Bộ GTVT kiện toàn, đổi tên Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT để thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:55, 12/11/2021
Trung tâm CNTT là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo
Ngày 10/11, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1930/QĐ-BGTVT kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT Bộ GTVT thành Ban chỉ đạo CĐS ngành GTVT.
Gồm 21 thành viên, Ban chỉ đạo CĐS ngành GTVT có Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Trưởng ban thường trực là Thứ trưởng phụ trách về CNTT, Phó trưởng ban là Giám đốc Trung tâm CNTT và 18 Ủy viên.
Sau khi được kiện toàn, Ban chỉ đạo CĐS ngành GTVT có 1 Phó trưởng ban thường trực và 1 Phó Trưởng ban, thay vì chỉ có 1 Phó Trưởng ban như giai đoạn mang tên Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT Bộ GTVT. Ban chỉ đạo cũng được bổ sung 2 thành viên là Chánh Thanh tra Bộ và Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.
Ban chỉ đạo CĐS ngành GTVT có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến trình CĐS trong ngành GTVT, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng CPĐT, Chính phủ số của Bộ, kinh tế số, xã hội số; Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến CĐS; xây dựng phát triển Bộ điện tử, Bộ số, kinh tế số thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Ban chỉ đạo cũng có các nhiệm vụ khác như: Giúp Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp CĐS, xây dựng, phát triển Bộ điện tử, Bộ số, kinh tế số; Điều phối, đôn đốc chung việc triển khai Chương trình CĐS Bộ GTVT; Chỉ đạo triển khai Đề án "Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 30/6/2020...
Bộ GTVT giao Trung tâm CNTT làm nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo CĐS ngành GTVT.
Cùng với việc kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT Bộ GTVT, Bộ này cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo CĐS ngành GTVT với Tổ trưởng là Giám đốc Trung tâm CNTT và Tổ phó là lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ cùng Phó Giám đốc Trung tâm CNTT. Trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc Bộ GTVT kiện toàn, đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT của Bộ thành Ban chỉ đạo CĐS ngành GTVT là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 về kiện toàn và đổi tên Ủy ban quốc gia về CPĐT thành Ủy ban Quốc gia về CĐS.
Trước Bộ GTVT, đã có các Bộ: TT&TT, Công Thương; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh, thành phố Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Giang, Ninh Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Long An, Bình Dương có quyết định kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT/chính quyền điện tử thành Ban chỉ đạo về CĐS.
Ủy ban quốc gia về CPĐT đã được kiện toàn, đổi tên thành Ủy ban quốc gia về CĐS từ ngày 24/9/2021. Việc này nhằm tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh CĐS quốc gia trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh CĐS ngành GTVT trong giai đoạn mới
Theo Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Thanh Tùng, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (DN); Tạo lập cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng, thúc đẩy ứng dụng CNTT chuyên ngành.
Cụ thể, Bộ đã kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản của 60 đơn vị cấp 2, 190 đơn vị cấp 3. Các đơn vị đã sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng. Tất cả văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) của các đơn vị thuộc Bộ được xử lý, gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Tính đến ngày 20/10, Bộ GTVT đã cung cấp 240 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức 3, 4 cho người dân, DN, đạt 58,8%. Trung bình hàng năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670.000 hồ sơ trực tuyến với gần 150.000 DN tham gia. Trong đó, gần 71% có phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thực hiện đạt 52,11%. Dự kiến ngay trong tháng 11 này, Bộ GTVT sẽ cung cấp 285 DVC trực tuyến mức 4, đáp ứng chỉ tiêu 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức 4.
Bên cạnh việc bước đầu hình thành được 4 CSDL nền tảng dùng chung (gồm CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện và CSDL DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT), Bộ GTVT cũng triển khai nhiều ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành trong các lĩnh vực quản lý, từ đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đến hàng hải, hàng không và đăng kiểm.
Tuy nhiên, đại diện công nghệ của Bộ chỉ ra những tồn tại như: nhận thức về triển khai CPĐT chưa đồng đều; nguồn lực dành cho xây dựng, triển khai các hệ thống CNTT còn hạn chế; ứng dụng và dữ liệu mới chỉ đáp ứng mục tiêu, quản lý của Bộ GTVT, chưa được kết nối với các bộ, ngành, địa phương để dùng chung...
Chương trình CĐS quốc gia đã xác định GTVT và logistics là lĩnh vực ưu tiên CĐS. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho ngành GTVT chuyển đổi phương thức một cách mạnh mẽ theo hướng sử dụng công nghệ số một cách toàn diện để phục vụ người dân và DN.
Trước yêu cầu đó, Chương trình CĐS Bộ GTVT đã được ban hành. Chương trình đã xác định định hướng đến năm 2030, ngành GTVT trở thành ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, CĐS toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Với định hướng đó, Bộ GTVT đã đề ra các mục tiêu CĐS của ngành, trong đó có việc nâng cao nhận thức về CĐS một cách sâu rộng trong Bộ GTVT, đưa CĐS trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT. Một trong những điểm quan trọng và mới là Bộ GTVT sẽ đồng hành với DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT trong mọi hoạt động CĐS.
Đồng thời, Bộ đề ra mục tiêu kiến tạo thể chế cho phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới một cách kịp thời đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông. Xây dựng chính sách sử dụng công nghệ số toàn diện cho tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
Một mục tiêu nữa trong định hướng chuyển đổi số ngành GTVT là phát triển Chính phủ số theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số có tính pháp lý, được cập nhật chính xác và liên tục cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định. Tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và DN theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.
Cùng với đó, Ngành phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực, ứng dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ cho quản lý và điều hành giao thông để đưa Việt Nam là nước có hệ thống giao thông hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới nhờ công nghệ số; Phát triển nền kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý theo hướng ứng dụng các công nghệ số nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics./.