Hội thảo khoa học “Bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số”
An toàn thông tin - Ngày đăng : 19:55, 17/11/2021
Tham dự Hội thảo phía Ban Cơ yếu Chính phủ có: Thiếu tướng, TS. Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban; ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí An toàn thông tin; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban và các Hệ Cơ yếu. Phía Bộ Tư lệnh 86 có: Thiếu tướng, TS. Phạm Việt Trung, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng; Ông Đào Tuấn Hùng, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin (Viện 10); cùng đông đảo cán bộ, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin trên cả nước.
Hội thảo được tổ chức tại hai điểm cầu chính là Bộ Tư lệnh 86 và Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng một số điểm cầu tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghệ giao thông vận tải. Đồng hành cùng Hội thảo là Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN, Công ty cổ phần an toàn thông tin MVS, Công ty cổ phần an ninh mạng VSEC, Công ty công nghệ DHA và Công ty cổ phần BKAV.
Chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới
Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là hành trình đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định: "Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn thông tin ngay từ khi thiết kế".
An toàn thông tin, an ninh mạng là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả chuyển đổi số, là yếu tố then chốt để Việt Nam làm chủ không gian mạng, giúp thúc đẩy công cuộc chuyển đối số quốc gia, vươn tầm thế giới.
Các thách thức đối với an toàn thông tin trong chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Tuấn Hùng, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin cho biết, việc mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là vấn đề an toàn trên không gian mạng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng nghìn vụ tấn công mạng dẫn đến sự cố vào các hệ thống thông tin dưới nhiều hình thức. Những cuộc tấn công này không chỉ nhằm đánh cắp thông tin mà còn có thể chiếm quyền điều hành, làm tê liệt hệ thống. Mức độ nghiêm trọng của sự cố tại các hệ thống thông tin đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải có sự đầu tư, chuẩn bị tốt để bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số.
Trong bối cảnh đó, Phòng thí nghiệm trọng điểm An toàn thông tin và Tạp chí An toàn thông tin phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số". Hội thảo là sự kiện chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh 86 (07/11/2011- 07/11/2021) và 20 năm ngày thành lập Phòng Thí nghiệm trọng điểm An toàn thông tin (06/5/2002 - 06/5/2022).
Hội thảo tập trung công bố các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực an toàn thông tin; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu tiếp cận những kiến thức mới nhất từ các chuyên gia trong và ngoài Quân đội về lĩnh vực chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta hiện nay; từ đó có thể áp dụng, vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin và nghiên cứu phát triển ứng dụng.
Chương trình của Hội thảo bao gồm 2 chuyên đề khoa học với chủ đề "Công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số" và "An ninh mạng, bảo mật và chuyển đổi số an toàn" và Tọa đàm thảo luận "Bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số thách thức và giải pháp".
Nội dung của Hội thảo xoay quan các vấn đề về xu hướng, ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số đối với các tổ chức quan trọng như: tài chính, chứng khoán, hàng không, điện lực,… ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như: chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng an ninh...; trình bày kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong bảo mật, an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số như: giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hạ tầng trọng yếu quốc gia, bảo mật cho mã di động và dịch vụ định vị, bảo mật và quyền riêng tư,....
Theo ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin, sau hơn 6 tháng công bố và gửi thư mời tham gia viêt bài cho hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được gần 30 bài khoa học đến từ nhiều nhóm tác giả trong cả nước, đặc biệt là từ các tổ chức, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trọng điểm về an toàn thông tin trong và ngoài quân đội. Sau quá trình thẩm định, đánh giá, phản biện khoa học kỹ lưỡng, Ban tổ chức đã chọn 20 bài tiêu biểu để in trong Kỷ yếu hội thảo và 6 bài để trình bày tại Hội thảo. Trong đó, 07 bài có hàm lượng khoa học cao được xuất bản tại Tạp chí Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an toàn thông tin của Tạp chí An toàn thông tin.
Sau 2 lần tổ chức, Hội thảo đã trở thành diễn đàn trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học chuyên sâu quan trọng, là cầu nối cho các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Hơn thế nữa, Hội thảo là sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của hai đơn vị là Phòng thí nghiệm trọng điểm An toàn thông tin và Tạp chí An toàn thông tin.
Trong phần tọa đàm do PGS, TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) chủ trì, nhiều câu hỏi đã được đặt ra để làm rõ một số vấn trong các bài trình bày của các diễn giả. Đồng thời, các nhà khoa học tham gia tọa đàm cũng nêu lên xu hướng thay đổi về bảo mật và an toàn thông tin trong thời gian qua và những năm tiếp theo; vấn đề đào tạo nhân lực an toàn thông tin và nghiên cứu về lĩnh vực này trong một số trường Đại học, Học viện.... Các phát biểu và trao đổi thẳng thắn tại hội thảo đã giúp cho các tác giả hoàn thiện thêm công trình nghiên cứu, đồng thời khẳng định chất lượng của các công trình tham gia hội thảo lần này./.