Xây dựng hạ tầng số - Những bài học
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 07:45, 01/12/2021
Hạ tầng số là gì?
Khi nói từ “hạ tầng” hay “cơ sở hạ tầng” hay “hạ tầng cơ sở” thông thường là nói đến các hệ thống bao gồm đường xá, điện nước, cầu cống, bệnh viện, trường học... là nền tảng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và nó thuần túy là vật chất hữu hình. Còn trong kinh tế học, cơ sở hạ tầng bổ sung thêm cả những tài sản vô hình như vốn nhân lực, tức các khoản đầu tư vào việc đào tạo lực lượng lao động.[1]
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thuật ngữ “cơ sở hạ tầng” có thể được định nghĩa là sự kết hợp một loạt các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng vật chất như đường xá, cầu, cảng và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc cũng như các thể chế kinh tế - xã hội như hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý của chính phủ và thậm chí là các yếu tố vô hình như các chuẩn mực xã hội của hành vi.
Còn cụm từ “hạ tầng số” chúng ta nói đến được dịch từ tiếng Anh “digital infrastructure”. Đây là một khái niệm ra đời sau sự ra đời của công nghệ thông tin (CNTT), xuất hiện trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của làn sóng số hóa.
Hạ tầng số vừa có sự kế thừa một phần từ cơ sở hạ tầng truyền thống nói trên, vừa được bổ sung mới một loạt các nội hàm chứa đựng những sản phẩm mới của nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, là cơ sở cho chuyển đổi số.
Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM): hạ tầng số bao gồm (1) thiết bị (máy tính điện tử), (2) kết nối (các loại mạng kết nối như không dây, cáp quang...), (3) dữ liệu (các cơ sở dữ liệu, công nghệ, quy trình, cách tổ chức, vận hành, quản lý và chia sẻ dữ liệu), (4) ứng dụng (công cụ khai thác các nguồn tài nguyên số), (5) pháp lý (hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật trong thời chuyển đổi số), (6) nhân lực (lực lượng lao động số với kỹ năng lao động mới, có khả năng làm chủ và sử dụng các công nghệ số (diện rộng và tinh hoa).
Trong đó, các thiết bị, công nghệ số cốt lõi cung cấp nền tảng cho hoạt động của một quốc gia, một khu vực, một tổ chức để tạo nên hạ tầng số bao gồm:
• Đường trục Internet, băng thông rộng(Internet backbone, broadband);
• Các phần mềm và dịch vụ đám mây (cloud);
• Bộ liên lạc kỹ thuật số và viễn thông di động, bao gồm cả các ứng dụng;
• Các trung tâm lưu trữ và các trung tâm dữ liệu siêu cấp (Hyperscale data centers);
• Mạng điều khiển bằng phần mềm (Software-defined networking- SDN);
• Các nền tảng, hệ thống, phần mềm, cổng thông tin của doanh nghiệp;
• Mã hóa dữ liệu, bảo mật hoạt động và danh tính người dùng;
• Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface – API) và các tích hợp;
• Các máy chủ ảo hóa và các chức năng mạng ảo hóa (Network functions virtualization - NFV) cho cơ sở hạ tầng đàn hồi;
• Cảm biến Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) và các thiết bị khác kết nối IP (Internet Protocol) để cảm ứng các điều kiện thời gian thực.
Hạ tầng số được thiết lập bởi hệ thống các máy chủ, các phần mềm kỹ thuật số và hệ thống mạng vật lý cục bộ và toàn cầu; với nền tảng hoạt động là các công nghệ số. Trong đó, nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến dựa trên kết hợp cáp quang và không dây, với các dịch vụ ứng dụng đa chức năng được nhúng. Các dịch vụ này hỗ trợ kết nối thời gian thực trực tuyến 24/7 giữa các nút trong mạng hoạt động để cho phép quản lý từ xa các tài sản sản xuất.
