Nhờ CĐS, VietMoney “đón đầu” sự bùng nổ thị trường vay vốn

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 06:06, 27/11/2021

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, VietMoney đã linh hoạt cung cấp các khoản vay cho khách hàng trên môi trường trực tuyến (online). Đồng thời, nhờ thực hiện chuyển đổi số (CĐS), VietMoney sử dụng yếu tố công nghệ để đón đầu sự bùng nổ của thị trường thời kì hậu giãn cách, khi nhu cầu vay vốn tăng cao.

Thông tin trên được ông Trịnh Văn Phương, sáng lập kiêm CEO VietMoney chia sẻ tại sự kiện CTO Summit được tổ chức mới đây. Theo ông Phương, dù COVID-19 là đòn bẩy thúc đẩy xu hướng, thói quen tiêu dùng của người dùng, nhưng đối với một dịch vụ tài chính liên quan đến thị trường sản phẩm đã qua sử dụng, thì gần như bị "đóng băng" trong quãng thời gian từ tháng 5 đến cuối tháng 9/2019. Tuy nhiên, VietMoney không bị động trước những tác động của dịch, nhờ đã tiến hành CĐS từ trước đó, đưa mô hình kinh doanh lên trực tuyến, nên công ty đã linh hoạt cung cấp các khoản vay cho khách hàng trên online.

Đồng thời, sau thời gian hậu giãn cách, khi thị trường đã có sự bùng nổ trở lại, với nhu cầu vay vốn để tái sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng, VietMoney đã có sự chuẩn bị từ trước để có thể "đón sóng", thông qua việc ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm của mình.

Làm mới dịch vụ cầm đồ truyền thống thông qua CĐS

Theo ông Phương, trong quá trình tiến hành CĐS từ ngày đầu thành lập năm 2016, công ty đã gặp những thách thức nhất định, đầu tiên là việc lựa chọn thay đổi định kiến về một dịch vụ truyền thống lâu đời, đó là việc vay thông qua hình thức cầm đồ. 

"Thách thức với chúng ta là làm sao làm mới nó, để trở nên thân thiện, hiện đại, gần gũi và dễ sử dụng với đại đa số người sử dụng", ông Phương chia sẻ.

Đối với là lĩnh vực tài chính tín dụng, có một quy luật "càng bán nhiều hàng đồng nghĩa rủi ro sẽ càng tăng" nên VietMoney gặp thách thức không nhỏ trong việc mở rộng quy mô hoạt động và bán hàng.

Tiếp theo, khi tham gia vào lĩnh vực Fintech, VietMoney nhìn thấy gần 50% dân số Việt nam đang nằm trong phân khúc dưới tiêu chuẩn của Ngân hàng nên mục tiêu của công ty là sẽ phải phục vụ tập khách hàng này. "Nhiều người cho rằng công ty phải đạt đến một quy mô nào đó thì mới tiến hành CĐS, nhưng chúng tôi cho rằng phải làm ngay từ đầu, để giải quyết mô hình phát triển đường dài cho công ty", ông Phương nói.

Để rồi, đến thời điểm hiện tại VietMoney đang có 30 chi nhánh, phục vụ hơn 38.000 khách hàng tại TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam. Mức tăng trưởng hàng năm của VietMoney đang duy trì trên 200% kể từ khi thành lập cho đến nay. Song song với đó, VietMoney cũng chú trọng xây dựng những dịch vụ trải nghiệm tiện lợi và nhanh chóng đến khách hàng dựa trên tiêu chí minh bạch, uy tín và chất lượng cao. VietMoney cũng đã gọi vốn Series A thành công từ 2 quỹ đầu tư Probus và Digi Ventures.

Dựa trên những kết quả thu được từ CĐS, VietMoney đã đặt ra những mục tiêu trong thời gian tới bao gồm: Mở rộng ra 160 chi nhánh với hàng ngàn điểm bán hàng liên kết; Phát triển trở thành dịch vụ tài chính phi ngân hàng hàng đầu, kênh tài chính tiện lợi cho mọi nhà, mọi người; Xây dựng trở thành công ty Fintech công nghệ hàng đầu Việt Nam, triển khai các kế hoạch CĐS, vận hành số hoá cho cả khách hàng và nhân viên; Tập trung phát triển sản phẩm đa dạng, mở rộng tệp khách hàng lên đến hàng triệu người dân.

Nhờ CĐS, VietMoney “đón đầu” sự bùng nổ thị trường vay vốn - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Phương: Dù áp dụng công nghệ, VietMoney vẫn xác định con người là trung tâm, bao gồm khách hàng và đội ngũ cán bộ nhân viên của công ty.

