ATS: Thành công từ định hướng tạo ra những sản phẩm vinh danh trí tuệ Việt
Make in Vietnam - Ngày đăng : 18:02, 03/12/2021
Khẳng định trí tuệ Việt với giải pháp "Make in Viet Nam" trong ngành năng lượng
Sau khi đạt giải nhất hạng mục Giải pháp số xuất sắc nhất tại giải thưởng Make in Viet Nam 2020 với giải pháp OneATS, mới đây, công ty ATS đã được trao tặng Giải thưởng Công nghệ sáng tạo của năm tại lễ trao giải The Solar Future Awards 2021. Đây là giải thưởng được tổ chức bởi Leader Associates - đơn vị tổ chức sự kiện năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới. Giải thưởng nhằm tôn vinh những doanh nghiệp (DN) có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời Việt Nam, vinh danh những cải tiến công nghệ và giải pháp đột phá, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của các dự án điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, hướng tới một tương lai bền vững.
Chia sẻ về thành công này, ông Trần Anh Thái, Phó Tổng giám đốc công nghệ của ATS cho biết, việc đạt giải thưởng "Make in Viet Nam 2020" là nguồn cảm hứng để công ty tiếp tục tham gia Giải thưởng Công nghệ sáng tạo của năm - Solar Future Awards 2021. Trong 2 năm tham gia lĩnh vực năng lượng mặt trời, ATS đã ứng dụng thành công giải pháp công nghệ cao của mình trong hàng loạt dự án với tổng công suất phát điện gần 2400 MW, chiếm khoảng 23% thị phần nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam. Các giải pháp công nghệ thông minh, linh hoạt và sáng tạo của ATS đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong quản lý, điều khiển và vận hành các Nhà máy điện mặt trời, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng tại Việt Nam.
Theo ông Thái, điểm ATS được ban giám khảo giải thưởng The Solar Future Awards 2021 đánh giá cao nhất đó là việc sản phẩm công nghệ của công ty được thiết kế và phát triển theo các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến, thông dụng trong công nghiệp. Với nguyên tắc này, hệ thống có thể tương thích với nhiều nhà sản xuất khác trong một dự án chung cho nhà máy điện mặt trời, để có thể vận hành một cách trực quan, an toàn, tin cậy và đạt hiệu quả cao nhất.
"Chúng tôi tự hào vì sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam được Ban tổ chức đánh giá cao, điều này khẳng định được sức mạnh của trí tuệ Việt Nam", ông Thái bày tỏ.
Việc mở rộng ứng dụng giải pháp của công ty tại thị trường nước ngoài là một trong những mục tiêu lâu dài của ATS. Hy vọng sau khi đại dịch COVID-10 được kiểm soát, ATS sẽ có thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển dự án và hợp tác cùng các đối tác quốc tế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cũng theo ông Thái, do hệ thống điện, với vai trò là cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia, chịu nhiều yêu cầu chặt chẽ cũng như quy trình cần tuân thủ để đảm bảo hoạt động an toàn và tin cậy, bất kỳ DN nào cũng gặp nhiều thách thức khi bắt đầu tham gia nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực này. Nhất là với một công ty Việt Nam quy mô nhỏ như ATS và phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn đa quốc gia có tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ đã được khẳng định.
"Với đam mê công nghệ và lòng tự hào dân tộc, đội ngũ ATS luôn khát khao tạo ra những sản phẩm vinh danh trí tuệ Việt Nam. Điều may mắn là chúng tôi đã thành công", ông Thái chia sẻ.
Với một lĩnh vực đặc thù và phải cạnh tranh với những đối thủ lớn, theo ông Thái, những yếu tố khiến ATS có thể tồn tại được hơn 20 năm, đầu tiên đó là lấy sự tử tế làm gốc để xây dựng, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng, DN và từng thành viên công ty. Từ đó, ATS luôn cố gắng phát triển, tạo một sân chơi trí tuệ để mỗi thành viên trong công ty được thỏa sức sáng tạo cũng như có thể cảm thấy tự hào vì mình là một phần của DN. Là một DN tiên phong về công nghệ, ATS đề cao tính can đảm, mạnh mẽ để xử lý và thực thi những trọng trách khó khăn, đưa ra những sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thành lập công ty đến nay, ông Thái cho rằng, đó là giây phút hệ thống tự động hóa trạm biên áp đầu tiên của ATS được đưa vào vận hành thành công. Hạnh phúc hơn cả là sau hơn 20 năm vận hành, hệ thống này vẫn hoạt động an toàn và hiệu quả.
Tâm lý chuộng hàng ngoại là rào cản lớn nhất cho các startup trong ngành điện
Cũng theo Phó Tổng giám đốc công nghệ của ATS, ngành điện là ngành có tính chất bảo thủ với yêu cầu chặt chẽ về kỹ thuật và công nghệ. Vì vậy, lĩnh vực này rất khó hấp dẫn các start-up mới, do tính chất công việc cũng như giá trị tài chính thu được trong ngắn hạn. Ngoài ra, thị trường Việt Nam có số lượng khách hàng không nhiều, cộng thêm tâm lý chuộng hàng ngoại của những đơn vị này. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ các DN trong nước chưa có tính thực thi cao đã và đang là những rào cản lớn cho các startup muốn tham gia vào lĩnh vực này. "Để tìm kiếm được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp cũng là một thách thức lớn đối với các startup tham gia", ông Thái bày tỏ.
Trong giai đoạn 2019-2021, chính sách giá bán điện hấp dẫn của Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư đưa vào vận hành 24.000 MW tổng công suất điện gió và mặt trời, với tổng vốn đã đầu tư ước tính lên đến 30-35 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Việt Nam vẫn chưa có chính sách cụ thể để quy định các nhà đầu tư cần sử dụng sản phẩm và dịch vụ trong nước, thúc đẩy sự phát triển về công nghệ, năng lực xây dựng hay dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp nội địa.
