Tôn giáo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Truyền thông - Ngày đăng : 14:44, 12/11/2021
Tôn giáo trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, do con người sáng tạo ra, là một trong những vấn đề hết sức nhạy cảm trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa, đan xen vào các quan hệ quốc tế, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc, là hiện tượng lịch sử, sản phẩm của thời đại lịch sử nhất định. "Ước tính trên thế giới có khoảng 20.000 tôn giáo. Số tôn giáo có lượng tín đồ 1 triệu người trở lên có chừng 2000. Sự xuất hiện các tôn giáo mới ngày càng nhiều, tuy nhiên vẫn theo một quy luật chung: phát sinh, phát triển, tiến hóa và suy tàn". Cùng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như pháp luật, văn hóa, đạo đức, triết học… tôn giáo cũng "hưởng lợi" từ cuộc CMCN 4.0. Mác đã chỉ ra rằng "Con người sáng tạo ra tôn giáo… Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo". Cuộc CMCN 4.0 mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, tác động đến phương thức sản xuất, làm thay đổi về bản chất các mối quan hệ xã hội, trở thành động lực, nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Lực lượng sản xuất mới với nền tảng về đột phá của sự phát triển công nghệ Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, công nghệ in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo... làm ra đời quan hệ sản xuất mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất với đầy đủ thuộc tính từ sản xuất, phân công lao động và phân phối sản phẩm... Sự hình thành và phát triển của không gian mạng trong cuộc CMCN 4.0 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn thế giới, trong đó tôn giáo cũng không ngoại lệ, trong cuốn "sự đảo lộn của thế giới địa chính trị thế kỷ XX", nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 133, viết: "Thời gian cuối thế kỷ này được đánh dấu bằng sự khẳng định một sự phục hồi tôn giáo..." và "… tôn giáo biến đổi về diện mạo và cấu trúc tôn giáo; biến đổi niềm tin tôn giáo và hệ lụy của nó; biến đổi về phương thức truyền giáo…".
Do vậy, trong cuộc CMCN 4.0, những điều kiện làm "nảy sinh" tôn giáo chưa được khắc phục, thế giới còn nhiều bất công, sự phân hóa giàu nghèo ở một số quốc gia phát triển ngày càng trở lên rõ rệt, xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, bất tuân dân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, v.v.. còn diễn biến phức tạp, khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng và giải thích thỏa đáng được những đòi hỏi ngày càng cấp thiết, ngày càng cao của con người, do vậy còn tác động đến niềm tin và củng cố thêm niềm tin vào tôn giáo, nhu cầu tinh thần của con người.
Tôn giáo trong CMCN 4.0 vẫn mang đầy đủ phẩm chất và niềm tin tôn giáo dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, đa dạng hóa, thế tục hóa và mang yếu tố văn hóa của các quốc gia, dân tộc. Bởi vậy, cần có cách tiếp cận tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa để định hình những chuẩn mực, quy tắc mới trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Nhưng dù thế nào đi nữa, tôn giáo trong CMCN 4.0 cũng đã và đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đan xen, cần được nghiên cứu một cách khoa học để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của tôn giáo, đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc là yêu cầu chiến lược, cần thiết mà mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều tận dụng, khai thác, lựa chọn phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc mình.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động tôn giáo
Trong thời đại CMCN 4.0, tôn giáo luôn triệt để nghiên cứu, khai thác sử dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để phục vụ cho mục đích tôn giáo, được biểu hiện cụ thể:
Thứ nhất là, việc sử dụng những tiện ích của Internet, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, các nền tảng trực tuyến, online trên Youtube, Livestream… để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng tôn giáo cùng một lúc cho số lượng lớn tín đồ trên toàn thế giới mà không bị giới hạn ở không gian, thời gian, thiên tại, dịch bệnh, không sợ sai lệch nội dung truyền đạt đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo và phát triển tín đồ trong các quốc gia dân tộc và trên phạm vi toàn thế giới.
