Bảo tàng, di tích thích ứng với Covid-19: Chuyển đổi số không phải chiếc đũa thần gõ đâu cũng ra sản phẩm

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:39, 11/11/2021

Ngày 11/11, Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức toạ đàm với chủ đề “Xây dựng các sản phẩm văn hoá phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các bảo tàng, di tích tại Hà Nội”.

Sáng tạo từ công nghệ

Buổi toạ đàm có sự tham gia của các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội; các đơn vị lữ hành, chuyên gia văn hoá và các nhà quản lý di sản. Buổi toạ đàm diễn ra trong 4 tiếng, các bảo tàng, di tích giới thiệu các ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng, di tích nhằm thích ứng với dịch Covid-19.

Bảo tàng, di tích thích ứng với Covid-19: Chuyển đổi số không phải chiếc đũa thần gõ đâu cũng ra sản phẩm - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Trong bối cảnh khó khăn, không có nguồn thu đó, hầu hết các đơn vị bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã tìm cách xoay xở, tìm phương án để học hỏi lẫn nhau, làm ra các sản phẩm mới nhằm truyền thông, quảng bá thương hiệu. Trong đó, có thể kể tới như: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long đã cho ra mắt các tour du lịch về đêm; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D. Tại buổi toạ đàm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ chuẩn bị được ra mắt.

Bảo tàng, di tích thích ứng với Covid-19: Chuyển đổi số không phải chiếc đũa thần gõ đâu cũng ra sản phẩm - Ảnh 2.

Hành trình trải nghiệm về đêm vào dịp cuối tuần tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò có tên gọi: ''Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt''. Ảnh: Ngọc Tú.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: "Một trong những hướng đi của Văn Miếu thời gian tới là tập trung vào công nghệ. Chúng tôi vẫn ý thức được rằng, công nghệ chỉ là phương tiện, quan trong nhất vẫn là nội dung. Nhưng hiện nay, công nghệ vẫn là cách thức đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ".

“Ngoài thuyết minh tự động, Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ xây dựng ứng dụng trên internet để du khách có thể truy cập từ thiết bị thông minh của mình. Đồng thời, chúng tôi sẽ cho ra mắt sảm phẩm từ trí tuệ nhân tạo. Qua đó, khách tham quan có thể tương tác với rô-bốt để tìm hiểu các thông tin về di tích, chủ động tiếp cảnh trong bối cảnh dịch Covid-19” – ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

Thận trọng trong ứng dụng công nghệ

Trong bối cảnh dịch Covid-19, hầu hết các bảo tàng của Hà Nội hiện nay đều đã ứng dụng công nghệ, cho ra mắt nhiều sản phẩm mới. Khẳng định việc các bảo tàng, di tích đầu tư các sản phẩm công nghệ - sản phẩm văn hoá là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19, Phó Chú tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam Lê Thị Minh Lý chia sẻ: “Quốc gia nào cũng cần có sản phẩm văn hoá, đó là tri thức, phẩm chất, trình độ và năng lực của dân tộc. Tuy nhiên, công nghệ không phải chiếc đũa thần để gõ vào đâu cũng ra sản phẩm. Chúng ta cần nghiên cứu để có được sản phẩm phù hợp”.

Bảo tàng, di tích thích ứng với Covid-19: Chuyển đổi số không phải chiếc đũa thần gõ đâu cũng ra sản phẩm - Ảnh 3.

Du khách tham quan bảo tàng trên thiết bị điện tử.

Các chuyên gia văn hoá cho rằng, khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo tàng không thể làm theo trào lưu. Sản phẩm công nghệ làm ra cần được đầu tư về nội dung, chất lượng và tính đến cách vận hành, quảng bá. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ việc các bảo tàng, di tích ứng dụng công nghệ để làm ra các sản phẩm văn hoá. Tuy nhiên, chúng ta cần làm thận trọng, từng bước để đánh giá. Chúng ta có thể phối hợp với các đơn vị công nghệ để thực hiện nhưng không được giao khoán. Người làm di tích, bảo tàng không thể làm ào ào, lơ lửng”.

