Sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT vùng DTTS: Cần giải pháp tháo gỡ hiệu quả
Truyền thông - Ngày đăng : 16:11, 29/11/2021
Liên quan tới công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ bao phủ BHYT đang có chiều hướng sụt giảm, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (vùng ĐBKK).
Thách thức sụt giảm tỷ lệ che phủ BHYT
Việc sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT xuất hiện kể từ khi tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, xã khu vực III, II, I và thôn, bản đặc biệt khó khăn thay đổi.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, sẽ có 2.616 triệu người DTTS thôi không được hưởng chế độ BHYT từ ngân sách Nhà nước chi trả, với tổng số tiền 2.105 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS ở các xã này bị cắt giảm; một trong số đó là hỗ trợ mua BHYT.
Ghi nhận thực tế tại Lai Châu, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lai Châu có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng nghĩa với việc các địa phương này không còn thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này kéo theo gần 106.000 người bị cắt giảm việc hỗ trợ mua thẻ BHYT, khiến tỷ lệ bao phủ BHYT của địa phương từ gần 97% giảm xuống còn hơn 73%.
Đơn cử tại xã Nậm Sỏ, huyện Tân Yên có gần 1.400 hộ và trên 7.800 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Thái và Mông chiếm trên 93%. Năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã đạt trên 90%, thế nhưng từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ còn trên 10%. Người dân không có thẻ BHYT, nên trạm y tế xã cũng thưa thớt người đến khám bệnh.
Tương tự, tại Sơn La, theo báo cáo số 13/BC-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh Sơn La về kết quả rà soát, phân định các xã, bản vùng DTTS và vùng núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã phân tích số liệu, đánh giá tác động của việc giảm tỷ lệ bao phủ BHYT đối với các xã không thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Theo đó, số đối tượng được Ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT giảm khoảng 186.000 người bằng 14,7% dân số và bằng 15,5% số người đang tham gia BHYT của tỉnh.
Như vậy, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Sơn La giảm từ 95,9% dân số của tỉnh năm 2020 xuống còn 80,1% dân số năm 2021. Việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị và ngành BHXH tỉnh Sơn La đang là thách thức không nhỏ
Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, có 240.746 người không được thụ hưởng chính sách BHYT, tương ứng giảm 12,99% tỷ lệ bao phủ BHYT/dân số toàn tỉnh…
Cần giải pháp tháo gỡ
Trước vướng mắc phát sinh trên, nhiều địa phương cũng đã chủ động tìm phương án tháo gỡ. Như tại tỉnh Đắk Lắk, vừa qua BHXH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh có phương án tạm thời cho gia hạn thẻ BHYT đối với người dân không được thụ hưởng chính sách BHYT theo hai quyết định trên. Tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho 240.746 người là 48.426 triệu đồng trong thời gian 3 tháng để đảm bảo thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục và quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh của người dân không bị ảnh hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Theo đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Quý (Gia Lai), BHYT là trụ cột lớn, căn bản của an sinh xã hội, bảo đảm tính lâu dài khi người lao động về già. Đối tượng càng mở rộng thì mục tiêu an sinh càng sớm đạt được. Vì vậy, cần mở rộng BHYT toàn dân hướng tới sửa Luật BHYT trên tinh thần tự nguyện, chuyển hướng trên nền tảng mua BHYT cho nhóm đối tượng người dân.
"Xu thế năm 2021 và những năm tiếp theo, chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng, dịch vụ hiện đại, nên chi phí y tế rất đắt, vì vậy người dân phải có BHYT mới giải quyết khó khăn. Vì vậy BHYT là giải pháp cơ bản, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xã, vùng ĐBKK", đại biểu Đinh Ngọc Quý, cho biết thêm.
Do đó, có thể thấy, việc giảm tỷ lệ bao phủ BHYT ở vùng DTTS và miền núi, không chỉ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe của người dân vùng cao, mà nó còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội của đồng bào. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Về lâu dài vẫn cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia mua BHYT để bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh, nhất là đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa,… từ đó tích cực dành kinh phí để mua thẻ BHYT./.