Xuất bản điện tử và thách thức của người làm sách
Truyền thông - Ngày đăng : 16:41, 23/11/2021
Mục tiêu chuyển đổi số ngành xuất bản đòi hỏi các đơn vị làm sách phải nhanh chóng thích nghi và thay đổi phương thức sản xuất. Khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản, một cuốn sách có thể trở thành ebook, audio book hay multimedia.
Theo ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới - xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là điều tất yếu với ngành xuất bản. Phương thức hoạt động và hình thức tiếp cận độc giả cũng cần điều chỉnh cho phù hợp xu thế này.
Là đơn vị có lợi thế sở hữu nguồn tư liệu phong phú bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Nhà xuất bản Thế Giới đang dần làm chủ công nghệ, bước đầu tiến hành xuất bản ebook cho một số đối tác.
“Sách của chúng tôi có thể được số hóa và chuyển đổi sang định dạng audio book hoặc multimedia một cách thuận lợi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển xuất bản điện tử, dù biết phải đối mặt nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, nhân sự và công nghệ”, ông Long nói.
Đây cũng là thách thức đặt ra cho toàn ngành. Ngay từ khi bắt tay thực hiện xuất bản điện tử, giới làm sách đã nhìn nhận được những vấn đề cần giải quyết trong khâu bảo mật, nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị phục vụ quá trình số hóa các xuất bản phẩm.
Tình nhanh gọn chưa song hành với văn hoá đọc
Là một trong những đơn vị thực nghiệm làm ebook đầu tiên ở Việt Nam từ gần 10 năm trước, Nhà xuất bản Nông nghiệp đã gặp phải những khó khăn nhất định nên phải tạm dừng. Gần đây, đơn vị này mới khôi phục lại phương thức xuất bản điện tử.
Ông Lê Lân - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông nghiệp - chia sẻ: “Tranh thủ thời điểm giãn cách xã hội, chúng tôi đã tiến hành xuất bản điện tử theo hướng đi mới, không theo lối mòn của gần 10 năm trước. Thành quả của đơn vị gồm cả ebook, audio book và sách multimedia. Chúng tôi đã hoàn tất bản demo, chỉ chờ ngày đưa ra thị trường”.
Khi tiến hành xuất bản điện tử, ông Lê Lân coi đây là bước đi chung mang nhiều thách thức của toàn ngành. Khó khăn thứ nhất nằm ở việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ quá trình số hóa văn bản.
Thứ hai, quan niệm của bạn đọc cũng chưa rõ ràng về các xuất bản phẩm điện tử. “Thói quen đọc ebook, nghe audio book của người Việt không cao, dẫn đến lượng độc giả mua sách điện tử không nhiều. Cần có thời gian đủ dài để độc giả làm quen các định dạng sách và tạo dựng thói quen đọc đồng đều”, ông Lê Lân nói thêm.
Thói quen đọc ebook, nghe audio book của người Việt không cao. Cần có thời gian đủ dài để độc giả làm quen các định dạng sách và tạo dựng thói quen đọc đồng đều.
Ông Lê Lân - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông Nghiệp
Vấn đề thứ ba cũng là điều nhức nhối nhất đối với giới làm sách, đó là tính bản quyền của các xuất bản phẩm điện tử. Do đó, các đơn vị xuất bản, phát hành cần có sự đầu tư nguồn nhân lực để duy trì nền tảng bảo mật.
Khi xuất bản điện tử đang là hướng đi của nhiều đơn vị thì thư viện - nơi cung cấp sách một cách có hệ thống cho độc giả - cũng không nằm ngoài hướng đó.
Theo ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - trong bối cảnh chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành xuất bản nói riêng, Vụ Thư viện đã và đang xây dựng, tổ chức thực thi chính sách về phát triển thư viện mà ở đó, số hóa ngành thư viện là một trong những mục tiêu trọng tâm.
Tuy vậy, ông Hùng nhận định rằng điều kiện nguồn lực hoạt động của mỗi thư viện đều khác nhau, để thực hiện số hóa các văn bản giấy, cần đặt ra yêu cầu cao trong việc liên thông, liên kết giữa hệ thống thư viện trên cả nước.
“Bên cạnh đó, tính pháp lý khi thực hiện số hóa các xuất bản phẩm cũng đòi hỏi người làm công tác xuất bản, phát hành và phát triển văn hóa đọc phải đảm bảo tính bản quyền tác cho giả trên môi trường số”, ông Hùng bày tỏ.
Tính đa dạng của xuất bản phẩm điện tử
Đặc điểm của các xuất bản phẩm điện tử là hình thức thể hiện đa dạng. Đối với ebook, người đọc có thể tiếp cận sách ở định dạng PDF, HTML hay DOC. Với sách tích hợp multimedia, nội dung ấn phẩm được chuyển tải cả bằng văn bản, hình ảnh và âm thanh, gây hứng thú cho độc giả.
Điểm khác biệt lớn nhất của xuất bản điện tử là sử dụng công nghệ thông tin vào việc tạo ra các ấn phẩm, giảm bớt được công đoạn in ấn như trong hoạt động xuất bản truyền thống. Điều này cũng tạo ra tính tiện lợi của sách trong việc tiếp cận độc giả.
“Với một thẻ nhớ, người đọc có thể lưu giữ một thư viện sách. Chính điều đó làm nên tính nhanh gọn, thuận tiện cho độc giả; đồng thời cũng tiết kiệm được chi phí in ấn, phát hành cho người làm sách”, ông Lê Lân nói.
Bên cạnh đó, các xuất bản phẩm điện tử còn giúp khâu vận chuyển sách diễn ra nhanh gọn hơn, dễ đưa sách đến trường học hay tới vùng, miền xa xôi.
Một trong những mục tiêu của xuất bản điện tử là phát triển văn hóa đọc, giúp người dân có nhiều hình thức tiếp cận tri thức thông qua sách. Do đó, theo ông Lê Lân, thuận lợi lớn nhất khi thực hiện bước đi này là sự ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành.
Vượt qua những khó khăn đề ra, đại diện Nhà xuất bản Nông nghiệp cho rằng nên có chính sách đặt hàng xuất bản phẩm điện tử về chủ đề phát triển kinh tế, pháp luật, định hướng trong công cuộc xây dựng, đổi mới, để bạn đọc có thể bước đầu làm quen với các định dạng sách này.