Ngành thuế Thái Nguyên cắt giảm nhiều TTHC nhờ ứng dụng các giải pháp CNTT

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:58, 12/11/2021

Theo báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên, ứng dụng phần mềm quản lý thuế tập trung và các giải pháp CNTT khác, ngành thuế không chỉ hỗ trợ tốt cho công tác quản lý nội ngành, mà còn phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Cắt giảm nhiều ứng dụng quản lý thuế phân tán 

Cục Thuế Thái Nguyên đã triển khai Hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS) từ cấp Chi cục Thuế đến Cục Thuế, để quản lý đầy đủ các sắc thuế. Hệ thống TMS đã thay thế 16 ứng dụng quản lý thuế phân tán tại Cục Thuế và các Chi cục Thuế, đáp ứng các quy trình nghiệp vụ gồm: đăng ký thuế; quản lý hồ sơ; xử lý kê khai; quyết toán thuế; quản lý nghĩa vụ người nộp thuế; quản lý thu nợ.

Hệ thống TMS là hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi của ngành thuế được cán bộ thuế vận hành từ cấp đội thuế thuộc các chi cục thuế đến các phòng chuyên môn thuộc Cục Thuế, đáp ứng đầy đủ cho các bộ phận chức năng trong công tác quản lý thuế. Trong những năm qua, hệ thống TMS đã phát huy tác dụng hỗ trợ cơ quan thuế nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, là nền tảng để Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên triển khai các dịch vụ về thuế điện tử theo chỉ đạo của chính phủ về hiện đại hóa và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế.

Hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật của ngành thuế liên tục được đầu tư, bổ sung đáp ứng việc triển khai các công nghệ mới, cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn phục vụ công tác quản lý và kho dữ liệu về thuế đáp ứng các yêu cầu quản lý thuế. 

Trong công tác CĐS ngành thuế, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các ứng dụng CNTT nhằm phục vụ người dân và DN tốt hơn. Theo báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết CĐS tỉnh Thái Nguyên, các ứng dụng CNTT của ngành thuế không chỉ hỗ trợ tốt cho công tác quản lý nội ngành, mà còn phục vụ tốt cho người dân và DN. 

Hệ thống TMS và các phần mềm chuyên ngành thuế được đánh giá đảm bảo đáp ứng phục vụ tốt công tác quản lý thuế hiện đại; hệ thống thuế điện tử (Etax) đảm bảo kết nối với cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia cung cấp các dịch vụ hành chính công về thuế mức độ 4, phục vụ tốt cho người nộp thuế khai thác sử dụng; tỷ lệ DN kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đạt trên 98,8%...

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã xây dựng cổng điện tử và kê khai thuế, nộp thuế, hoàn 9 thuế trực tiếp qua mạng, hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy; công khai chính sách, chế độ, thủ tục hành chính (TTHC) thuế trên trang Web; cung cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế miễn phí cho DN và người nộp thuế. 

Cắt giảm hơn 80 TTHC thuế năm 2021

Cùng với việc ứng dụng hệ thống quản lý thuế tập trung, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cũng đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, DN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Thuế đã tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 150 DVC trực tuyến, đạt 161% kế hoạch đã đề ra theo Quyết định số 683/QĐ-BTC ngày 28/04/2020 về việc Ban hành Danh mục DVC trực tuyến của Bộ Tài chính. 

Ứng dụng CNTT và các phần mềm quản lý thuế, số lượng TTHC trong ngành thuế của tỉnh đã được giảm bớt. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 86/304 TTHC thuế năm 2021. Các DVC trực tuyến của cơ quan thuế luôn được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao khi tham gia giao dịch với cơ quan thuế. Năm 2021, tại Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, số lượng TTHC được nâng cấp lên DVC trực tuyến mức 3, 4 cấp Cục Thuế là 106 thủ tục trên 122 thủ tục đạt 86,9%; cấp Chi cục Thuế là 88/106 thủ tục đạt 83%. Tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp/phải nộp ước đạt 100%; Tỷ lệ tờ khai thuế nộp đúng hạn/số tờ khai đã nộp ước đạt 98,2%.

Có 34.722 tài khoản cá nhân thực hiện đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế thông qua Cổng DVC Quốc gia; 6.700 DN thực hiện khai thuế điện tử và đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử đạt 100%; Tỷ lệ số DN nộp thuế điện tử/Tổng số DN nộp thuế trong tháng ước đạt 98,98%; Tỷ lệ hoàn thuế GTGT qua hình thức điện tử ước đạt 100%; 4.168 DN đã đăng ký và sử dụng hóa đơn theo phương thức điện tử. Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai hỗ trợ ước đạt 33.000 lượt người nộp thuế nộp hồ sơ lệ phí trước bạ nhà đất (chuyển thông tin liên thông giữa cơ quan Thuế với ngành Tài nguyên môi trường bằng phương thức điện tử). Cục Thuế đã đồng hành hỗ trợ các DN triển khai hóa đơn điện tử và thực hiện ứng dụng khai thuế điện tử đối với hoạt động thuê tài sản.

