Giải pháp triển khai cơ sở hạ tầng CNTT khi xảy ra đại dịch

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:17, 17/11/2021

Với dịch bệnh COVID-19, nếu vượt qua được một cách nhanh chóng, Việt Nam có thể chiếm được ưu thế so với các nước khác trong vấn đề cạnh tranh kinh tế.

Khi nhìn về dịch bệnh COVID-19, rõ ràng chúng ta thấy, nó đã có tác động rất sâu rộng đến toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống, và qua đó chúng ta có thể thấy mức độ dễ bị tổn thương của con người trước thiên nhiên.

Giải pháp triển khai cơ sở hạ tầng CNTT khi xảy ra đại dịch - Ảnh 1.

COVID-19 thúc đẩy phải phát triển bền vững.

COVID-19 đã khiến việc triển khai hạ tầng CNTT thay đổi như thế nào?

Ở khía cạnh phát triển bền vững của một quốc gia hay một doanh nghiệp (DN), chúng ta có thể thấy, ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19 cũng tác động để phát triển bền vững. Quốc gia, tổ chức nào đảm bảo phát triển bền vững một cách tốt nhất thì việc thu hút các dòng vốn đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ, ở trường hợp BlackRock - một tập đoàn đầu tư lớn đã đưa ra chiến lược trong việc đầu tư, đó là họ chỉ đầu tư vào các dự án đảm bảo tính bền vững.

Tại hội thảo chuyên đề 6 với chủ đề "Xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tiến tới chính phủ số (CPS) trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong khuôn khổ sự kiện "Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ TT&TT đồng tổ chức vừa diễn ra, ông Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc Giải pháp của Schneider Electric Việt Nam đã chia sẻ: "Rõ ràng với dịch bệnh COVID-19, nếu vượt qua được một cách nhanh chóng thì Việt Nam có thể chiếm được ưu thế so với các nước khác về vấn đề cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài". 

Vậy dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi những gì trong việc chúng ta triển khai hạ tầng CNTT cho CPĐT, CPS?

Vẫn theo ông Nguyễn Tuấn Anh: "Chúng ta có thể thấy, khi dịch bệnh diễn ra, quá trình số hoá, chuyển đổi số (CĐS) diễn ra rất nhanh, và nó phát triển tự nhiên do nhu cầu của xã hội, từ việc học từ xa, họp từ xa, giám sát, quản lý từ xa v.v... mọi nhu cầu, kể cả là giải trí, các dịch vụ mua bán... đều được chuyển sang số hoá hết. Đi kèm theo nhu cầu số hoá đã đặt ra nhiều vấn đề khác như hạ tầng CNTT sẵn có có ở mức độ nào, có đáp ứng được nhu cầu gia tăng một cách nhanh chóng của xã hội hay không, và cách mà chúng ta đầu tư cho hạ tầng CNTT như thế nào để đáp ứng cho được nhu cầu với tốc độ tăng nhanh như vậy?

Với nhu cầu gia tăng một cách nhanh chóng như vậy, dễ dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, như thiếu vật tư, vật liệu... đẩy giá thành của các dự án lên. Ví dụ hiện tượng thiếu hụt về chip hiện nay trên thế giới. Các nhà sản xuất đang không có đủ chip để cung ứng, từ đó giá thành đầu tư thiết bị cho các dự án tăng lên, thời gian đầu tư dự án kéo dài hơn, dẫn đến mất nhiều chi phí hơn. 

Trong khi đó, nhìn ở góc độ con người, rõ ràng nhân sự phục vụ cho sản xuất đã và đang bị ảnh hưởng nhiều. Đã có hiện tượng thiếu nhân công ở các dây chuyền trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó là thiếu nhân lực kỹ thuật cao, nhân lực dùng chất xám, những chuyên gia phục vụ cho dự án, các chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để phục vụ cho các dự án chẳng hạn.

Như vậy, COVID-19 đã dẫn đến việc vừa thiếu hụt và mất cân đối về mặt nhân lực. Khi hạ tầng CNTT đang hoạt động, nhưng sau đó bị gián đoạn, cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia, trong khi điều kiện về cách ly xã hội hay kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát biên giới, các quy định v.v... có thể cản trở việc đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật.