Đã có trường hợp, khi triển khai thực hiện hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide), các bảo tàng, di tích có ý tưởng làm nội dung một cách nhưng người ứng dụng công nghệ lại hiểu và làm theo cách khác. "Thậm chí là các chuyên gia, khi viết nội dung họ viết theo góc độ khác vì họ không biết đơn vị quản lý bảo tàng, di tích muốn hướng tới phục vụ ai, đối thượng khách hàng nào. Tóm lại, họ không thể làm được" – bà Lê Thị Minh Lý chia sẻ.

Tập trung xây dựng dữ liệu số

Tham gia buổi toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Phạm Định Phong đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị bảo tàng, di tích trong việc ứng dụng công nghệ vào việc sáng tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, ông Phạm Định Phong thẳng thắn cho rằng, bản thân có cảm nhận các bảo tàng, di tích đang ứng dụng công nghệ số “toán loạn”.

Bảo tàng, di tích thích ứng với Covid-19: Chuyển đổi số không phải chiếc đũa thần gõ đâu cũng ra sản phẩm - Ảnh 3.

Một tour du lịch khám phá đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Cục Di sản văn hoá đã có văn bản gửi các Sở, bảo tàng, di tích và nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc xây dựng dữ liệu số về di sản văn hoá. Bởi nếu không có nội dung thì không có gì để xây dựng nền tảng số. Thực tế, hiện nay nhiều đơn vị còn làm hời hợt. "Chúng ta chấp nhận hồ sơ không có lý lịch thì chuyển đổi số như thế nào?" – ông Phạm Đình Phong đặt câu hỏi.

Tại buổi toạ đàm, Phó trưởng Phòng Trưng bày truyền thông công chúng – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam An Thu Trà chia sẻ một hướng đi khác so với đa số ý kiến tại buổi toạ đàm: “Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yêu, chúng tôi đã áp dụng từ năm 2003. Nhưng hiện nay, chúng tôi có sự thận trọng và sẽ đi sau. Bởi, chúng tôi muốn thu được các chi phí trên công nghệ bằng những cách khác nhau. Mặt khác, công nghệ tốt nhưng có hai mặt. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ định làm công nghệ nhưng sau đó đã chuyển hướng vừa làm công nghệ vừa tương tác”. 

Bà An Thu Trà cho hay: “Bảo tàng của chúng tôi có định hướng sẽ khai thác tối đa tiềm năng tại chỗ về cơ sở vật chất, không gian. Vừa qua, các bảo tàng được mở cửa trở lại nhưng đến đầu tháng 11 chúng tôi mới đón khách và chỉ làm thứ 7 và Chủ nhật để đảm bảo nhân sự và nguồn thu. Hai ngày cuối tuần qua, chúng tôi đã đón 500 khách và qua nghiên cứu thấy nhu cầu khách rất khác. Trước đây, trung tâm thương mại, siêu thị là nơi cạnh tranh trực tiếp nhưng du khách giờ không giám vào đó vì sợ Covid-19. Từ đó cho thấy, Covid-19 vừa là cơ hội để chúng ta có những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng”.

Tại buổi toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Phạm Định Phong cũng nhấn mạnh, giai đoạn Covid-19 chỉ là nhất thời, việc chuyển đổi số không thể thay thế hoạt động của bảo tàng, di tích truyền thống. Vừa qua, trong diễn đàn “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành VHTT&DL”, lãnh đạo Bộ VHT&DL đã yêu cầu các đơn vị bảo tàng, di tích cần phối hợp với ngành giáo dục để thực hiện chức năng giáo dục. Bởi, học sinh, trẻ em chính là nguồn khách hàng tiềm năng của bảo tảo, di tích trong thời gian tới./.

Minh An