Hạ tầng số có nghĩa là không có giới hạn về địa lý. Các tài sản chủ yếu liên quan đến truyền thông di động và Internet, bao gồm phổ tần, tháp di động vĩ mô, trung tâm dữ liệu, mạng cáp quang, mạng di động nhỏ và các tài sản khác liên quan. Các tài sản khác đó là bảng quảng cáo kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng CBRS trong nhà, vệ tinh, phổ tần và cáp ngầm. Tất cả các doanh nghiệp liên quan đến các tài sản này và bất kỳ công ty nào chuyên về cung cấp dịch vụ cho các cơ sở hạ tầng này (bao gồm các ứng dụng trực tuyến và phần mềm) cũng thuộc hạ tầng số.
Các tài nguyên vật lý trong hạ tầng số cho phép sử dụng dữ liệu, các thiết bị vi tính hóa, các phương pháp, hệ thống và quy trình. Ngoài ra, trong mỗi phạm vi của một hoạt động nào đó, hạ tầng số tương ứng là bao gồm những thành phần rất cụ thể.
Ví dụ, đối với thành phố thông minh, đó là cơ sở hạ tầng khung, là những yếu tố có khả năng hỗ trợ cho việc quản lý đô thị, gồm các công ty đặt cáp quang, các đối tượng IoT thu thập dữ liệu, các quy trình xử lý hoạt động trực tuyến. Các công cụ cụ thể cho hạ tầng số trong thành phố thông minh có thể kể đến là giao thông kết nối, các điểm bluetooth trong từng cửa hàng, hệ thống chiếu sáng thông minh, công nghệ ẩn danh dữ liệu lớn, dịch vụ quản lý qua ứng dụng.
Hay ví dụ cụ thể trong khuôn khổ một dự án về bình đẳng lương thực có tên SAFE (Self-organising Action for Food Equity) thì hạ tầng số bao gồm: một trang web (Wiki), một bản đồ tương tác về các dịch vụ địa phương, dịch vụ đám mây, các cảm biến, thiết bị kết nối Internet (IoT) và các ứng dụng điện thoại thông minh. [2]
Hạ tầng số và bài học về tầm nhìn
Tính tất yếu
Đại dịch COVID và những ngày cách ly khiến người ta càng phụ thuộc vào chiếc điện thoại di động, vào các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn. Các hoạt động biểu diễn văn hóa tinh thần dựa vào công nghệ livestream. Các văn phòng thực hiện làm việc từ xa. Nhà xuất bản tăng cường sách số để tiếp cận độc giả.
Rõ ràng, hạ tầng cáp quang đã quan trọng không kém hạ tầng điện, nước. Nhiều hạ tầng truyền thống bị hạn chế, nhưng hạ tầng số được sử dụng không giới hạn. Điều đó làm cho dường như “COVID-19 chính là sự dịch chuyển mô hình sang hạ tầng số”. Đồng thời “hạ tầng số là nhiệm vụ tối quan trọng cho sự sống còn của nền kinh tế và của hành tinh chúng ta.” (Marc Ganzi, CEO của Digital Conoly).
Mạng băng thông rộng mà cáp quang đóng vai trò quan trọng, đã trở nên thiết yếu trong hạ tầng số của hiện tại và tương lai. Nó giúp vận chuyển lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng, chính xác.
Ngày nay, nếu thiếu hạ tầng số, các địa phương thậm chí có thể đối mặt với vấn đề giảm dân số và doanh nghiệp. Lý do: người dân sẽ di cư đến nơi khác làm ăn. Thiếu hạ tầng số sẽ dẫn đến các chi phí cung cấp dịch vụ rất cao làm cản trở việc kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Cuộc cách mạng 4.0 tràn tới là quy luật tất yếu của sự phát triển trong lịch sử loài người, cũng như các cuộc cách mạng 3.0, 2.0 trước đây. Việc chuyển đổi các hoạt động sang các phương thức số hóa, đặc biệt tại các thành phố, là xu thế không thể đảo ngược, để cải thiện khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng và chăm sóc sức khỏe toàn diện, đồng thời điều phối tốt hơn vấn đề an toàn công cộng và ứng phó khẩn cấp.
