Để tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong cuộc cách mạng 4.0

Truyền thông - Ngày đăng : 14:50, 12/11/2021

Tôn giáo trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng đứng trước những cơ hội và thách thức. Để hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tôn giáo, đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc là yêu cầu chiến lược, cần thiết để phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc mình.

Những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với tôn giáo

Trong cuộc CMCN 4.0 nhiều bí mật của tôn giáo được xã hội, tín đồ biết và hiểu rõ bản chất của tôn giáo dẫn đến có sự so sánh giữa đức tin với đời sống xã hội hiện thực, làm suy giảm đến đức tin, niềm tin, "phép màu nhiệm", giáo lý, giáo luật tôn giáo. Xuất hiện sự cải đạo, bỏ tôn giáo này theo tôn giáo khác hoặc cùng một lúc tin theo nhiều tôn giáo.

Do tính tương tác và lan tỏa của Internet, mạng xã hội làm xuất hiện nhiều các tôn giáo mới dẫn đến cạnh tranh, lôi kéo tín đồ của nhau, làm nảy sinh mâu thuẫn các tôn giáo với nhau, trái với bản chất của tôn giáo luôn rao giảng hòa bình và yêu thương, bình đẳng và bác ái, trái với quyền theo hoặc không theo một tôn giáo, tự do tôn giáo của liên hợp quốc, pháp luật của các quốc gia, dân tộc… làm nảy sinh bất đồng trong các tôn giáo, dẫn đến xung đột tôn giáo. Châu Phi có 8.000 tôn giáo mới. Hoa Kỳ cũng có 3.000 tôn giáo loại này.

Do các tôn giáo đều tận dụng và triệt để khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn Big data, Blokchain… nhằm tuyên truyền, rao giảng, đăng tải, quảng bá, thu hút tín đồ để củng cố vị thế, niềm tin, đức tin, ý thức tôn giáo gắn với tư tưởng, quan điểm của cá nhân vì thế có thể làm sai lệch, sai nghĩa, sai quan điểm, tư tưởng của tôn giáo truyền thống và cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn trong triết lý, bản chất các tôn giáo, mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau.

Việc khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn Big data, Blokchain, thực tế ảo… các tôn giáo dễ bị lợi dụng, xâm nhập bởi các tôn giáo lạ, kỳ quái, phản văn hoá, do đó không những gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại về sức khỏe, tâm lý, thậm trí tác động, ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của các quốc gia, dân tộc, đến niềm tin của tín đồ mà còn ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Nguy cơ xung đột tôn giáo, xúc phạm "tính thiêng" giữa các tôn giáo qua các thông tin giả mạo, chèn, đè hình ảnh đăng tải trên các trang mạng xã hội… lợi dụng chính sách, pháp luật về tôn giáo của các quốc gia, dân tộc chưa đầy đủ, hoàn thiện các đối tượng, thế lực xấu, chống đối cực đoan, các tổ chức tà giáo… tìm cách lợi dụng để chia rẽ sự đoàn kết, kích động vấn đề nhân quyền, chống lại xu hướng phát triển tiến bộ của loài người, là nguyên nhân, nguyên cớ của những xung đột vũ trang trên thế giới.

Sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, hiệp thông, can thiệp tác động "mềm" đến các chính sách kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, pháp luật, văn hóa của các quốc gia dân tộc, những đòi hỏi về đất đai, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo rất dễ bị lợi dụng trở thành vấn đề quốc tế, trở thành "sự kiện" để các đối tượng, thế lực xấu, cực đoan lợi dụng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Các giải pháp đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong cuộc cách mạng 4.0

Tôn giáo thuộc kiến trúc thượng tầng, do tồn tại xã hội quyết định và sự chi phối của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, sự hội nhập, bang giao của các quốc gia, dân tộc. Tôn giáo phản ánh xu hướng phát triển khách quan của đời sống tôn giáo diễn ra dưới tác động của điều kiện kinh tế - xã hội.

Đểb tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong cuộc cách mạng 4.0 - Ảnh 1.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã tận dụng các cơ hội từ công nghệ để phát triển. (Ảnh minh hoạ).

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương "tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết". Cho đến nay, trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc giải quyết đúng đắn vấn đề tôn giáo là nhiệm vụ lâu dài, có tính chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng và xây dựng đất nước, đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật".

Với đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, đến nay Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm thu hút đông đảo các tín đồ và quần chúng nhân dân tham gia. Do vậy, nghiên cứu tôn giáo một cách sâu sắc, khoa học đưa ra những dự báo chính xác, tận dụng cơ hội, tích cực và hạn chế, khắc phục những thách thức, tiêu cực của tôn giáo trong cuộc CMCN 4.0, đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc là yêu cầu hết sức chiến lược, cần thiết của Đảng và Nhà nước ta phục vụ cao nhất cho lợi ích quốc gia, dân tộc, theo chúng tôi cần thực hiện, làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, xuất phát từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay khi cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, tôn giáo cũng không ngoại lệ.

Thông qua tổng kết thực tiễn, rà soát, sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, thiếu tính khả thi, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường của tôn giáo.

Hai là, cấp ủy đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên cần nắm vững, quán triệt thật tốt các quan điểm cơ bản của Đảng, pháp luật Nhà nước, luật pháp quốc tế về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, theo hướng quản lý bằng cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng chặt chẽ. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thông tư, nghị định trong triển khai thực hiện Luật an ninh mạng, cùng với Hiến pháp các quy định pháp luật khác, bảo đảm tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo, xử lý thích hợp các hành vi lợi dụng không gian mạng để truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan, phản động, kích động hận thù giữa các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa các quốc gia dân tộc…

Ba là, chủ động dự báo khoa học về sự phát sinh, phát triển và các hoạt động của các tôn giáo, đặc biệt tại những địa bàn trọng điểm về tôn giáo, tạo điều kiện phù hợp, thuận lợi cho sinh hoạt của các tôn giáo theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo, đã được Nhà nước, chính quyền công nhận.

Đấu tranh, phản bác các hoạt động lợi dụng tôn giáo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, về quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo đã được Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ chính sách, phụ cấp ưu đãi cho cán bộ làm công tác tôn giáo, bảo đảm chuyên sâu, chuyên nghiệp, khoa học công tác tôn giáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu quả theo hướng đủ sức "giải quyết điểm nóng ngay tại cơ sở" nhất là những vùng tôn giáo.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở, nơi có những địa bàn trọng điểm về tôn giáo.

Năm là, nghiên cứu phát huy, khai thác, tận dụng những cơ hội, văn hóa tôn giáo trong cuộc CMCN 4.0 để lan tỏa mặt tích cực, hướng thiện của các tôn giáo theo hướng "tốt đời, đẹp đạo" phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc, hạn chế, tiến tới loại bỏ dần các thách thức, nguy cơ, những điều kiện hoạt động lợi dụng tôn giáo đưa văn hóa phản động, lai căng, phát triển tôn giáo theo hướng tự do, không theo quy định của pháp luật nhà nước, tà đạo, vi phạm thuần, phong mỹ tục và đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, luôn có mong muốn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với thực hiện sâu rộng, chất lượng, hiệu quả cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"../.

Nguyễn Quốc Huy