Ấn Độ - ITU khởi động diễn tập phòng thủ không gian mạng chung 2021
An toàn thông tin - Ngày đăng : 11:47, 03/12/2021
Cuộc diễn tập này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng (ATTTM) cho các cơ quan và ban ngành khác nhau trong khu vực công, đặc biệt là các nhà khai thác cơ sở hạ tầng mạng quan trọng của Ấn Độ.
Đây là một sự kiện ảo kéo dài 4 ngày với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia từ ITU, Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), INTERPOL, Ban Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia (National Security Council Secretariat - NSCS) và Đội Ứng cứu Khẩn cấp máy tính Ấn Độ (CERT-In).
Theo dữ liệu theo dõi và giám sát các sự cố an ninh mạng ở quốc gia này của CERT-In, trong nửa đầu năm 2021, hơn 600.000 cuộc tấn công mạng đã được phát hiện ở Ấn Độ, trong đó có gần 12.000 vụ tấn công là diễn ra trong các tổ chức chính phủ. Năm 2020, khoảng 1,1 triệu sự cố an ninh mạng cũng đã được báo cáo.
Với gần 750 triệu người dùng Internet và gần 1,2 tỷ người dùng điện thoại di động, các lỗ hổng bảo mật đã tăng lên gấp nhiều lần ở Ấn Độ. Quốc gia này đang trở thành một trong những mục tiêu nhắm đến ưa thích của tội phạm mạng.
Phát biểu tại lễ khai mạc India - ITU Joint Cyberdrill 2021, bà Anita Praveen, đại diện của DoT nhấn mạnh sự cần thiết của không gian mạng an toàn và bảo mật đối với các mạng lớn ở Ấn Độ.
Bà Anita Praveen cũng đặc biệt khẳng định, ATTTM là trách nhiệm của tập thể và kêu gọi tất cả các bên liên quan - chính phủ, cộng đồng an ninh mạng và các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng một môi trường mạng có khả năng phục hồi.
Tội phạm mạng thường có quy mô xuyên quốc gia, do đó, rất cần hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các phương pháp tốt nhất để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin.
Trước đó, vào tháng 10, Đối thoại kênh 1.5 Ấn Độ - ASEAN lần thứ 3 về các vấn đề an ninh mạng cũng đã được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác về an ninh mạng và thu hẹp khoảng cách số.
Chia sẻ tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, bà Riva Ganguly Das chỉ rõ ASEAN đã chủ động trong các nỗ lực của khu vực để giải quyết các thách thức an ninh mạng và đã thực hiện nhiều biện pháp xây dựng lòng tin liên quan đến không gian mạng.
Đồng thời, bà cũng khẳng định quan điểm của ASEAN chú trọng đến an ninh mạng và kết nối không gian mạng phù hợp với luật pháp quốc tế tương đồng sâu sắc với cách tiếp cận của Ấn Độ đối với không gian mạng.
Theo bà Ganguly Das, Ấn Độ đã và đang nỗ lực để giải quyết các thách thức ATTTM thông qua các nền tảng có khả năng hỗ trợ và duy trì các nỗ lực bảo đảm an toàn không gian mạng, cũng như thông qua việc áp dụng các chính sách toàn diện như chính sách an ninh mạng quốc gia mới. Điều này sẽ mang lại một cái nhìn tổng quan về những điều cần làm để bảo vệ hiệu quả thông tin, các hệ thống và mạng lưới thông tin.
Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết, quốc gia này cam kết hợp tác song phương và quốc tế về an toàn thông tin mạng và nỗ lực vì một môi trường không gian mạng mở, an toàn, miễn phí, dễ tiếp cận và ổn định. Với các sáng kiến công nghệ như IndiaStack, Aadhar và United Payments Interface (UPI), Ấn Độ đã tận dụng thành công tiềm năng to lớn của công nghệ mạng trong việc thực hiện chương trình nghị sự Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và cải thiện quản trị.
ITU, cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, hàng năm thường tiến hành các cuộc diễn tập trên không gian mạng trên toàn thế giới, trong đó các cuộc tấn công mạng, lừa đảo, sự cố bảo mật thông tin và các vi phạm an ninh thông tin khác được mô phỏng để kiểm tra khả năng phản ứng của các tổ chức nhằm ngăn chặn, giảm thiểu những tác động, đồng thời nâng cao khả năng sẵn sàng, bảo vệ và ứng phó với sự cố an ninh mạng của các quốc gia thành viên. Trong 10 năm qua, ITU đã tổ chức hơn 30 CyberDrills, hợp tác với hơn 100 quốc gia cam kết cải thiện an ninh mạng ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu./.