Sử dụng AI, dữ liệu lớn để định giá hàng ngàn mẫu sản phẩm trên thị trường

Trong quá trình CĐS, có 4 trọng tâm xuyên suốt mà đội ngũ công ty phải định hướng cho quá trình thực hiện. Đầu tiên, dù áp dụng công nghệ, VietMoney vẫn xác định con người là trung tâm, bao gồm khách hàng và đội ngũ cán bộ nhân viên của công ty.

Thứ hai là phải thúc đẩy kinh doanh bằng cách đưa các hoạt động kinh doanh lên các nền tảng số hiện đại. Thứ ba, VietMoney xác định dữ liệu sẽ nói lên tất cả. Trong đó, yếu tố quan trọng là thu thập xử lý và sử dụng dữ liệu, bởi vì nó sẽ vẽ ra bức tranh mà công ty cần trong tương lai.

Quan điểm tiếp theo của VietMoney trong quá trình CĐS đó là nhu cầu khách hàng, nhu cầu thị trường đi trước và công nghệ sẽ phục vụ để đáp ứng thúc đẩy kinh doanh, thay vì áp đặt công nghệ lên khách hàng.

Đến hôm nay, theo ông Phương, tất cả các quy trình vận hành của VietMoney đều thực hiện thông qua số hoá, từ việc tư vấn bán hàng, bán hàng, cho đến định giá tài sản, tạo khoản vay, phê duyệt, các khâu quản trị rủi ro, hạch toán kế toán, hay thậm chí là quản trị nhân sự đều được thực hiện trên một hệ thống ERP thống nhất. Hệ thống này được xây dựng thành một ứng dụng di động và phát triển bởi chính đội ngũ của công ty. Việc này sẽ giúp đội ngũ lãnh đạo VietMoney nắm được kết quả, số liệu kinh doanh được cập nhật theo thời gian thực. Đồng thời, việc tương tác, phối hợp công việc cũng được thực hiện nhanh chóng hơn, rút ngắn các quy trình, giao dịch của khách hàng. 

"Chưa kể, nó cũng giúp chúng tôi giám sát việc thực hiện của toàn bộ công ty dễ dàng hơn", ông Phương bày tỏ.

Hiện tại, khi ứng dụng nền tảng ERP, VietMoney hướng đến một văn phòng không giấy tờ. Đồng thời, một vấn đề tiếp theo mà công ty gặp phải là việc định giá hàng ngàn mẫu mã, tài sản khác nhau trên thị trường, làm thế nào để hàng ngàn nhân viên trên hàng trăm chi nhánh có thể định giá thống nhất một tài sản với thời gian rất nhanh, để tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. 

Để giải quyết bài toán này, VietMoney đã ứng dụng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc định giá tài sản của khách hàng. "Hàng ngày chúng tôi đang thu thập rất nhiều dữ liệu biến động để có thể đưa vào hệ thống xử lý, phân tích và cung cấp cho các nhân viên có thể tham chiếu, đưa ra mức giá phù hợp cho khách hàng", ông Phương chia sẻ.

Cuối cùng, ông Phương cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng rất nhanh của một mô hình kinh doanh nếu triển khai phù hợp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) không nên chờ đến khi xây dựng xong hết các cấu phần của hệ thống thì mới triển khai. Như ở VietMoney, việc CĐS được chia theo từng giai đoạn, từng phần của hệ thống, đặc biệt phải bám vào sản phẩm chính của DN.

Để rồi, theo ông Phương, những lợi ích mà VietMoney nhận được khi CĐS bao gồm, đầu tiên là gia tăng trải nghiệm của khách hàng, khi giúp họ: Có một trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ; Dựa trên dữ liệu hành vi để tối ưu hoá giá trị, sản phẩm cho khách hàng; Thay đổi quan điểm về ngành dịch vụ truyền thống, vốn thiếu minh bạch.

CĐS cũng giúp VietMoney chuẩn hoá sản phẩm vay, kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách phân tích dữ liệu giá thị trường để định giá, xây dựng sản phẩm vay phù hợp cũng như kiểm soát cơ sở dữ liệu lớn, tăng hiệu suất cảnh báo rủi ro.

Đồng thời, CĐS sẽ giúp sử dụng dữ liệu phục vụ quản trị DN, để từ đó: Phân tích, theo dõi để cải thiện hoạt động kinh doanh; Dự đoán, phân tích để đưa ra các quuyết định quản trị kịp thời; Thúc đẩy hiệu suất từng cá nhân từng bộ phận.

Chưa kể, CĐS cũng giúp VietMoney tối ưu hoá quy trình và kiểm soát vận hành bằng cách: Tăng tương tác và đảm bảo việc thực thi quy trình thông qua tác nghiệp tại hệ thống; Tối ưu hoá quy trình làm việc, giảm thiểu thủ tục, giảm thời gian xử lý giao dịch; Kiểm soát tập trung để giảm thiểu rủi ro và tăng tính đồng bộ./.

Thế Khiêm