Hai là, các tôn giáo sẽ bắt kịp và thích nghi nhanh với xu hướng thời đại toàn cầu hóa như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, thực tế ảo, sử dụng robot thuyết giảng … mang lại cảm giác tiện ích và gần gũi với tín đồ củng cố niềm tin, tâm lý, ý thức tôn giáo, việc tuyên truyền đức tin tôn giáo gắn với hình ảnh trực quan sinh động dễ nhớ, dễ thuộc làm cho tín đồ cảm nhận như đang trực tiếp tương tác với đức tin đồng thời có điều kiện để suy ngẫm, chiêm nghiệm, đối chiếu, so sánh những điều đã được truyền dạy, rao giảng với thực tế sinh động diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Ba là, tôn giáo sẽ dần chuyển từ phương thức truyền thông "truyền thống" sang sử dụng tiện ích của truyền thông "công nghệ", "truyền thông số" lấy tín đồ làm trung tâm để truyền bá quan điểm, tư tưởng của tôn giáo mình nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, của các tôn giáo khác và từng bước sẽ củng cố niềm tin của tín đồ. Theo số liệu của Ban Tôn giáo chính phủ: "số lượng tín đồ các tôn giáo cũng gia tăng nhanh chóng. Hiện có hơn 80% dân số thế giới là tín đồ các tôn giáo, trong đó Kitô giáo hơn 2 tỷ (riêng Công giáo là 1,17 tỷ), Hồi giáo 1,2 tỷ, Ấn Độ giáo 786 triệu, Phật giáo 362 triệu, các tôn giáo mới 102 triệu".
Sử dụng phương tiện "truyền giáo mềm" để truyền bá đức tin, niềm tin tôn giáo dưới dạng tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, như một học giả đã từng viết: "Mỗi tòa giảng là một cái loa tuyên truyền…". Đón nhận cùng đồng hành và khuyến khích giáo dân, tín đồ, phật tử sử dụng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền giáo, phát triển đạo, sinh hoạt, thực hành nghi lễ tôn giáo.
Bên cạnh đó, các tôn giáo khai thác, sử dụng dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… để giải thích thế giới theo quan điểm, ý niệm, niềm tin của tôn giáo mình trước những biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường, xã hội, những bí nhiệm, uẩn khúc, những điều xưa nay con người chưa hiểu và chưa giải thích được gắn với đức tin, niềm tin tôn giáo. Có điều kiện thuận lợi để tiếp thu, học tập, chia sẻ những tốt đẹp của các tôn giáo khác trong cộng đồng tôn giáo, trao đổi những mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác cứu trợ, đóng góp từ thiện xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tôn giáo sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới, tiếp tục phục hồi, phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến kinh tế, xã hội và có ảnh hưởng trực tiếp an ninh trật tự các quốc gia dân tộc "trong giai đoạn hiện nay, tính toàn cầu dẫn đến sự có mặt hầu hết các tôn giáo lớn nhỏ trong một quốc gia, hay nói khác đi, từng tôn giáo đều muốn có mặt trên khắp địa cầu". Các tôn giáo luôn nỗ lực để tương thích với con người thể hiện sự gần gũi, chia sẻ, giải thoát, gắn hoạt động xã hội hiện thực với đức tin, niềm tin tôn giáo, hạn chế sự biến đổi niềm tin và thực hành niềm tin tôn giáo, chủ động thay đổi để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, gắn biến đổi tôn giáo với biến đổi xã hội. Nhận thức sớm điều này, nhà xã hội học người Pháp Auguste Comte (1798 – 1857) cho rằng, trong thời đại mới, thời đại của chủ nghĩa tư bản đang dần dần phát triển, tôn giáo không thể là tôn giáo của thời đại cũ với cách tư duy đã lỗi thời.
Tiếp đến, tôn giáo dễ dàng biểu hiện, biểu lộ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình góp phần xây dựng văn hóa của các quốc gia, dân tộc, hình thành lối sống, đạo đức, niềm tin và hy vọng hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, hoàn thiện con người sống có ý thức, tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của quốc gia, dân tộc "trong lịch sử, tôn giáo luôn đóng vai trò là sứ giả đi đầu trong những cuộc viếng thăm, tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc". Tôn giáo tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ, chính xác các quy định, chế tài, pháp luật của các quốc gia về tôn giáo một cách nhanh nhất và dễ dàng đưa vào triển khai, thực hiện sinh động, cụ thể trong giáo dân, tín đồ, phật tử của mình.
Cuối cùng, trong cuộc CMCN 4.0 khi thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ thì tôn giáo cũng không nằm ngoài sự kết nối có tính lan tỏa này. Tôn giáo ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các điểm chung giữa các tôn giáo với nhau theo hướng "phát huy sự hiệp nhất và tình yêu thương giữa con người với con người" trong một thế giới đại đồng, hòa bình, tôn trọng đức tin, ý niệm của nhau với "nhận thức về nhiệm vụ phải phát huy sự hiệp nhất và tình thương yêu giữa con người và nhất là giữa các dân tộc…", gắn sự hài hòa, khoan dung giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với từng các quốc gia, giữa tôn giáo với hiện thực xã hội với tự nhiên và tư duy con người theo hướng "dân tộc hoá" các giáo lý, giáo luật, nghi thức sinh hoạt tôn giáo của mình để thích ứng, cùng tồn tại.