Trung Quốc chạy đua để dẫn đầu thị trường metaverse
Kinh tế số - Ngày đăng : 12:53, 25/11/2021
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt cơ quan này, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wu Zhongze đã nhấn mạnh siêu vũ trụ số (metaverse) không phải là thứ mốt nhất thời mà là một xu hướng quan trọng cần nắm bắt khi Trung Quốc tìm cách củng cố sức mạnh công nghệ toàn cầu của mình.
Cụm từ "metaverse" được nhà văn khoa học viễn tưởng Neal Stephenson đặt ra trong cuốn tiểu thuyết năm 1992 của ông: Snow Crash. Cụm từ này được sử dụng để ám chỉ không gian ảo đắm chìm, nơi mọi người có thể chơi trò chơi, tham dự các buổi hòa nhạc, gặp gỡ đồng nghiệp và mua tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ số.
Wu cho biết: "Metaverse chắc chắn sẽ trở thành một làn gió mới cho sự phát triển công nghệ toàn cầu trong thập kỷ tới, và cũng sẽ trở thành một nền tảng cạnh tranh mới trong nền kinh tế số của mọi quốc gia".
Ngay cả khi dường như mọi công ty công nghệ đều đang lên kế hoạch xây dựng metaverse - thậm chí Facebook còn đổi tên công ty thành Meta - thì hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa toàn diện và được chấp nhận rộng rãi về metaverse.
Tại sao Trung Quốc coi metaverse là một cuộc cạnh tranh toàn cầu
Một cuốn sách mới về metaverse, do nhà xuất bản CITIC của Trung Quốc xuất bản với đồng tác giả là Yu Jianing, Giám đốc điều hành của Ủy ban Công nghiệp Metaverse, đồng thời là một chuyên gia blockchain và cựu giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Trung Quốc - đã phác thảo 6 xu hướng chính của metaverse. Trong số đó có một số điểm đáng chú ý là sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế thực và nền kinh tế số; dữ liệu trở thành tài sản cốt lõi và sự toàn cầu hóa của nền tài chính số phi tập trung hay còn gọi là DeFi.
Những xu hướng đó nằm trong các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp Internet và rộng hơn là nền kinh tế số của họ. Chính phủ Trung Quốc coi dữ liệu là yếu tố sản xuất và đã xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý mới để đảm bảo kiểm soát sâu rộng dữ liệu của các công ty công nghệ.
Trong một số bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết trong khi nền kinh tế số là quan trọng, thì "nền kinh tế thực là nền tảng" và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp nền kinh tế thực và nền kinh tế số trong metaverse.
Shen Yang, một giáo sư tại trường Báo chí thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang tin tức tài chính Trung Quốc Jiemian, doanh thu được tạo ra từ metaverse có thể đóng góp ngược lại cho nền kinh tế thực, và từ đó phát triển nên "một hệ thống kinh tế tốt".
Và đó là chưa kể đến các tác động an ninh quốc gia của metaverse như được trình bày trong một báo cáo gần đây của một tổ chức tư vấn liên kết với Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc, bao gồm các vấn đề về "an ninh chính trị" xuất phát từ một số các quốc gia được hưởng lợi thế đi đầu trong việc chuyển đổi sang metaverse, trong khi các quốc gia có ít năng lực số hơn "có thể đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ".
Đối với Trung Quốc, metaverse có thể nổi lên như một đấu trường, nơi các quyết định chính sách chiến lược có thể định vị quốc gia theo cách tạo đòn bẩy để họ thống trị so với những đối thủ khác. Đó cũng là cách mà Trung Quốc đã sử dụng nó để thiết lập sự thống trị trong các ngành công nghiệp quan trọng như xe điện và đất hiếm.
Zuo Pengfei, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết trong một bài báo rằng metaverse mang lại cho Trung Quốc những cơ hội lớn và những tác động mang tính cách mạng. Ông nói thêm, Trung Quốc nên "nắm bắt cơ hội trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trong tương lai" bằng cách đảm bảo cả các công ty công nghệ nhà nước và tư nhân chủ động đưa ra các định vị chiến lược trong ngành công nghiệp metaverse để họ có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Liệu cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc có mở rộng sang metaverse?
Sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên Công ty Facebook thành Công ty Meta vào hồi cuối tháng 10/2021, giá các cổ phiếu liên quan đến metaverse của Trung Quốc, như nhà phát triển trò chơi ZQGame và công ty giải pháp CNTT Hubei Century Network Technology đã tăng mạnh, cho thấy tiềm năng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang đổ xô vào lĩnh vực này. Gã khổng lồ truyền thông Tencent cho biết họ có khả năng phát triển metaverse và tin rằng chính phủ sẽ hỗ trợ nỗ lực của họ. Công ty trò chơi điện tử NetEase và gã khổng lồ tìm kiếm Baidu cũng đang nhảy vào cuộc đua này. Theo đó, có hơn 400 công ty, bao gồm cả Tencent và Alibaba, đã đăng ký nhãn hiệu cho những thứ liên quan đến metaverse (như "Ali Metaverse") với tổng số nhãn hiệu đăng ký lên tới gần 8000. Đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang gia tăng, công ty công nghệ thực tế tăng cường Nreal của Bắc Kinh vừa gọi vốn thành công hơn 100 triệu USD trong vòng Series C.
Sự quan tâm đến metaverse của người dân bắt đầu bùng nổ, hashtag metaverse đã có 340 triệu lượt xem trên Weibo. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin, một khóa học trực tuyến 6 tập về metaverse có giá 4,69 USD đã được 40.000 người đăng ký.
Tuy nhiên, giữa lúc các công ty Trung Quốc hào hứng đón nhận metaverse, thì các phương tiện truyền thông nhà nước liên tục cảnh báo nhà đầu tư không nên tin theo những lời quảng cáo thổi phồng về metaverse. Tuần trước, Nhật báo Kinh tế đã đăng một bài bình luận cảnh báo về "sự tăng trưởng nóng" đối với cổ phiếu metaverse, và bài báo nhanh chóng được đăng lại bởi tờ Nhân dân nhật báo và tờ Thời báo Hoàn cầu. Các cổ phiếu liên quan tới metaverse của Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng trượt giảm.
Theo giới phân tích, các công ty công nghệ Trung Quốc đang chạy đua để nắm lấy metaverse vì họ không đủ khả năng để khởi đầu chậm chạp, chấp đối thủ chạy trước. Serkan Toto, giám đốc điều hành công ty tư vấn Kantan Games có trụ sở tại Tokyo, cho biết phải mất nhiều năm để các công ty xây dựng trải nghiệm metaverse phức tạp, những người khởi đầu muộn sẽ gặp bất lợi khi khái niệm này trở thành xu hướng chủ đạo.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước với China News Network, Zuo, nhà nghiên cứu, đã cảnh báo rằng cần phải cẩn thận để "tránh metaverse bị độc quyền bởi một số thế lực".
Tất nhiên, nhận xét đó được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng chính sách đàn áp các công ty công nghệ vì đã độc chiếm thị trường bằng cách tham gia vào các hành vi chống cạnh tranh./.