Mới đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la, một phần quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Với 550 tỷ đô la đầu tư mới của liênbang vào cơs ở hạ tầng của Mỹ trong 5 năm, thì 65 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng băng thông rộng của quốc gia.[3]
Sự đầu tư vào hạ tầng số của Mỹ đã cho thấy tính tất yếu của xu thế phát triển này. Mọi thứ trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của chúng ta đều phụ thuộc vào hạ tầng số. Có hàng tỷ thiết bị di động được kết nối. Có 3,5 tỷ đăng ký băng thông rộng di động, 1 tỷ đăng ký băng thông rộng cố định, 5 tỷ thiết bị IoT. Tất cả chúng đều kết nối với 1 tỷ trang web. Và mọi người đều mong họ làm việc mọi lúc mọi nơi.
Những gì chúng ta đang thấy hôm nay chỉ là sự khởi đầu. Mạng và trung tâm dữ liệu đang trở nên ảo hóa hoàn toàn với NFV và SDN. Sự phức tạp tiếp tục có xu hướng gia tăng. 5G, IoT kết nối từ các thiết bị cần ổ cắm đến thiết bị cảm biến, từ những món đồ xách tay nhỏ gọn cho đến những chiếc ô tô cồng kềnh - sẽ tạo ra lượng dữ liệu vượt theo cấp số nhân, thậm chí vượt xa số lượng khổng lồ mà chúng ta đang thấy. Số lượng thiết bị được kết nối có thể lên đến hơn 200 tỷ - một con số đáng kinh ngạc.
Ảo hóa đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đám mây và các đám mây lai đang trở thành tiêu chuẩn. Cơ sở hạ tầng vật lý đã quen thuộc từ lâu đang được ảo hóa. Thách thức ngày nay - thách thức của tất cả các xu hướng này - là sự phức tạp và quy mô. Các thách thức đó mang lại sự chuyển đổi và phát triển. Đó là điều tất yếu của thế kỷ này.
Thời gian
Trong những năm 1954, Tố Hữu có bài thơ “Ta đi tới” với những câu thơ đầy tự hào làm nức lòng mọi người dân Việt Nam:
“Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước.
Đường ta rộng thênh thang tám thước...”
Vâng, tám thước tương đương 8m. Sau hơn 50 năm, con đường 8 thước này đã trở nên chật chội. Hiện nay các đường cao tốc tối thiểu 4 làn đường và có độ rộng từ 20 đến trên 50m. Điều cha anh chúng ta đã coi là “thênh thang” thì nay đã thành chật chội.
Đường xá là hạ tầng vô cùng quan trọng của một khu vực. Những hạ tầng này cần đầu tư một nguồn lực rất lớn. Đồng thời chúng tạo ra định hình toàn diện đến cấu trúc phát triển mọi mặt của quốc gia, dù sau 50 năm hay hàng trăm năm. Mỗi sự kiện ở mỗi giai đoạn có vai trò lịch sử của nó. Tuy nhiên, với những nhà hoạch định chính sách và những người triển khai xây dựng nền móng cho cả một hạ tầng kinh tế, xã hội quốc gia, vai trò lịch sử đó đòi hỏi họ phải có tầm nhìn cho tương lai.
Nếu cơ sở hạ tầng sau một thời gian xây dựng đã trở nên lạc hậu, không đáp ứng được sự phát triển của công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân và tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Xây dựng cơ sở hạ tầng đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và thời gian thực hiện dài. Cần phải có tầm nhìn và lập kế hoạch dài hạn. Đưa ra mục tiêu cho một hiện trạng công nghệ đang biến đổi không ngừng là việc cần tính toán rất kỹ lưỡng.
Trong nền kinh tế số, tốc độ thay đổi quá nhanh của công nghệ khiến các tổ chức ngày càng khó tiếp cận thị trường nếu chỉ dựa vào nội lực của chính họ. Nền tảng kỹ thuật số kết hợp với hệ sinh thái sôi động có thể giúp họ khắc phục điều này. Các hệ sinh thái số cho phép các tổ chức truy cập các tài nguyên họ cần một cách nhanh chóng, đồng thời cung cấp bàn đạp cho các mối quan hệ đối tác mới để đẩy nhanh việc ra mắt các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Theo tỉ phú Elon Musk đứng đầu SpaceX và Tesla: “Tất cả các phương tiện giao thông như tàu thủy, ôtô, máy bay chắc chắn sẽ sử dụng điện. Tất cả các xe sẽ được lái tự động”
Nếu điều này là đúng thì hạ tầng số cần xây dựng để phù hợp với việc cung cấp điện cho tất cả các phương tiện giao thông. Và hệ thống điều hành, quản lý xe tự lái là việc phải được tích hợp trong quy hoạch ngay bây giờ.
