Trồng cây rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:18, 30/11/2021

Trong những năm qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải chịu những tác động thiên tai nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa bế mạc tại Vương quốc Anh, một trong những cam kết quan trọng để duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C là "Cam kết về bảo vệ rừng", được hơn 130 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam. 

Trồng cây rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Cây xanh còn mang lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hưởng ứng Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh" giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ cũng như cam kết của Việt Nam tại COP26, tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Bộ TN&MT phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình trồng cây rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nhằm lan tỏa thông điệp và hành động chung tay BVMT, giữ gìn hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt, rừng ngập mặn còn được coi là "bức tường xanh chắn sóng", là giải pháp "mềm" trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Thành nhấn mạnh: "Với mong muốn mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp ngay từ bây giờ hãy thực hiện việc trồng, bảo vệ cây xanh, coi đây như một món quà, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau, góp phần quan trọng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi sinh, cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, BVMT. Mỗi cây chúng ta ươm, trồng này sẽ mang đến những mùa xuân xanh tiếp theo cho đất nước Việt Nam tươi đẹp cũng như góp phần cho Trái đất của chúng ta luôn xanh tươi"

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà chia sẻ, hàng năm, tỉnh Khánh Hòa đã dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và mực nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Trong những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi, trong đó có tỉnh Khánh Hòa và để lại những hậu quả rất nặng nề, như đợt bão lịch sử năm 2017 và các đợt mưa, lũ kéo dài từ năm 2018 cho đến nay. Vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đã trở thành xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía và càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng. Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, giữ cho không khí trong lành, làm đẹp thêm cảnh quan. Cây xanh còn mang lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Hành động thiết thực này cần được nhân rộng trong và ngoài tỉnh, cần được khối doanh nghiệp, người dân ý thức và cùng chung tay trồng rừng giảm nhẹ hậu quả do tác động của biến đổi khí hậu. Song song với đó, chúng ta phải nêu cao tình thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, cộng đồng để bảo vệ cây xanh đã trồng nhất là trong khu vực công cộng; Cây xanh ven đường, bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương và phát triển kinh tế biển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh Khánh Hoà.

Khánh Huyền