Chưa kể, tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt đang làm khó các sản phẩm Việt, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ. Bởi vì, các DN Việt chỉ có thể phát triển khi người sử dụng ý thức được lòng tự hào dân tộc, quý trọng và ủng hộ sản phẩm Việt. Nhưng trên thực tế, đúng là không phải sản phẩm "Make in Viet Nam" nào cũng có chất lượng đủ tốt để có thể thay thế được cho các sản phẩm ngoại. Vì vậy, các DN Việt cũng phải có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông qua việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển để sản phẩm có thể phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đạt được chất lượng như cam kết.
Đối với ATS, kết quả vận hành thành công và ổn định của các giải pháp "Make in Viet Nam" tại hàng loạt các công trình trọng điểm trong hơn 20 năm qua đã chứng minh được chất lượng bằng hoặc vượt trội so với sản phẩm ngoại. ATS đang phải cạnh tranh với các công ty đa quốc gia có đủ ngân sách dành cho công tác bán hàng và quảng bá thương hiệu, cũng như đủ vị thế để ảnh hưởng đến các chính sách của bên mua. "Do đó, nếu không có chính sách ủng hộ của nhà nước thì những công ty công nghệ Việt Nam như ATS khó có cơ hội để có thể "cạnh tranh sòng phẳng" với các đối thủ quốc tế", ông Thái khẳng định.
Việc không thúc đẩy, phát triển sản phẩm trong nước mà thay vào đó tập trung sử dụng các sản phẩm nước ngoài sẽ dẫn đến những rủi ro liên quan đến dữ liệu và công tác đảm bảo an ninh mạng. Các nhà cung cấp nước ngoài, khi cung cấp các dịch vụ mang tính xã hội, sẽ có cơ hội nắm giữ được một lượng dữ liệu lớn về khách hàng Việt Nam. Nhất là lĩnh vực mà ATS cung cấp sản phẩm liên quan đến hệ thống điện, là cơ sở hạ tầng trong yếu của quốc gia. Do đó, việc đảm bảo an ninh mạng thông tin là cực kỳ quan trọng.
Cần có thêm các chính sách mạnh mẽ quyết liệt thúc đẩy ứng dụng sản phẩm "Make in Viet Nam"
Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28 về tăng cường thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT thực hiện Chương trình "Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (Make in Viet Nam)" hàng năm nhằm đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt; hỗ trợ, tạo thị trường đầu tư, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ CNTT cho các DN Việt Nam góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt về CNTT.
Theo ông Thái, Chỉ thị này là một lời nhắc nhở ý thức tự tôn dân tộc và trân trọng những giá trị chất lượng tạo ra bởi người Việt. Đối với các sản phẩm "Make in Viet Nam", để Chỉ thị thực sự đi vào đời sống, ông Thái cho rằng sẽ cần có thêm những chính sách mạnh mẽ và quyết liệt mang tính thực thi cao hơn nữa, bên cạnh những hoạt động vận động tuyên truyền.
Các tập đoàn và tổng công ty lớn đều có kế hoạch mua sắm cho giai đoạn 01 đến 05 năm. Theo đó, trong kế hoạch này cần có cam kết sử dụng tối thiểu bao nhiêu % ngân sách cho các sản phẩm Việt Nam đã được xác nhận của cơ quan quản lý. Việc lập kế hoạch cần phải có kèm theo danh mục sản phẩm Việt Nam, và lãnh đạo các đơn vị này cần chịu trách nhiệm với Chính phủ về cam kết của mình.
Trong các giai đoạn khó khăn hay khủng hoảng kinh tế, Chính phủ có thể yêu cầu các tập đoàn hay tổng công ty mua hàng từ các công ty trong nước với giá trị cụ thể để họ có thể tồn tại vượt qua khủng hoảng. Đã có nhiều quốc gia thực hiện chính sách trên. Tại Nhật Bản, trong quá trình đấu thầu cho một kế hoạch mua sắm dài hạn, không chỉ công ty với giá chào thấp nhất được lựa chọn cấp hàng, mà cơ hội được chia sẻ giữa các nhà cung cấp khi công ty với giá chào tốt nhất được nhận 50% giá trị ngân sách, công ty thứ 2 được 30% và công ty thứ 3 được 20%. "Điều này đảm bảo tính cạnh tranh nhưng cũng khuyến khích cơ hội cùng phát triển cho các bên tham gia", ông Thái nhận định.
Ông Trần Anh Thái đánh giá cao sáng kiến của Bộ TT&TT trong việc tổ chức chương trình "Make in Viet Nam để khơi dậy ý thức trân trọng và tin tưởng đối với sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam. Bởi vì, thay đổi nhận thức là một quá trình và cần thời gian để hoàn thiện đối với DN cung cấp hàng hóa, DN sử dụng, người sử dụng và cơ quan quản lý.
Đối với công ty ATS, giải thưởng "Make in Viet Nam" truyền được cảm hứng và nguồn năng lượng mới cho đội ngũ cán bộ và kỹ sư của Công ty ATS. Thế hệ Gen-Z ở công ty ATS chiếm khá đông, họ là những con người tài năng, nhiệt huyết và có tính độc lập cao, ngoài nhu cầu thu nhập thì thế hệ này còn có nhu cầu lớn về giao tiếp xã hội và thể hiện được cá nhân mình. Do đó, giải thưởng cũng đã góp phần làm động lực để thôi thúc các kỹ sư trẻ này thể hiện cái tôi và khả năng của người Việt hơn nữa.