Bắc Giang muốn các sàn TMĐT hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:20, 12/11/2021
Các điểm cầu ngoài tỉnh gồm 4 điểm cầu tại T.Ư, 1 điểm cầu tại Trung Quốc và hàng trăm điểm cầu ở các siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, doanh nghiệp (DN)/thương nhân kinh doanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tâm điểm của Hội nghị tại huyện Lục Ngạn, địa phương có diện tích và sản lượng nông sản lớn nhất tỉnh đã mang tới Hội nghị video clip giới thiệu quảng bá mô hình du lịch "Lục Ngạn mùa quả chín" rất ấn tượng. Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung có phong cảnh đẹp, nhiều di tích văn hóa, lịch sử; món ăn đa dạng, đặc sắc; người dân phóng khoáng, hiếu khách; những đồi cây ăn quả như vải, na, ổi, hồng, cam, bưởi... là sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn đang được huyện Lục Ngạn thúc đẩy.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Bắc Giang có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều. Tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi gia cầm. Các mặt hàng nông sản cho thu hoạch dịp cuối năm, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2021 của tỉnh Bắc Giang bao gồm: 48.000 tấn cam các loại, 37.000 tấn bưởi các loại, 4.000 tấn na, khoảng 17.000 tấn thịt gà, 60.000 tấn thịt lợn.
Ngoài ra, tỉnh có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn trên 11.000 ha, sản lượng trên 230.000 tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hàng chục nghìn tấn rau an toàn của tỉnh đã được xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Đông Âu, Nga, Nhật Bản.
Để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ nông sản dịp cuối năm cũng như chuẩn bị cho vụ vải thiều sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh đàm phán thúc đẩy xuất khẩu; hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT); hướng dẫn nông dân, thương nhân kỹ năng thương sử dụng mại điện tử.
Ông Tuấn cũng đề nghị UBND, Sở Công thương các tỉnh, các doanh nghiệp, sàn TMĐT tử hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và DN là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên thế giới còn phức tạp, Bộ Công Thương cũng như các DN, địa phương phải xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của các mặt hàng nông sản. Bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận, tỉnh Bắc Giang nghiêm túc tiếp thu và định hướng chỉ đạo trong thời gian tới.
Ông Lê Ánh Dương khẳng định, hội nghị là một trong những sự kiện nhằm cụ thể hóa quyết tâm của của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong thực hiện mục tiêu kép; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành TƯ và địa phương. Bên cạnh đó, sự đồng hành của các DN, doanh nhân, các cơ quan truyền thông... đã mở ra triển vọng hợp tác rộng rãi trong việc đưa cam, bưởi và các nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang đến với các thị trường trong và ngoài nước./.