Golf cần được nhìn nhận công bằng hơn tại Việt Nam
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:29, 03/12/2021
Những năm vừa qua, golf tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, cả về chất lượng và số lượng. Tính đến năm 2021, số lượng người chơi golf Việt Nam là hơn 60.000, tăng gần gấp 2 lần so với 1 năm trước đó. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang sở hữu hơn 60 sân golf đạt tiêu chuẩn Quốc tế, cùng với hơn 30 phòng tập golf 3D trải dài từ Bắc vào Nam. Và đáng kể nhất, chính là việc golf trở thành một trong những bộ môn cạnh tranh huy chương tại SEA Games 31 sắp tới tại Việt Nam.
Mặc dù phát triển như vậy, nhưng có một sự thật đáng buồn là golf vẫn chưa thoát khỏi định kiến "môn thể thao của giới thượng lưu" với đại đa số người dân tại Việt Nam. Thậm chí với nhiều người, golf còn không được coi là môn thể thao mà chỉ là một loại hình giải trí của giới đại gia, những người dư dả cả về thời gian lẫn tiền bạc. Và ngay cả các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với golf vào thời điểm hiện tại
"Golf vẫn chưa được coi là môn thể thao tại Việt Nam và chưa nhận được sự ưu đãi nào từ các cơ quan chức năng. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh về golf đang phải chịu thuế thu nhập đặc biệt lên tới 20%. Chính điều này khiến cho chi phí để chơi golf trở nên đắt đỏ. Hiệp hội Du lịch Golf đã kiến nghị với Chính phủ về việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với golf, nhưng vẫn chưa có kết quả." – Ông Nguyễn Văn Linh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf chia sẻ trong một buổi tọa đàm về du lịch golf.
Bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt khiến cho golf ngồi chung mâm với các mặt hàng như bia, rượu, thuốc lá hay các ngành dịch vụ xổ số, mát-xa, karaoke. Việc một môn thể thao như golf phải nhận những đánh giá có phần tiêu cực, đôi khi là bảo thủ như vậy có lẽ chỉ tồn tại duy nhất ở Việt Nam. Và cũng chính điều này đã kìm hãm sự phát triển của cả một hệ sinh thái liên quan tới golf, cũng như khiến chúng ta mất đi một nguồn thu nhập đáng kể tới từ môn thể thao này.
Hãy nhìn sang các nước khác trong khu vực, điển hình là Nhật Bản – nước có nền công nghiệp golf phát triển nhất châu Á. Ngay từ năm 1985, chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật "Resort Law" mới với nhiều quy định giảm thuế cho các dự án xây dựng sân golf, tạo thuận lợi cho việc chuyển hoá đất rừng và đất nông nghiệp trở thành sân golf và những hạng mục tương tự. Điều này giúp cho golf phát triển một cách chóng mặt tại đất nước mặt trời mọc với hơn 2400 sân golf được xây dựng; số lượng người chơi mới tăng trung bình 1 triệu người mỗi năm. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất gậy golf, bóng golf, thời trang golf,... cũng phát triển rầm rộ tạo nên một nền công nghiệp golf bền vững.
Gần hơn chút nữa thì có Thái Lan. Trước năm 1970, Thái Lan cũng chìm trong sự phát triển kinh tế chậm chạp không khác gì Việt Nam. Bằng việc tận dụng những chính sách khuyến khích từ ASEAN, Thái Lan đã cho phát triển ngành golf trong nước thông qua việc đẩy mạnh xây dựng những sân golf cao cấp nhằm thu hút các giải đấu lớn, tung ra các gói học golf với giá thành hợp lý. Từ đó tạo nên hệ sinh thái golf đa dạng nhiều lợi ích trong cộng đồng người Thái, đưa môn chơi này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cho tới nay, ngành du lịch golf vẫn mang về cho Thái Lan một nguồn thu vô cùng ổn định và đóng góp 9% trong tổng số GDP của Quốc gia này.
So với Thái Lan, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành một điểm đến ưa thích của những người yêu golf trên toàn Thế giới. Sở hữu đường bờ biển dài 3260 km là một điều kiện không thể tuyệt vời hơn để Việt Nam có được những sân golf đẹp nhất châu Á. Tuy nhiên, với những hạn chế về thuế cũng như việc không có được những chính sách hỗ trợ từ chính phủ khiến cho các nhà đầu tư vẫn chưa dám mạo hiểu đầu tư vào golf tại Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam đã vượt qua Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc và Trung Quốc để trở thành "Điểm đến golf tốt nhất Thế giới" do tổ chức World Golf Awards trao tặng. Giải thưởng này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam là điểm đến thu hút hàng loạt golfer trên Thế giới ghé thăm trong thời gian tới. Đây là thời điểm và cơ hội không thể tuyệt vời hơn để thúc đẩy, phát triển golf tại Việt Nam. Hy vọng rằng trong thời gian tới, chính phủ sẽ có thể nhìn nhận lại về tiềm năng của hệ sinh thái golf và đưa ra những chính sách phù hợp giúp môn thể thao này phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Qua đó, những định kiến về golf trong xã hội cùng vì thế mà mất đi. Không nhanh cơ hội sẽ vụt mất với golf Việt Nam.