Philippines: nỗ lực cải thiện Internet, triển khai 5G để cung cấp DVCTT
Chính phủ số - Ngày đăng : 14:58, 22/11/2021
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng cho biết các mục tiêu phát triển kinh tế có thể đạt đến thành công nếu chính phủ tạo ra một môi trường đảm bảo cung cấp các dịch vụ công (DVC) hiệu quả, tạo cơ hội cạnh tranh phát triển và cởi mở với những thay đổi. Theo Tổng thống Philippines, chuyển đổi sang mô hình chính phủ quản trị điện tử là công cụ để đạt được một môi trường như vậy.
Theo báo The Manila Times, quá trình chuyển đổi sang quản trị điện tử đã được chính phủ Philippines tiến hành nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra. Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong việc cải thiện các công việc quản trị của chính phủ là rất quan trọng để thúc đẩy chính phủ đến một giai đoạn bình thường tốt hơn sau đại dịch.
Phát triển hệ thống ID quốc gia Philippines
Trọng tâm của các sáng kiến quản trị điện tử là việc triển khai hệ thống ID quốc gia. Tổng thống Duterte đã chỉ đạo Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia (NEDA) và Cục Thống kê Philippines (PSA) lãnh đạo việc tạo ra một hệ thống nhận dạng quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người Philippines. Do đó, vào ngày 6/8/2018, Đạo luật Hệ thống Nhận dạng Philippines (PhilSys) đã ra đời, nhằm mục đích thiết lập một hệ thống nhận dạng quốc gia duy nhất cho tất cả công dân và người nước ngoài thường trú của đất nước. Điều này sẽ thúc đẩy cung cấp dịch vụ liền mạch và tạo điều kiện dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiến hành các thủ tục hành chính”.
Theo báo Philippines News Agency, để dễ liên lạc và lưu trữ thông tin, Cục Thống kê Philippines khuyến nghị người dân cung cấp số điện thoại di động và địa chỉ email để nhận thông tin cập nhật về đăng ký Hệ thống Nhận dạng Philippines (PhilSys). Cung cấp số điện thoại di động và địa chỉ email không bắt buộc, nhưng được khuyến nghị để người đăng ký có thể nhận thông tin cập nhật về trạng thái đăng ký.
Trong quá trình đăng ký, người dân sẽ được yêu cầu cung cấp tên đầy đủ, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, nhóm máu, địa chỉ thường trú, địa chỉ hiện tại, tình trạng công dân và tình trạng hôn nhân…. Người đăng ký sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi gian lận nếu cố tình cung cấp thông tin sai để lấy ID quốc gia.
PSA đảm bảo tất cả các thông tin cá nhân được bảo vệ tối đa bằng các biện pháp bảo mật hiện đại theo quy định của pháp luật.
Cục thống kê Philippines cho biết tính đến ngày 31/10/2021, tổng cộng đã có 40.264.550 người Philippines hoàn thành đăng ký Bước 2 của hệ thống PhilSys, bao gồm xác minh thông tin nhân khẩu học của người đăng ký và thu thập dữ liệu sinh trắc học của họ, chẳng hạn như dấu vân tay, quét mống mắt và ảnh mặt trước.
Cải thiện Internet để cung cấp DVCTT
Để cung cấp hiệu quả các DVC của chính phủ đến người dân, cơ quan phụ trách về thông tin và truyền thông của đất nước (DICT) đã liên tục cải thiện kết nối Internet ở các khu vực vùng sâu vùng xa và thiết lập cơ sở hạ tầng băng thông rộng. Những hoạt động này nhằm cải thiện khả năng kết nối giữa các văn phòng chính phủ tại các khu vực chưa có dịch vụ hoặc kết nối dịch vụ thấp, đồng thời chính phủ Philippines cũng thiết lập các nền tảng trực tuyến để cung cấp dịch vụ tốt hơn và đưa thông tin đến với người dân, tối đa hóa cho các giao dịch khác nhau.
DICT gần đây đang tiếp tục triển khai Dự án Cybersafe Learning Project, tặng 50 máy tính xách tay cho chính quyền tỉnh Northern Samar. Người đứng đầu DICT Gregorio B. Honasan II cho biết, “kết nối đặc biệt quan trọng vì chúng ta phải nâng cao mức độ hiểu biết của mình về tầm quan trọng của tăng trưởng dựa trên CNTT-TT”. Northern Samar là tỉnh nghèo thứ 20 ở Philippines.
