Viên ngọc xanh trên núi

Truyền thông - Ngày đăng : 15:16, 29/11/2021

Ai đã một lần ngắm cảnh hồ Cấm Sơn sẽ không thể nào quên khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng nơi đây. Hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được ví như vịnh Hạ Long trên cạn, có vẻ đẹp cuốn hút, mê hoặc người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cấm Sơn cách Hà Nội hơn 100km. Đến Cấm Sơn chỉ bằng hai con đường, đi theo hướng quốc lộ 1 qua Đình Lập (Lạng Sơn) đến nơi có cửa sông của sông Hóa, rồi rẽ vào hồ Cầm Sơn và hướng đi từ thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang) vào, ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến Tân Sơn đi theo con đường đất đỏ với những khúc cua tay áo liên tiếp, men theo hướng này các bạn sẽ được ngắm nhìn khung cảnh trữ tình nơi bản làng người Nùng, người Sán Chí, người Dao nơi có những ngôi nhà đất nâu óng màu thời gian, những làn khói lam chiều huyền ảo và những vườn đồi bạt ngàn cây trái ở miền quả ngọt Lục Ngạn.

Bình thường mặt hồ rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc.

Đến với hồ Cấm Sơn vào những thời điểm khác nhau, du khách sẽ có những cảm nhận hết được cảnh sắc thú vị nơi đây, không gian, non nước thể hiện suốt bốn mùa. Vào những ngày hè oi nóng, hồ Cấm Sơn trong lành, mát mẻ như "vịnh Hạ Long trên núi" cho du khách rong thuyền giải nhiệt. Mùa thu đến, nước hồ Cấm Sơn xanh trong như viên ngọc bích giữa núi rừng Lục Ngạn. Khi đông về, xuân tới những màn sương mờ nhân ảnh khiến Cấm Sơn đẹp mộng mị, huyền ảo…

Viên ngọc xanh trên núi - Ảnh 1.

Du khách đón cảnh hoàng hôn thơ mộng trên hồ Cấm Sơn

Chúng tôi bắt đầu xuống bến thuyền bên hồ ở xã Sơn Hải, Lục Ngạn. Đi trên chiếc thuyền theo hướng lái của vợ chồng chàng trai người Nùng hồn hậu, chân chất, vui tính và hiếu khách, được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây, bỏ lại những xô bồ nơi phố thị, thả hồn mình tận hưởng sự bình yên, tĩnh tại đến lạ thường. Lúc này, con người cảm thấy mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ đứng trước một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng.

Hai vợ chồng vừa chèo thuyền, vừa nhiệt tình làm hướng dẫn viên du lịch cho đoàn của chúng tôi. Đây là hòn đảo cây lá xanh rì, kia những quả đồi nối tiếp quả đồi mây trôi bảng lảng, rồi những núi Ba Hòn, núi Kỉn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng hay làng Mấn, làng Đồng Mậm, đảo Lăn Lóc... Không chỉ con người mến khách, khung cảnh trữ tình, nên thơ và mà những vườn cây trái nơi đây cũng mùa nào thức đó, mùa hè những chùm vải chín đỏ, đứng từ dưới lòng hồ nhìn lên như chiếc thảm đỏ khổng lồ hút mắt, thưởng thức quả vải đỏ mọng, ngọt lịm đến tê đầu lưỡi và hòa vào không khí của một mùa thu hoạch của người dân vùng đồi; mùa đông, xuân là những đồi cam bưởi vàng óng, chín mọng ngút ngàn trĩu quả… Bất chợt người chồng vừa chèo thuyền vừa hát bản tình ca "Hồ trên núi" bất hủ của nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi/Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/Ai đắp đập, ai phá núi/Cho hồ nước đầy (là) mặt gương so… Theo câu hát du dương ấy, chúng tôi đã lạc vào miền cảnh sắc non nước hữu tình mênh mang.

Không chỉ vậy, lòng hồ Cấm Sơn bao la cho nhiều cá tôm, vào những đêm trở trời, những chiếc vó của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao nơi đây có thể bắt được vài trăm kg cá một mẻ, đã từng có những con cá nặng đến 40-50kg.

Viên ngọc xanh trên núi - Ảnh 2.

Những món ăn dân dã như hòa cùng hương vị sông nước, núi rừng nơi đây

Vì vậy, du khách đến với Cấm Sơn không chỉ được ngắm cảnh sắc hùng vĩ, bao la ngút ngàn của núi rừng mà nhất định phải thưởng thức món ăn dân dã nơi đây như tôm rang hoặc nướng, gà đồi luộc, thịt lợn bản thái miếng to nướng; măng rừng luộc chấm muối ớt và nhâm nhi chén rượu men lá Kiên Thành…

Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang khẳng định: Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch "xanh" với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế cho người dân, trong đó hồ Cấm Sơn là một trong những điểm đến mới được Trung tâm chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch./.

Đỗ Thêu