Ở góc độ Chính phủ, cần áp dụng các biện pháp đối mới sáng tạo cho hạ tầng số để cải thiện tính bền vững và khả năng phục hồi. Trong đó, quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư tạo ra trách nhiệm tập thể, thúc đẩy hợp tác lâu dài và cộng sinh. Quan hệ đối tác này có thể bao gồm các thỏa thuận liên minh trong không gian hạ tầng số; cũng có thể là các hình thức đối tác công tư (PPP) chính thức, mang đến cho khu vực tư nhân một vai trò có ý nghĩa trong việc thúc đẩy đổi mới, chia sẻ rủi ro, hợp tác tài trợ, nghiên cứu - phát triển và tăng cường cung cấp dịch vụ.
Chính phủ phải đóng vai trò cải cách trong việc tạo ra các môi trường trao quyền, hỗ trợ đổi mới của khu vực tư nhân như một giải pháp thay thế cho các nền văn hóa độc quyền, thiếu tính toán giá trị kinh tế, kém hiệu quả trong khu vực công. Thực hiện cải cách các quy định cho phép các bên tham gia quốc tế hình thành hệ sinh thái hạ tầng số xuyên quốc gia trong một thế giới mạng và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Điều quan trọng đối với tầm nhìn dài hạn là cách tiếp cận tái tạo và tiến hóa đối với cơ sở hạ tầng số để đối phó với nguy cơ lỗi thời nhanh chóng của công nghệ. Điều này đặc biệt đúng đối với hạ tầng vật lý hỗ trợ chức năng phân phối và trao đổi dữ liệu của hạ tầng số. Sự lạc hậu về công nghệ là một rủi ro đặc biệt đối với các nhà đầu tư vào hạ tầng vật lý trong hạ tầng số, đặc biệt là trong các hình thức PPP có thể yêu cầu cam kết vận hành và bảo trì trong 30 năm trở lên.
Nhiều người tin chắc rằng khu vực tư nhân có nhiều khả năng cung cấp các giải pháp sáng tạo hơn so với khu vực công vì yêu cầu cạnh tranh của họ để tồn tại và tạo ra lợi nhuận (sau đó có thể được sử dụng để nghiên cứu và phát triển các bước lặp tiếp theo của công nghệ số). Thông qua quan hệ đối tác công - tư, cả hai bên sẽ được tiếp xúc với những đổi mới bao gồm cả trí tuệ nhân tạo tái tạo, góp phần xây dựng hạ tầng số bền vững trong tương lai. Đây là cách mà sự đổi mới sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới, đáp ứng được những bài toán về tầm nhìn theo thời gian trong xây dựng hạ tầng số.
Không gian
Chưa bao giờ “toàn cầu” được nhắc đến nhiều như bây giờ. Và chắc chắn, trong tương lai, “toàn cầu” sẽ hiện hữu trong mỗi hoạt động của con người. Hạ tầng của Việt Nam không chỉ là riêng cho Việt Nam nữa. Mà Việt Nam đã trở thành một mắt xích trong hạ tầng số toàn cầu.
Hiện nay, bên cạnh các tuyến cáp đất liền qua biên giới phía Bắc, việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hiện đang dựa chủ yếu vào 6 tuyến cáp biển chính. Đó là TNG- IA (Tata TGN-Intra Asia), AAG (Asia-America Gateway), SMW-3 (SEA- ME-WE3 hoặc South-East Asia - Middle East - Western Europe 3), APG (Asia- Pacific Gateway), AAE-1 (Asia Africa Europe-1) và TVH (Thailand – Vietnam- Hong Kong).
