ngô Trần Vũ, CEO của công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS) cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cập nhật tốt hơn các công nghệ bảo mật trong 10 năm qua. Đó cũng là quá trình các hãng bảo mật nổi tiếng thế giới tiếp cận và giới thiệu các giải pháp bảo mật mới nhất giúp cho doanh nghiệp bảo vệ tài sản dữ liệu và vận hành an toàn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số tại Việt Nam không có đủ ngân sách đầu tư bài bản về bảo mật. Lý do có thể là các doanh nghiệp này chưa ưu tiên các khoản đầu tư về công nghệ mà tập trung toàn bộ vốn vào các hạng mục tạo ra doanh thu nhanh chóng.
Theo ông Ngô Trần Vũ, để giải quyết vấn đề này, bài toán đầu tư nhỏ kiểu trả góp để mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp là phù hợp nhất vào lúc này. Các giải pháp cung cấp dạng MSP (managed service provider) cho thuê các dịch vụ bảo mật theo tháng sẽ là lựa chọn đúng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết vấn đề này./.