Bảo hiểm thất nghiệp – sát cánh cùng người lao động vượt qua khó khăn
Truyền thông - Ngày đăng : 19:16, 12/11/2021
Hỗ trợ thiết thực người lao động bị mất việc vì dịch bệnh
Ghi nhận tại Sơn La, theo thống kê, số lao động mất việc làm trên địa bàn tỉnh Sơn La từ đầu năm 2021 đến nay có chiều hướng tăng, nhất là sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La đã nâng cao hiệu quả giải quyết các chính sách bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng "Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn", được người lao động và người sử dụng lao động đánh giá cao.
Anh Đinh Văn Kiều, ở xã Huy Thượng, huyện Phù Yên chia sẻ, trước đây, anh làm việc cho một công ty về nội thất ở Thành phố Hồ Chí Minh và đã đóng bảo hiểm 42 tháng. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh không thể đi làm được. Vì vậy, anh đã làm hồ sơ nhận trợ cấp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La. Sau đó, anh đã nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp là gần 10 triệu đồng. Số tiền này đã giúp anh trang trải phần nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La đã tiếp nhận trên 3.136 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, kéo theo hệ lụy người lao động không có việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.
Ông Vũ Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La thông tin, thủ tục làm hồ sơ thất nghiệp nhận tiền không hề phức tạp, rất nhanh và gọn. Theo đó, toàn bộ hồ sơ người lao động chỉ cần sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc, bản phô tô hợp đồng lao động. Trên cơ sở đó, người lao động mang hồ sơ lên nộp ở trung tâm, sau khi xét duyệt xong trung tâm sẽ tham mưu quyết định để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ký, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La để chi trả. Đến nay, đơn vị đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 2.995 với tổng số tiền chi trả hơn 46,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Bắc Ninh, Theo ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.758 người đăng ký làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chủ yếu là những lao động trong lĩnh vực điện, điện tử. Trong bối cảnh dịch COVID-19, chính sách BHTN đã thực sự trở thành chỗ dựa cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch.
"Chúng tôi cố gắng để làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng BHTN thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, Zalo, Facebook, điện thoại,…", ông Duyệt cho biết thêm.
Để kịp thời hỗ trợ người lao động từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, tính đến đầu tháng 10/2021, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện xong một số nội dung quan trọng trong quy trình triển khai hỗ trợ.
Tính đến hết ngày 3/11, BHXH Bắc Ninh đã thông báo giảm đóng BHTN đối với 5.876 doanh nghiệp, tương ứng với 375.872 NLĐ với số tiền tạm tính trên 289,66 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đã giải quyết hỗ trợ cho 281.633 NLĐ, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho NLĐ là hơn 634,36 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tỉnh, tính đến giữa tháng 10/2021, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ này với tổng kinh phí được 142,13 tỷ đồng…
Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
Không chỉ nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp, trong thời gian thất nghiệp hưởng trợ cấp, người lao động có nhu cầu được giới thiệu việc làm còn được cán bộ tư vấn, giới thiệu việc làm giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động hoặc sẽ được giới thiệu trực tiếp các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn, tuyển chọn lao động tại phiên giao dịch việc làm của các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm.
Tại Thanh Hóa, theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Dự báo thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, ngoài việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm cũng triển khai tư vấn về việc làm, học nghề cho người lao động thông qua nhiều hình thức như: qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động tại các địa phương…
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã trên địa bàn tổ chức các buổi tư vấn việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau thời gian cách ly.
Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cũng phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện Ngọc Lặc, huyện Cẩm Thủy tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường, tuyển dụng lao động tại 4 xã: Kiên Thọ, Quang Trung ( huyện Ngọc Lặc); Cẩm Thành, Cẩm Phú (huyện Cẩm Thủy). Thông qua hoạt động tư vấn góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là số lượng lớn người lao động trở về từ vùng dịch sau thời gian cách ly.
Tương tự, tại TP. HCM, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 tại TP.HCM đã tác động mạnh đến nền kinh tế Thành phố, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động. Nhiều doanh nghiệp phải hoạt động tạm ngưng hoạt động, hoặc đóng cửa, dẫn đến nhiều người lao động mất việc hoặc ngưng việc tạm thời.
Để hỗ trợ người lao động nhanh chóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, ổn định cuộc sống, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, vừa đảm bảo người lao động nhận được BHTN theo quy định, vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Song song đó, Trung tâm cũng liên hệ với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh để nắm bắt thông tin người lao động về quê, phối hợp tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm trực tuyến, giới thiệu việc làm cho người lao động để họ quay trở lại Thành phố làm việc; tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm và các chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp trên website www.vieclamhcm.net định kỳ 14 phiên/tháng; tiến hành tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động hàng ngày tại Trung tâm và các chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp…
Có thể thấy, với sự chi trả kịp thời, hỗ trợ tìm việc làm hiệu quả cho người lao động, chính sách BHTN thực sự đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài./.