Với các sự cố đứt cáp thời gian qua gây ra nhiều gián đoạt trong các hoạt động kết nối Internet không chỉ cho Việt Nam mà cho cả các nước trong khu vực là minh chứng rõ rệt cho mối liên hệ về không gian này. Không còn biên giới quốc gia, các hoạt động truyền tải thông tin, dữ liệu của các nước trong khu vực được “hòa trộn” thông qua các đường cáp.
Một ví dụ điển hình khác về tính toàn cầu của hạ tầng số chính là trong vận chuyển hàng không. Tính đến cuối tháng 6/2019, 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam. Tổng thị trường 6 tháng đạt 20,2 triệu khách.[4]
Việc điều hành quản lý an toàn số lượng máy bay, các hành trình và lượng khách di chuyển lớn như vậy cần phải áp dụng công nghệ số hóa tiên tiến nhất với các kết nối mạng hiện đại nhất. Và tương lai, lưu lượng di chuyển này đang không ngừng gia tăng đòi hỏi phải có một hạ tầng hàng không được số hóa tương thích. Điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng hạ tầng số hôm nay phải tính đến việc sử dụng nó trong tương lai và trên phạm vi đồng bộ hóa với toàn cầu.
Bắt đầu từ đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và tốc độ di chuyển xuyên biên giới của các yếu tố sản xuất như lao động, vốn và công nghệ đang tăng nhanh. Điện toán đám mây và dữ liệu lớn không chỉ cách mạng hóa hoạt động của các công ty thương mại truyền thống mà còn đặt nền móng công nghệ vững chắc cho sự phát triển nhanh chóng của thương mại xuyên biên giới, đó cũng là nền móng vững chắc để thiết lập hải quan số toàn cầu.
Trong thập kỷ qua, các mô hình kinh doanh mới của thương mại điện tử xuyên biên giới đã lần lượt xuất hiện. Các gã khổng lồ thương mại điện tử toàn cầu hàng đầu như Alibaba, Amazon, eBay đang ngày càng tác động vào việc định hình các quy định thương mại thế giới. Đề xuất xây dựng Nền tảng Thương mại Thế giới Điện tử (eWTP) do Jack Ma, Chủ tịch điều hành của Alibaba, khởi xướng, đã được đưa vào Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu tại Trung Quốc vào tháng 9 năm 2016. Trong các cuộc đàm phán DohaRound, các thành viên WTO đề xuất tạo Cơ chế một cửa quốc gia để chỉ gửi dữ liệu một lần cho một cơ quan, tạo ra hải quan số toàn cầu.
Như vậy, khi xem xét xây dựng hạ tầng số của một tổ chức, một quốc gia cần xem xét trên phạm vi lớn hơn chính tổ chức và quốc gia đó. Cần một tầm nhìn về không gian tương ứng với sự phát triển không phụ thuộc giới hạn địa lý của công nghệ.
Bài học về đảm bảo an toàn cho hạ tầng số
Theo tạp chí Cybercrime Magazine: Vào cuối năm 2021, tội phạm mạng được dự báo sẽ làm loài người tiêu tốn hơn 6 nghìn tỷ đô la và đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ lên đến 10,5 nghìn tỷ đô la. Với sự tăng tốc trong việc áp dụng công nghệ, nhu cầu bảo vệ hạ tầng số cũng tăng lên theo cấp số nhân. Vào năm 2022, thị trường an toàn thông tin toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 170,4 tỷ đô la để giúp các doanh nghiệp đối phó với tội phạm mạng ngày càng gia tăng.
Các cuộc tấn công đến từ cả bên trong và bên ngoài tổ chức. Từ các tin tặc, các quốc gia, các nhân viên bất mãn đến chính những nhân viên đáng tin cậy nhưng vô tình đưa các thiết bị chứa đầy phần mềm độc hại vào một kết nối mạng của tổ chức, đều có thể khiến toàn bộ tổ chức đó bị tấn công. Đã có vô số bài học về các cuộc tấn công này, khi mà dữ liệu đã trở thành tài nguyên quan trọng và giá trị không khác gì dầu mỏ. Trong nền kinh tế số, tất cả các thiết bị, công nghệ đảm bảo lưu thông cho dòng chảy dữ liệu đó đều thuộc hạ tầng số.