Giải pháp triển khai cơ sở hạ tầng CNTT khi xảy ra đại dịch - Ảnh 2.

Giải pháp xây dựng hệ thống CNTT cho CPĐT, CPS trong đại dịch

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, trong điều kiện làm việc trực tuyến, để quản lý một hệ thống hạ tầng CNTT, khi cần phải đưa ra quyết định để xử lý một vấn đề nào đó thì người ta cần phải biết được sự việc đó đã xảy ra như thế nào. 

Ví dụ, một thiết bị cho hệ thống CNTT bị hư hỏng thì không đơn thuần là dùng một thiết bị khác thay thế, mà người quản lý cần phải biết các vấn đề xung quanh thiết bị bị hư hỏng đó, hoàn cảnh nào, nguyên nhân nào dẫn đến sự hỏng hóc? Thông qua đó, mới có thể đưa ra quyết định có tính chất thay đổi hoặc ngăn chặn sự cố, giảm thiểu những hậu quả có thể phát sinh. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh: "Để làm được việc này, cần có các giải pháp hiển thị và điều khiển từ xa. Yêu cầu đặt ra là gì? là hiểu được tình huống xảy ra chứ không chỉ đơn thuần là giám sát một điểm nào đó, giám sát một thiết bị nào đó chạy hay không chạy, mà giám sát thiết bị chạy thì chạy như thế nào, và chạy ở mức độ tốt hay không tốt, hoặc là tối ưu hoặc sắp sửa có sự cố và cách thức ngăn chặn ra làm sao v.v...".

Những vấn đề này có thể làm phức tạp hoá quá trình vận hành hệ thống hạ tầng CNTT. Vận hành ở đây là việc chúng ta muốn hệ thống CNTT hay trung tâm dữ liệu hoạt động làm sao cho bền vững, dễ vận hành, dễ bảo dưỡng bảo trì, sửa chữa, nếu giả sử có sự cố thì dễ dàng khắc phục, quay về trạng thái bình thường một cách nhanh nhất có thể.

"Từ góc độ vận hành, chúng ta có thể đưa ra kế hoạch rằng sẽ thiết kế, xây dựng, các hạ tầng CNTT, trung tâm dữ liệu ra làm sao? có thể triển khai nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để từ xa vẫn có thể theo dõi, hiểu được cấu trúc hạ tầng CNTT để có thể can thiệp từ xa một cách dễ dàng", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ. 

Theo các chuyên gia, giải pháp để xây dựng hệ thống CNTT cho CPĐT, CPS trong đại dịch là phải có các chiến lược, làm sao để hệ thống hoạt động liên tục, phòng chống thảm hoạ. Hệ thống có tính sẵn sàng vận hành cao, cho phép nhà điều hành có nhiều lựa chọn trong việc cấu hình hay sửa chữa, khắc phục hệ thống v.v... 

Trong khi đó, việc dự phòng (backup) ở đây, không đơn thuần là hệ thống thiết bị, mà còn là dự phòng về mặt con người. Giả sử chuyên gia vận hành chính bị sự cố, bị dịch chẳng hạn, thì ai sẽ là người thay thế, người thay thế đó có thể là trong cùng một thành phố, có thể là ở khác thành phố mà vì cách ly xã hội, người này không thể tiếp cận để hỗ trợ, giúp đỡ, hoặc thậm chí là người dự phòng đó có thể là một chuyên gia ở nước ngoài.

Thêm nữa, hệ thống cần phải được thiết kế đơn giản, để làm sao người vận hành có thể tiếp cận từ xa dễ dàng, cấp độ triển khai nhanh chóng. Khả năng sửa chữa, khôi phục sự cố phải nhanh nhất có thể, không cần phải các chuyên gia cao cấp mới thực hiện được những việc này. Hơn nữa cũng rất cần có sự hỗ trợ của các nhà sản xuất tại chỗ chứ không chỉ dựa vào các nhà sản xuất toàn cầu./.

Gia Bách