Báo cáo kết quả một năm triển khai, thực hiện Nghị quyết CĐS tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết công tác CĐS của cơ quan thuế đã giúp tăng số thu ngân sách bằng cách tăng cường quản lý thuế và tăng cường tuân thủ tự nguyện, đặc biệt đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế ngày càng được tiếp cận với lượng lớn thông tin bao gồm cả thông tin nội bộ, cũng như thông tin từ các cơ quan khác, thông tin trực tuyến của các cá nhân như dữ liệu về các giao dịch ngân hàng, thu nhập từ nguồn lao động và nguồn ngoài lao động. 

Tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách nhà nước hồi tháng 9/2021, Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên Đỗ Trọng Nghĩa cho biết mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, song kết quả 8 tháng ngành thuế Thái Nguyên thu đạt 8.808 tỷ đồng, bằng 93% dự toán pháp lệnh, bằng 70% dự toán tỉnh giao, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ tiền sử dụng đất, số thu là 6.329 tỷ đồng, bằng 77% dự toán pháp lệnh, bằng 63% dự toán tỉnh giao, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu thu chính cũng đạt kết quả tốt, đảm bảo chi thường xuyên cũng như chi đầu tư của địa phương theo dự toán.

Cung cấp 100% TTHC cấp độ 4 đủ điều kiện trên cổng DVC của tỉnh 

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết tỉnh đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Thái Nguyên đang triển khai thực hiện các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung của tỉnh. Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên được quan tâm vận hành và duy trì chất lượng tốt. Số liệu đến ngày 09/11/2021 hệ thống gửi/nhận trên 1.889.594 văn bản trên toàn tỉnh (ước tính tiết kiệm được tối thiểu 1.889.594 x 4.000 đồng/1 văn bản = 7,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản qua đường bưu điện). 

Sở TT&TT đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhằm nâng cấp, bổ sung thêm phiên bản di động (mobile) để bảo đảm thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên được xuyên suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Dự kiến, phiên bản di động sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong Quý IV năm 2021.

Ngành thuế Thái Nguyên cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhờ ứng dụng phần mềm - Ảnh 1.

Thái Nguyên đã đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ảnh: baochinhphu.vn

Tỉnh tiếp tục thực hiện thuê dịch vụ CNTT đối với 03 hệ thống nền tảng là Cổng thông tin điện tử; Mạng Truyền số liệu chuyên dùng; Hội nghị truyền hình bảo đảm liên thông 3 cấp từ tỉnh đến xã và ngược lại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; 09/09 huyện, thị xã, thành phố; 178/178 xã, phường, thị trấn. Số cuộc họp trực tuyến đã thiết lập dự ước đến ngày 31/12/2021 khoảng 180 cuộc phục vụ tích cực việc chỉ đạo và điều hành từ Trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, và các xã, phường, thị trấn; phục vụ tích cực trong bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Lãnh đạo Sở TT&TT cho biết việc ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được thay đổi. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, thực hiện gửi văn bản đi, đến qua hệ thống văn bản điện tử được thường xuyên, trở thành công cụ thiết yếu trong hoạt động quản lý và điều hành công việc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan nhà nước được thông suốt từ tỉnh đến huyện và từng bước tới cấp xã; DVC trực tuyến mức độ 3, 4 và hệ thống một cửa điện tử từ tỉnh đến cấp xã từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Thái Nguyên đã hoàn thành cung cấp 100% TTHC cấp độ 4 đủ điều kiện trên cổng DVC tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định 402/QĐ-UBND ngày 19/02/2021 của UBND tỉnh công bố Danh mục DVC trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan Nhà nước tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ http://dichvucong.thainguyen.gov.vn.

Trong đợt triển khai các giải pháp điều phối giao thông khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Sở Giao thông vận tải tỉnh cũng đã tích cực triển khai thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên đi vào luồng xanh, được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn. Đến ngày 01/10/2021, hệ thống cấp thẻ nhận diện luồng xanh do ngành giao thông cấp đóng lại để chuyển sang hệ thống do ngành Công an quản lý. Tính đến thời điểm dừng hoạt động, Sở đã tiếp nhận và xử lý 11.500 hồ sơ cấp Giấy nhận diện cho các phương tiện trên địa bàn tỉnh./.

Bảo Thoa