Đảm bảo an toàn cho hạ tầng số là vấn đề đã được cả thế giới quan tâm và đặt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. An toàn cho hạ tầng số quốc gia chính là an ninh quốc gia. Để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia khi áp dụng các công nghệ mới (bao gồm cơ sở hạ tầng như 5G và IoT) thì việc đầu tiên là thúc đẩy thực hiện chiến lược an toàn từ thiết kế (security-by-design). Các công nghệ được thiết kế ngay từ đầu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thông tin cho việc sử dụng sau này. Giống như một ngôi nhà, để phòng cháy nổ, ngay từ trên bản vẽ đã phải có thiết kế đảm bảo an toàn cho người ở nếu có hỏa hoạn xảy ra.
Đối với các mối đe dọa về vi phạm và tấn công mạng, cần có các biện pháp cụ thể đồng bộ. Thực hiện các quy tắc làm sạch mạng (cyber hygiene) bằng cách sử dụng các công cụ như tường lửa, giải pháp SIEM (thông tin bảo mật và quản lý sự kiện), mã hóa dữ liệu, tạo lập vùng tin cậy, giải pháp chống phần mềm độc hại, áp dụng xác thực đa yếu tố. Xây dựng đội ngũ chuyên trách đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Đây là đội ngũ có trình độ và kỹ năng chuyên sâu về nghiệp vụ an bảo mật để trực tiếp vận hành các hệ thống kỹ thuật và đưa ra các chiến lược, quy định, quy trình bảo vệ an toàn mạng. Đối với toàn bộ tổ chức và cộng đồng thì cần xây dựng văn hóa, ý thức đảm bảo an toàn thông tin, tránh để bị lợi dụng gây ra lộ lọt dữ liệu, để kẻ xấu tấn công mạng; hoặc tránh lạm dụng gây tổn hại đến hạ tầng số.
Ngoài bảo vệ an toàn, an ninh mạng cần đảm bảo an toàn cho tài sản vật chất. Do hạ tầng số gồm “hạ tầng” và “kỹ thuật số”, nên các tài sản vật chất, hạ tầng vật lý là nền tảng cơ bản cần được bảo vệ đầu tiên. Việc thực hiện truyền thông kịp thời về các tấn công mạng và thường xuyên kiểm tra đánh giá các hệ thống, các tài sản hạ tầng số cũng là các biện pháp vô cùng quan trọng trong bảo vệ hạ tầng số.
Trong đó, 7 điểm thiết yếu cần triển khai gồm: kiểm soát truy cập; đảm bảo an toàn cho các thiết bị đầu cuối và thiết bị sử dụng IoT; an toàn cho các trung tâm dữ liệu tại chỗ; bảo mật các dịch vụ đám mây; thực hiện việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật; và tích hợp các công nghệ khi hạ tầng số bao gồm nhiều khu vực, hệ thống được sử dụng đa dạng các giải pháp công nghệ khác nhau.
Hình trên, ITU đã đưa ra mô hình đảm bảo an toàn cho hạ tầng thông tin trọng yếu là một phần của hạ tầng số gồm 5 thành phần tham gia quan trọng: Điều hành của Chính phủ, quy trình, công nghệ, nhân lực và an toàn vật lý.5
Bài học về cách làm
Để xây dựng hạ tầng số hiệu quả, có giá trị lâu dài, qua các phân tích nêu trên, có thể thấy các chủ thể phải có tầm nhìn xa, lập kế hoạch cụ thể, nghiêm túc trong đầu tư và luôn đổi mới. Trong đó, lưu ý hạ tầng số đòi hỏi sự hợp tác của đối tác và các chiến lược CNTT đã chuyển từ công nghệ xây dựng sang tích hợp một loạt các khối xây dựng kỹ thuật số đa dạng.
