Giúp trẻ "không lạc lối" khi dùng mạng xã hội

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 11:19, 05/12/2021

Cần tạo điều kiện để trẻ hiểu và làm chủ internet, mạng xã hội từ đầu, việc "vẽ đường" phù hợp sẽ hướng các em vào lối đi đúng

Theo báo cáo toàn cảnh Digital Việt Nam của We Are Social và Hootsuite, đến tháng 1-2021, số người dùng internet tại Việt Nam là 68,72 triệu, chiếm 70,3% dân số.

Môi trường mạng phức tạp chẳng kém đời thực

ThS Đào Ngọc Quỳnh Thanh, Học viện Cán bộ TP HCM, cho hay theo các báo cáo, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dẫn đến việc giãn cách xã hội kéo dài, năm 2021 chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam với hơn 72 triệu người (chiếm 73,7% dân số), tăng 7 triệu người (11%) so với cùng kỳ năm ngoái. YouTube và Facebook tiếp tục trở thành mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Số liệu thống kê của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội) cho thấy tính tới tháng 6-2021, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, người dùng trong độ tuổi từ 13 đến 24 chiếm 34%.

Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam, theo thói quen chung, người lớn cũng như trẻ nhỏ sử dụng internet như nhu cầu giải trí. Đặc biệt, với việc sở hữu một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh quá dễ dàng, bố mẹ hay người chăm sóc trẻ thường có xu hướng giao toàn bộ thiết bị thông minh đó cho trẻ để mình rảnh tay làm những công việc khác mà không kiểm tra, giám sát các nội dung trẻ truy cập, đọc và xem. Ngoài những tác động tích cực do internet mang lại, chúng ta đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực mà môi trường mạng mang lại, điều này ảnh hướng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, đạo đức và sự phát triển của trẻ.

Trên thực tế, theo Cục An toàn thông tin, nhiều trẻ chưa được đào tạo hay hướng dẫn một các bài bản việc sử dụng internet sao cho an toàn, phòng ngừa nguy cơ rủi ro khi gặp các tình huống bị bắt nạt, dụ dỗ trên mạng. Chính vì thế, trẻ thường tự âm thầm giải quyết các vấn đề của mình cho đến khi xảy ra những sự việc đau lòng như tự tử, bỏ nhà đi, hay những hành động mang lại hậu quả xấu thì người lớn mới giật mình tìm hiểu nguyên nhân. "Tại Long An, vụ việc cháu bé 13 tuổi bị bạn bè dùng Facebook lập hội nói xấu, cô lập dẫn đến phải tự tử chỉ là một trong những trường hợp mà chúng ta biết được. Việc quay clip đánh bạn do học sinh tự làm rồi phát tán trên mạng internet cũng là tiếng chuông cảnh báo về vấn đề bạo lực học đường mà chúng ta cần phải quan tâm" - đại diện Cục An toàn thông tin cảnh báo.

Giúp khai thác và sử dụng internet hiệu quả

TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, khẳng định việc cấm trẻ em hay học sinh sử dụng internet là rất khó khăn, vì vậy cần tạo điều kiện để trẻ hiểu đúng và làm chủ internet, mạng xã hội từ đầu. Nếu việc "vẽ đường" phù hợp và tạo ra lối đi đúng để học sinh và trẻ em khai thác thì tại sao không làm? Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng cần hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động. Không chỉ là việc hướng dẫn các thao tác, kỹ năng mà các chia sẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ hay các tình huống có nguy cơ, quản lý thời gian khi sử dụng internet, mạng xã hội, các biểu hiện văn hóa trên môi trường mạng, trách nhiệm của học sinh với an ninh mạng và ứng xử mạng văn minh...

Đại diện Cục An toàn thông tin cũng nhấn mạnh việc nâng cao ý thức sử dụng internet an toàn là vấn đề không chỉ riêng đối với trẻ cần được bổ sung cập nhật kiến thức tại trường học, các nhóm cộng đồng mà còn nâng cao ý thức cho cha mẹ, thầy cô những người chăm sóc trẻ em.

ThS Đào Ngọc Quỳnh Thanh cho rằng môi trường mạng xã hội phức tạp chẳng kém gì xã hội đời thực, đặc biệt là các hội, nhóm với sự tham gia của các thành viên đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, do đó không thể tránh khỏi việc xung đột quan điểm và cách hành xử. Vì vậy, cần ghi nhớ quy tắc trong ứng xử văn minh trên không gian mạng là cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng mọi cá nhân tương tác trực tuyến, tôn trọng sự khác biệt và các cách nhìn nhận đa dạng.

Ngoài ra, mỗi thầy cô giáo nên là một tuyên truyền viên tích cực để giúp học sinh và phụ huynh tránh khỏi các tác động tiêu cực của nội dung thông tin, ứng dụng có hại trên internet. Việc lồng ghép nội dung và đổi mới giảng dạy theo hướng văn hóa ứng dụng với các tình huống cụ thể và cách thức giải quyết vấn đề được đưa ra sẽ giúp học sinh có nhận thức đúng khi đưa những thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội mà không ảnh hưởng đến người xung quanh và bảo đảm an toàn cho bản thân.

Kênh thông tin lành mạnh

ThS Đào Ngọc Quỳnh Thanh cho rằng trước sự bùng nổ của công nghệ, nhà trường cần cởi mở và thích nghi với việc sử dụng mạng xã hội của học sinh và giáo viên. Tuy không quá khắt khe nhưng cũng cần có biện pháp giám sát, kiểm tra bằng những quy định mang tính nhắc nhở, răn đe, kết nối và hỗ trợ để định hướng, khuyến khích học sinh, giáo viên sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin lành mạnh, bổ ích...


Yến Anh