Cha mẹ cần làm gương cho trẻ trên không gian mạng
Xã hội số - Ngày đăng : 07:59, 06/12/2021
Cần nhớ cha mẹ là người có quyền uy và có ảnh hưởng lớn tới con cái. Vì vậy, muốn trẻ sống lành mạnh cùng Internet và các thiết bị số, cha mẹ cần làm gương bằng cách có kỷ luật với chính bản thân. Các bậc làm cha mẹ hãy đọc sách, chơi thể thao, trải nghiệm và thưởng thức cuộc sống gia đình, thiên nhiên, xã hội cùng con thay vì đắm chìm trong thế giới Internet không mục đích.
Trong thời đại số, nhiều người lớn bị đuối sức hoặc lúng túng với Facebook, Twitter, TikTok, hay mới đây là những ứng dụng học trực tuyến như Zoom, Google Meets, Microsoft Teams... Điều này khiến cha mẹ khó chia sẻ cùng con, khó lòng bảo vệ con trước những nguy cơ tiềm ẩn trong "thế giới ảo".
Môi trường ảo chưa bao giờ phổ biến như thời đại này và đang có nguy cơ làm đảo lộn những giá trị, quy phạm đạo đức. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Theo các nhà quan sát, người ở nhà càng nhiều thì thời gian sử dụng Internet càng tăng.
Bên cạnh làm việc trực tuyến, học trực tuyến, thời gian dành cho giải trí trên mạng Internet, mạng xã hội cũng đang bùng nổ. Nếu thiếu hiểu biết pháp luật, bỏ qua các nguyên tắc cộng đồng, người dùng dễ sa vào bẫy do chính mình tạo ra. Người dùng mạng xã hội (Cha mẹ và trẻ trên 13 tuổi) cần hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Trước tiên đó là hiểu rõ các nguyên tắc cộng đồng để bảo vệ quyền lợi của mình và người khác.
Nguyên tắc cộng đồng là một bộ tiêu chuẩn về những điều được và không được phép làm trên một nền tảng mạng xã hội. Các nguyên tắc này được xây dựng dựa trên phản hồi từ cộng đồng người dùng, lời khuyên của các chuyên gia về công nghệ, an toàn và nhân quyền. Những nguyên tắc cộng đồng bảo vệ các nhóm yếu thế, đặc biệt trẻ em, luôn được ưu tiên. Cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con về việc ý thức và bảo vệ danh tính số, thông tin cá nhân trên mạng xã hội, và chính phụ huynh cũng phải ý thức được việc chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của con lên các nền tảng số; Đồng hành, đề cao cảnh giác và dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng dẫn và giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn.
Lời khuyên hãy "làm bạn cùng con trên Internet" vừa mang ý nghĩa hướng dẫn con sử dụng Internet phục vụ cho mục đích học tập, vừa hiểu con đang làm gì trên Internet để có những định hướng đúng đắn và giúp con tránh những tình huống không an toàn trên mạng. Khi trẻ bắt đầu tham gia mạng Internet hay bắt đầu có tài khoản mạng xã hội cũng là lúc cha mẹ nên nghiêm túc nói chuyện với con về quyền và trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của mình cũng như những rủi ro con phải đối mặt trên không gian mạng.
Dạy con trẻ đặt câu hỏi: "Có an toàn khi đăng tải hình ảnh, video này lên không?" trước khi con bắt đầu tạo ra hay chia sẻ bất kỳ thông tin nào của bản thân hay người khác. Cha mẹ nên nói cho con những thông tin riêng tư của con cần được bảo vệ, ví dụ như địa chỉ nhà riêng, thông tin liên hệ số điện thoại, định vị GPS, hình ảnh và video có hình ảnh và giọng nói của trẻ... Trẻ tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh, video clip cũng như thông tin cá nhân với người lạ.
Việc chia sẻ hình ảnh hay thông tin với người lạ trên Internet có thể dẫn tới nhiều nguy cơ trực tiếp như hình ảnh nhạy cảm và thông tin cá nhân có thể bị phát tán chia sẻ với những mục đích xấu cho phát ngôn gây thù ghét, bắt nạt trên mạng hay tội phạm trên Internet có thể liên hệ trực tiếp với trẻ.
Trẻ cũng cần được hiểu việc tôn trọng quyền riêng tư về hình ảnh của người khác khi tham gia mạng xã hội. Việc xin phép đăng tải hình ảnh người khác phải được phép của nhân vật. Mọi hành vi phát tán hình ảnh của trẻ có thể ảnh hưởng tới những người khác.
Cha mẹ dạy con không tiếp tay phát tán các hình ảnh gây ra các hành động như miệt thị người khác bằng việc để lại bình luận hay chia sẻ của trẻ có thể gây tổn thương đối với người tiếp nhận và nạn nhân của những hình ảnh hay video đó. Khi sự việc ngoài mong muốn xảy ra với những rủi ro trên mạng, cha mẹ cần bình tĩnh cùng con tìm các giải pháp để giúp con có tâm lý vững vàng đối mặt với tình huống, sử dụng tới các công cụ báo cáo của các mạng xã hội , báo cáo với các cơ quan chức năng vào cuộc.
Việc lạm dụng các thiết bị điện tử ở trẻ em hay thanh thiếu niên trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm. Những người dưới 20 tuổi dùng điện thoại thông minh mỗi ngày thường phải chịu một số ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Khi có con trong tuổi trưởng thành, cha mẹ cần tỉnh táo thiết lập những giới hạn phù hợp với lứa tuổi trong việc sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, cần thường xuyên quan sát và trò chuyện với con để phát hiện những dấu hiệu tâm lý bất thường của trẻ trên cả môi trường thực lẫn ảo để sớm can thiệp kịp thời.