Xây dựng hạ tầng số là một khoản đầu tư dài hạn cho tương lai của nhân loại. Đã có hàng nghìn tỷ đô la được rót vào vốn và chi phí hoạt động cũng như nghiên cứu và phát triển để xây dựng và duy trì hạ tầng hỗ trợ hệ sinh thái số giúp nền kinh tế số khả thi. Các nhà đầu tư là các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông hoặc CSP (các công ty viễn thông cố định và không dây, các công ty truyền hình cáp và các nhà cung cấp băng thông), các nhà cung cấp dịch vụ và nội dung số (các công ty nội dung, truyền thông và dịch vụ CNTT) và các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm (thiết bị cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhà sản xuất phần mềm và linh kiện).
Các chính phủ có trách nhiệm quan trọng, đặc biệt trong vai trò nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và chủ sở hữu cũng như phân phối phổ tần cho các mạng di động. Các tổ chức phi chính phủ (NGO), hiệp hội ngành, cơ quan tiêu chuẩn, hiệp hội đa ngành như World Wide Web Consortium (W3C), Tập đoàn Internet cấp số và tên miền (ICANN), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cũng có vị trí không thể thiếu trong quá trình này.
Tất cả những người tham gia này cùng nhau chịu trách nhiệm về mạng di động và cố định, điểm trao đổi, trung tâm dữ liệu, thiết bị và thiết bị mạng cũng như các nền tảng và giao thức giúp cho Internet hoạt động.
Khi thế giới vật lý và kỹ thuật số tiếp tục hội tụ trong hạ tầng số, những thay đổi trong cách mọi người giao tiếp trong thế kỷ 21 đã tạo ra những thách thức lớn cho các nhà khai thác viễn thông. Việc xây dựng, bảo trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng đều tốn rất nhiều vốn. Để cân bằng nhu cầu của tương lai với áp lực của ngày hôm nay, ba điều sẽ cần lưu ý:
Thứ nhất, thiết lập môi trường pháp lý và chính sách ngành phù hợp để khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng
Trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông các cơ chế quản lý phân tán làm tăng chi phí cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng. Tiêu chuẩn hóa nhiều hơn trong các lĩnh vực như phổ tần và công nghệ sẽ giúp giảm chi phí R&D, triển khai và vận hành mạng.
Liên minh các Mạng Di động Thế hệ Tiếp theo (NGMN) khuyến nghị phân bổ thêm 500 MHz phổ tần cho Viễn thông Di động Quốc tế (IMT). Các quốc gia và chính phủ phải tạo ra một cơ chế phân bổ phổ tần lành mạnh hơn để giảm chi phí thu được phổ, và các cơ quan quản lý nên cải thiện hơn nữa việc sử dụng phổ thông qua các quy trình tiêu chuẩn hóa tốt hơn.
Các chính sách và quy định cần khuyến khích tăng trưởng và tạo ra một môi trường thị trường lành mạnh để cho phép tất cả các bên liên quan đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Thứ hai, giảm chi phí cơ sở hạ tầng mạng
Ngành công nghiệp đang nhanh chóng tiến tới thời kỳ mà sự khác biệt giữa truy cập đường dây cố định (nhanh và đáng tin cậy nhưng tĩnh) và truy cập không dây (tốc độ thấp hơn, kém tin cậy hơn nhưng linh hoạt hơn) đang giảm dần. Giờ đây, dữ liệu có thể truyền qua mạng không dây tốc độ cao (3G, LTE và 5G), cho phép các nhà khai thác cơ sở hạ tầng sử dụng công nghệ không dây dành riêng cho truy cập và mạng cáp quang cố định cho các siêu mạng lõi và khu vực.
Truy cập không dây rẻ hơn và nhanh hơn cho một nhà khai thác để triển khai so với cố định. Với tốc độ không dây đạt 10 Gbps trên 5G, các nhà khai thác có thể bắt đầu dựa vào truy cập di động để giảm đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng tổng thể.
Ngoài việc giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của việc xây dựng mạng mới, các nhà khai thác cần bắt đầu tìm kiếm cơ hội để đóng cửa các mạng cũ. Chia sẻ cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố cơ bản để giảm chi phí. Mua lại mặt bằng và xây dựng dân dụng là những chi phí triển khai đáng kể. Việc sử dụng chung các công trình dân dụng như ống dẫn, tháp và đường dây điện có thể làm giảm đáng kể chúng. Các chính phủ, tổ chức quốc tế và các ngành công nghiệp cần phát triển các chính sách và tiêu chuẩn hợp lý hơn để thúc đẩy hợp tác giữa các ngành và giảm chi phí.
