Giải pháp thúc đẩy CĐS nông nghiệp khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:27, 18/11/2021

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đã nhấn mạnh chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp để khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết tại tại hội thảo chuyên đề 9 "CĐS nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì chiều 17/11.

CĐS giúp thúcđẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý và sản xuất, kinh doanh (SXKD); phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy suất nguồn gốc, nhu cầu thị trường…; ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), blockchain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gen, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi; phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ dò cá sử dụng sóng siêu âm, công nghệ GIS, GPS…

Chuyển đổi số nông nghiệp để khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết - Ảnh 1.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: CĐS giúp nông dân, trang trại, HTX, DN nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất

"CĐS giúp nông dân, trang trại, HTX, DN nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. CĐS là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Chia sẻ cụ thể hơn về một số kết quả ban đầu của CĐS trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết việc thực hiện CĐS nông nghiệp bước đầu đã được áp dụng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Thứ trưởng lấy ví dụ việc sử dụng Internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập các khâu kiểm tra phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; các chương trình phần mềm quản trị từ vườn trồng, ao nuôi, vườn nuôi, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm, phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép duy trì, theo dõi các thông số này theo thời gian thực.

Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng ở trang trại quy mô lớn, công nghệ mã vạch được sử dụng để quản lý giống và lâm sản, công nghệ GIF và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy, mất, suy thoái rừng.

Lĩnh vực thủy sản đã ứng dụng thiết bị dò cá, sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIF, hệ thống định vị toàn cầu GPS giúp quản lý đội tàu, khai thác hải sản xa bờ; ứng dụng công nghệ sinh học để chọn lọc, lai tạo các giống năng suất chất lượng cao có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường công nghiệp nuôi thủy sản, sản phẩm tuần hoàn; công nghệ blockchain, nano để nuôi cá nước lạnh; công nghệ AI đã được ứng dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích chất lượng nước, quản lý thức ăn, sức khỏe tôm nuôi; công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng thủy sản.

Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực NN&PTNT đã ứng dụng CĐS góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Một số DN lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Dabaco… đã ứng dụng công nghệ cao, CNTT vào điều hành sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Ước tính đến năm 2021, cả nước có 19.000 HTX nông nghiệp, trong đó có hơn 2200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất.

CĐS nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ

Tuy đạt được một số kết quả, tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết thực tế CĐS trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.

Tại Hội nghị CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 6 vừa qua do Bộ NN&PTNT chủ trì, nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của CĐS, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logictics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Chuyển đổi số nông nghiệp để khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: CĐS trong nông nghiệp vẫn chưa đồng bộ giữa các vùng miền, địa phương.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy mô ứng dụng CĐS trong nông nghiệp vẫn chưa đồng bộ giữa các vùng miền, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ, cơ khí chế biến, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu sâu, tinh. Nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, sâu về chế biến sản xuất nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị tự động số, thiết bị phân tích rất hạn chế bởi lực lượng nông nghiệp chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Nếu không CĐS, áp dụng CNTT thì chắc chắn các giá trị nông nghiệp, sản phẩm đặc hữu khó phát huy được bởi nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ lẻ".

Nhấn mạnh thêm vai trò của CĐS đối với nông nghiệp, nông thôn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng khẳng định: cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, CĐS được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc CĐS mà được Chương trình CĐS Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên, theo đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành, như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường…; tự động hóa quy trình SXKD; phát triển mạnh thương mại điện tử; quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường…".

CĐS không chỉ là công nghệ

Trao đổi tại Hội nghị, ông Aziz Elbehri, chuyên gia cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, số hóa đang trở thành nền tảng của quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm và nông thôn, và hầu như tất cả các quốc gia đã hoặc đang phát triển các chiến lược số cấp quốc gia hoặc lĩnh vực.

Chuyển đổi số nông nghiệp để khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết - Ảnh 3.

Ông Aziz Elbehri, chuyên gia của FAO: Các công nghệ số đột phá có dẫn đến kết quả phát triển như mong muốn hay không phụ thuộc vào cách chúng ta định hình vấn đề

Mặc dù số hóa có tiềm năng giảm nghèo ở nông thôn, giảm khoảng cách số hoặc thúc đẩy phát triển toàn diện, nhưng theo chuyên gia Aziz Elbehri: "Điều này không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Các công nghệ số đột phá có dẫn đến kết quả phát triển như mong muốn hay không phụ thuộc vào cách chúng ta định hình vấn đề "không chỉ là kỹ thuật, mà còn phát triển hệ thống số".

Đưa ra các đề xuất cho Việt Nam phát triển nông nghiệp số, bà Dina Umali-Deininger,Giám đốc thực hành, nhóm nông nghiệp và thực phẩm, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết phát triển nông nghiệp số cần ưu tiên các lĩnh vực: Nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức thông qua việc đào tạo kỹ năng nông nghiệp số cho nông dân và cán bộ khuyến nông; Cải thiện chương trình giảng dạy đại học về nông nghiệp số; Tăng cường thể chế và cơ sở hạ tầng bổ sung bằng cách số hóa các hệ thống của Bộ NN&PTNT, số hóa các dịch vụ để đạt hiệu quả và minh bạch (ID nông dân, đài quan sát nông nghiệp, chứng từ điện tử).

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số: thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân; hợp tác với các quỹ đầu tư khởi nghiệp  khu vực tư nhân; thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ và dịch vụ số. Và cuối cùng, cần tạo thuận lợi cho môi trường chính sách: chiến lược nông nghiệp số; cơ cấu lại chi tiêu công; cải cách quy định để hỗ trợ phát triển công nghệ nông nghiệp; thúc đẩy cơ sở hạ tầng số nông thôn để tăng cường khả năng tiếp cận.

Cũng tại Hội thảo, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar chia sẻ, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Đại sứ cho biết: "Israel do không có ưu đãi nào, thậm chí là thiên nhiên khắc nghiệt nên Israel chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực và đưa ra giải pháp để phát triển nông nghiệp. Israel phải nỗ lực để tồn tại".

Cũng theo Đại sứ, chính phủ Israel là chính phủ kiến tạo, hỗ trợ, nông nghiệp thông minh bằng cách thúc đẩy liên kết giới học thuật, DN và nông dân. Nông dân có thể chia sẻ với giới khoa học, DN những thực tiễn, bài toán trong canh tác để nhận được sự hỗ trợ, giải quyết vấn đề. Đây cũng là khuyến nghị của Israel cho nông nghiệp Việt Nam.

Chuyển đổi số nông nghiệp để khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết - Ảnh 4.

Israel tiếp tục đồng hành với phát triển nông nghiệp Việt Nam khi hàng năm có khoảng 600 - 700 sinh viên Việt Nam đến Israel học tập, nghiên cứu công nghệ và nhiều sinh viên có kiến thức kinh tế, nông nghiệp đã gặp gỡ các nhà khoa học Israel để học hỏi công nghệ cao, làm việc với nông dân Israel.

Theo Đại sứ Israel, Việt Nam cần tập trung số hoá, đổi mới nông nghiệp và Israel sẵn sàng chuyển giao công nghệ và kiến thức. Israel cũng đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam nhằm giúp ngành nông nghiệp thích ứng với hạn hán, và sẵn sàng triển khai các dự án để hỗ trợ Việt Nam./.

Hoàng Linh