Chuyển đổi số xu hướng tất yếu với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:17, 24/11/2021

Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, DN và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh của các DN, nhất là các DNNVV. Để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, các DN buộc phải tiến hành những thay đổi từ cải cách nội bộ, cải tiến cách thức vận hành đến mô hình kinh doanh. Và chuyển đổi số được xem là xu hướng của các DN hiện nay, là chiếc chìa khoá quyết định cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn hiện tại. Tại diễn đàn tri thức Việt Nam tại Nhật Bản mới đây với chủ đề "Chìa khoá của DNNVV trong trạng thái bình thường mới", các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản cùng đưa ra những góc nhìn về chuyển đổi số và cùng với đó là những giải pháp mà các DN đã và đang thực hiện để ứng phó với đại dịch hiện nay. Đồng thời giúp cộng đồng DN Việt Nam và Nhật Bản có cái nhìn tổng quan về tình hình 2 nước, kết nối giữa trí thức tại Nhật Bản với DN trong nước. Từ đó giải quyết các bài toán trong nước, sử dụng công nghệ, giải pháp đã được thực chứng tại Nhật Bản.

Chuyển đổi số   xu hướng tất yếu với doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Trong bối cảnh của nền kinh tế số các tổ chức, DN và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ

Theo khảo sát của VCCI, trong năm 2020 và 2021, các DNNVV đã chịu tác động lớn do đại dịch. Qua đó cũng tạo cú hích, thúc đẩy các DN quan tâm hơn đến áp dụng các giải pháp kỹ thuật số trong kinh doanh. Tuy các giải pháp này mới chỉ áp dụng trong một số chu trình và hoạt động nhưng đã giúp nâng cao nhận thức của DN về chuyển đổi số cũng như vai trò và hiệu quả của chuyển đổi số trong DN.

TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) cho rằng, tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực của xã hội. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế cạnh tranh trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chuyển đổi số tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Frank Bignone, Giám đốc Chuyển đổi Kỹ thuật số FPT Japan Holdings cho biết, Nhật Bản đã bị tụt hậu về chuyển đổi số trong 5 năm qua, trong khi nhiều quốc gia và công ty khác đã xúc tiến chuyển đổi số đến 10 năm trước. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, Nhật Bản đã đẩy mạnh các chính sách và hỗ trợ chuyển đổi số. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã tập trung vào chuyển đổi số từ năm 2018 và đã công bố hướng dẫn đầu tiên về thúc đẩy chuyển đổi số vào cuối năm 2018. Khoảng 80% công ty Nhật Bản có cơ sở hạ tầng công nghệ cũ kỹ, trong khi 80% chi phí liên quan đến CNTT được sử dụng để bảo trì các hệ thống hiện có. Vấn đề này thậm chí còn rõ ràng hơn trong cuộc khủng hoảng Covid-19, khi mà hầu hết các công ty có khả năng kháng chịu tốt là những công ty đã tiến rất tốt vào quá trình chuyển đổi số của họ. Và thực tế đang diễn ra trong vòng 3 năm qua, nhận thức về chuyển đổi số đã tăng lên giữa các công ty và nhà đầu tư tại Nhật Bản.

Trên thực tế, mặc dù đại dịch đã giúp nâng cao nhận thức của DN về chuyển đổi số, cũng như vai trò và hiệu quả mà xu hướng này mang lại, tuy nhiên để thực hiện thành việc này không phải là chuyện dễ dàng.

Ông Nguyễn Quang Kỷ, Phó Giám đốc Rikkei Inc khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với các DN. Rikkei với tư cách một công ty đã có nhiều năm phát triển phần mềm cho thị trường Nhật Bản, nhận thấy cơ hội thị trường chuyển đổi số của Việt Nam là rất lớn. Khi Rikkeisoft tham gia, tiếp cận đã nhận ra những bất lợi và lợi thế của DN khi làm chuyển đổi số ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, các DN đã đang và sẽ tiếp tục đầu tư cho chuyển đổi số. Hiện nhu cầu chuyển đổi số trong nước đến từ 2 lớp DN là các DN lớn và các DNNVV. Các DN lớn có sự đầu tư bài bản từ đội ngũ lãnh đạo đến vấn đề chi tiêu phù hợp. Còn các DNNVV với tài chính hạn hẹp và tầm nhìn ngắn hạn nên việc tiếp cận chuyển đổi số còn chậm. Chính vì vậy trong thời gian tới cần phải giải quyết các khó khăn như: khoảng cách giữa yêu cầu - kỳ vọng của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của đối tác công nghệ, hay khác biệt trong cách thức tiếp cận, tổ chức thực hiện với các mô hình gia công phần mềm truyền thống…

Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, DN và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển. TS. Trần Quý nhấn mạnh, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các DN tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chiến lược để hiện thực hóa các chỉ tiêu này. Tuy nhiên, hiện nay với phần lớn là các DNNVV nên công cuộc chuyển đổi số gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó 2 khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen và nhận thức, nhận thức đúng, bởi chuyển đổi số thực chất là cuộc thay đổi mang tính cách mạng.

Nguyễn Minh