Thứ ba, tăng cường hợp tác cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và giữa các ngành.
Cần có sự hợp tác trong ngành để hài hòa công nghệ trên toàncầu đểt tối đa hóa lợi thế quy mô cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tránh phân mảnh thị trường. Điều này sẽ yêu cầu các nhà cung cấp, nhà khai thác và toàn bộ hệ thống tăng cường hợp tác để tối đa hóa sức mạnh tổng hợp.
Để phát triển các dịch vụ dựa trên đám mây, chúng ta cần các tiêu chuẩn chung toàn cầu cho kiến trúc công nghệ. Các công ty trong ngành từ cả lĩnh vực CNTT và viễn thông truyền thống phải cam kết hợp tác mạnh mẽ để tạo ra một môi trường đám mây tương tác và minh bạch hơn, đồng thời đảm bảo tăng trưởng tốt cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Phát triển chuỗi giá trị ngành đòi hỏi sức mạnh tổng hợp giữa thiết bị, mạng và đám mây. Các thiết bị giá cả phải chăng và nhiều ứng dụng đa dạng cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạng băng thông rộng mà còn là mục đích của nó.
Hạ tầng số gắn liền với công nghệ, là gắn liền với những thay đổi và kết nối tốc độ. Các kết nối tốc độ cao sẽ mang lại sự ổn định cho tăng trưởng kinh tế, phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ số hóa nhanh hơn đối với các lĩnh vực chính như năng lượng, tiện ích, chăm sóc sức khỏe, giao thông và nông nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng 70% giá trị được tạo ra trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh số. Và thực tế là cuộc khủng hoảng COVID đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu kết nối ngay lập tức, điều này đã được phản ánh qua lưu lượng truy cập và mức tiêu thụ theo cấp số nhân của thị trường B2C và B2B.6
Kết luận
Hạ tầng số lý tưởng phải đảm bảo năm giá trị cơ bản: Là một hạ tầng an toàn; đảm bảo quy định dữ liệu tương thích; bền vững, phù hợp với nền kinh tế xanh và có đóng góp quyết định trong việc giảm thiểu khoảng cách số; có khả năng phục hồi, đảm bảo dự phòng tối đa và cung cấp các mức dịch vụ tốt nhất; và có thể mở rộng và linh hoạt.
Từ những bài học lịch sử trong việc xây dựng các hạ tầng vật lý truyền thống, kết hợp với những bài học hiện đại đang diễn ra về những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức liên quan phải nhìn nhận nghiêm túc và có trách nhiệm về các quyết định của mình trong việc xây dựng hạ tầng số. Các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cần phối hợp để hoàn thành trọng trách này.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Triển lãm Thế giới số 2021 vào ngày 12/10 đã khẳng định: Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Chính phủ luôn tin tưởng lực lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này.
Hạ tầng thay đổi sẽ mang đến sự thay đổi của thế giới. Hạ tầng số hiệu quả lâu dài sẽ mang đến những tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Những việc này chúng ta không thể làm mà thiếu tầm nhìn và sự liên kết. Như McRaven đã nói “Bạn không thể một mình thay đổi thế giới” (You can’t change the world alone). Do vậy, chúng ta càng cùng đồng thuận cải tiến hiện tại, có nghĩa sẽ càng giúp gia tăng những cơ hội giá trị lớn cho tương lai.
[1]. Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân
[2]. https://urbanfood-rjc.org/what-digital-infrastructure
[3]. https://edition.cnn.com/2021/07/28/politics/infrastructure-bill-explained/index.html
[4]. http://spirit.vietnamairlines.com/vi/tintuc/hang-khong-toan-cau-93/viet-nam-bung-no- hang-khong-quoc-te-do-bo-don-khach-4946.html
[5]. https://www.itu.int/itu-d/sites/ict-infrastructure/
[6]]. https://www.weforum.org/agenda/2014/04/three-ways-build-better-digital- infrastructure/
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TTT&TT số 11 tháng 11/2021)