Ngoài việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình và hướng dẫn quốc gia với các cơ quan chính phủ để thúc đẩy và phát triển việc sử dụng CNTT trong giáo dục, DICT chia sẻ các nguồn lực của mình, tăng cường năng lực CNTT-TT của chính phủ và cải thiện khả năng truy cập Internet công cộng.
Các dự án sẽ giúp chính phủ đạt được mục tiêu chính là ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19, vì ngày càng có nhiều cơ quan và chính quyền địa phương dựa vào các kỹ năng và chức năng công nghệ của DICT để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số hóa và kết nối trong điều kiện bình thường mới.
Triển khai mạng di động 5G tại các địa điểm quan trọng
Gần đây, các thành phố của Philippines như Bacolod, Iloilo, Cagayan de Oro, nhà mạng hàng đầu của Philippines, Philippine Long Distance Telephone Company (PLDT), đã chính thức hoàn thành việc nâng cấp mạng 3G lên 4G LTE, mang lại trải nghiệm di động cải thiện cho người tiêu dùng. Tại những nơi quan trọng trong thành phố, tập đoàn cũng đã xây dựng các trạm thu phát sóng 5G. Thành phố Cagayan de Oro đã hoàn thành nâng cấp 180 địa điểm và hiện đang cung cấp vùng phủ sóng 5G tại 30 điểm quan trọng trong toàn thành phố. PLDT cũng đã lắp đặt và phủ sóng 5G tại nhiều địa điểm ở thành phố Bacolod và Iloilo.
“Với mạng 4G LTE, khách hàng ở thành phố Bacolod, Boracay, Cagayan dae Oro và Thành phố Iloilo giờ đây có thể truy cập Internet tốc độ cao, cuộc gọi rõ ràng hơn và mạng di động ổn định hơn. Chúng tôi cũng cung cấp 5G ở bốn địa điểm này để tối đa hóa tiềm năng và cơ hội của công nghệ”, một lãnh đạo cấp cao của nhà mạng Philippines cho biết.
OpenGov Asia đưa tin theo một báo cáo, tốc độ tải xuống 5G của Philippines thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực. Philippines nằm trong top các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 6 về tốc độ tải xuống. Philippines cũng đứng thứ 8 về tốc độ tải lên 5G. Gần đây, nhà cung cấp mạng này đã được vinh danh là mạng di động ổn định nhất của Philippines trong quý đầu tiên của năm 2021 và dẫn đầu ở 10 trong số 17 khu vực trong cả nước về tốc độ tải xuống trung bình trên thiết bị di động.
Chương trình chính phủ tích hợp iGovPhil thúc đẩy xây dựng chính phủ số
Philippines đang tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu hỗ trợ điện toán biên (edge computing) và các hoạt động trên đám mây. Điều này một phần do nhu cầu sử dụng dữ liệu ngày càng tăng trong đại dịch và cả trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt khi Philippines có nguyện vọng trở thành trung tâm của khu vực. Năm 2020, thị trường trung tâm dữ liệu của Philippines đạt trị giá 280 triệu USD về vốn đầu tư. Chi tiêu của doanh nghiệp cho các dịch vụ đám mây được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ USD lên 2,6 tỷ USD vào năm 2024.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Philippines đã phát triển Chương trình Chính phủ tích hợp Philippines (iGovPhil) nhằm tạo điều kiện cho quá trình xây dựng chính phủ số, cho phép tích hợp chiến lược và nâng cao hiệu quả giữa các tổ chức chính phủ. Chiến lược tích hợp bao gồm cơ sở hạ tầng, dịch vụ, ứng dụng và công cụ để cải thiện dịch vụ công và quản trị bằng cách hợp lý hóa các quy trình và cung cấp dịch vụ chính phủ.
Một trong những mục tiêu của iGovPhil là thiết lập cơ sở hạ tầng vật lý để kết nối các cơ quan chính phủ và trung tâm dữ liệu của chính phủ (GDC). Nhiều dịch vụ của chính phủ, bao gồm điện toán đám mây, lưu trữ web, đặt máy chủ và các hoạt động khác, được khởi chạy từ đây. Một số cơ quan chính phủ điều hành các trung tâm dữ liệu của riêng họ hoặc thuê ngoài các yêu cầu về trung tâm dữ liệu.
Hiện tại, chính phủ Philippines đang tiến hành hợp nhất các trung tâm dữ liệu, không chỉ để tiết kiệm tiền mà còn để tối ưu hóa các nguồn lực và hoạt động CNTT-TT, cũng như giải quyết các mối lo ngại về chia sẻ và bảo mật dữ liệu. GDC cho phép các tổ chức chính phủ trao đổi dữ liệu và cộng tác hiệu quả hơn.
Gần đây nhất, với việc quốc gia này nhanh chóng áp dụng công nghệ số, một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Philippines đang xem xét mở rộng các trung tâm dữ liệu của mình và sử dụng tiềm năng tăng trưởng cao để phục vụ nhiều doanh nghiệp trong nước hơn.
Bắt tay Microsoft thực hiện sáng kiến "Go Manila"
Vào cuối tháng 10/2021, Microsoft và thành phố Manila đã ký một thỏa thuận đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của thủ đô Philippines. Microsoft cho biết họ sẽ hỗ trợ tham vọng của chính quyền địa phương đối với sáng kiến Go Manila, nhằm tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu số toàn diện, đầu tiên cho các thành phố của Philippines. Công ty cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ và triển khai sáng kiến tạo ID số cho mỗi người trong số hơn 2 triệu cư dân của Manila, với trọng tâm ban đầu ước tính khoảng 350.000 người nghèo nhất và có nguy cơ cao nhất hoặc dễ bị tổn thương.
“Hợp tác với Microsoft thúc đẩy tham vọng xây dựng một nền kinh tế thế kỷ 21 của chúng tôi, nâng cao đời sống cho người nghèo, cải thiện cơ hội việc làm cho tầng lớp trung lưu, nâng cao cách thức hoạt động của chính quyền thành phố Manila trong nội bộ và cải thiện cách chúng tôi cung cấp dịch vụ ra bên ngoài. Ngoài ra, Manila sẽ cải thiện các thủ tục trong hoạt động kinh doanh tổng thể và tăng sức hấp dẫn thân thiện với đầu tư, đặc biệt là khi chúng tôi tìm cách phục hồi sau cơn đại dịch COVID-19”, Thị trưởng Manila Francisco Moreno Domagoso cho biết.
Theo Tổng Giám đốc Microsoft tại Philippines, việc tạo ra các thành phố thông minh (TPTM) hơn không chỉ là về các thiết bị và cảm biến. Đó là về việc tạo ra một môi trường cho phép mọi công dân kết nối với thành phố và thành phố với mọi công dân. “Chúng tôi làm việc với các cơ quan chính phủ địa phương và quốc gia trên toàn thế giới để đạt được kết quả đó và chúng tôi cam kết đạt được kết quả đó cho thành phố Manila và mọi thành phố trên khắp Philippines”, lãnh đạo Microsoft nói.
Microsoft cho biết 290.000 học sinh trường công lập của Manila sẽ được cung cấp địa chỉ email miễn phí và tài khoản Microsoft 365 miễn phí, các ứng dụng phần mềm hàng đầu của họ.
Manila cũng đang thực hiện một bài tập thử nghiệm để cung cấp Microsoft Workplace cho đội ngũ lãnh đạo của thành phố trên tất cả 54 bộ phận điều hành. Cả Microsoft và Manila sẽ tiến hành các buổi đào tạo nội bộ sâu rộng cho các lãnh đạo thành phố về nền tảng kỹ thuật số mới.
Mối quan hệ đối tác sẽ tìm cách tối ưu hóa hơn nữa nền tảng “Go Manila” của thành phố, một sáng kiến cơ sở hạ tầng dữ liệu số nhằm nâng cao chính sách quản trị dữ liệu.
Trong nỗ lực tận dụng CNTT-TT để tăng hiệu quả và cải thiện chất lượng dịch vụ, Philippines đang tiếp tục khám phá áp dụng nhiều hơn nữa các công nghệ xây dựng TPTM. Các cơ quan chính phủ của Philippines được yêu cầu tận dụng và công nhận nền tảng National Public Key Infrastructure của DICT, sử dụng chữ ký số trong các giao dịch; đồng thời chấp nhận các chương trình thanh toán kỹ thuật số, dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, trả trước/tiền điện tử và chuyển khoản ngân hàng đối với các loại phí giao dịch DVC./.