Dịch vụ xe buýt thông minh giúp việc đi lại ở Đài Loan thuận tiện hơn

Đô thị thông minh - Ngày đăng : 10:43, 10/11/2021

Ứng dụng trạm xe buýt Đài Bắc (TBS - Taipei Bus Station) được phát triển thông qua quan hệ đối tác công - tư (PPP) nhằm mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dân tại Đài Loan.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường cao tốc Đài Loan, trạm xe buýt Đài Bắc có sức chứa 970.000 xe buýt mỗi năm và vận chuyển hơn 29 triệu lượt hành khách. Có 10 đơn vị vận hành xe buýt với hơn 20 quầy bán vé thủ công.

Do hệ thống bán vé của từng đơn vị vận hành xe buýt hoạt động riêng lẻ nên không thể hỗ trợ hành khách mua vé trực tuyến. Vào những dịp nghỉ lễ, tết, người dân thường phải xếp hàng để mua vé và lên xe buýt, mất rất nhiều thời gian vì toàn bộ quy trình từ soát vé đến kiểm tra đều được thực hiện thủ công. Nếu không có một hệ thống quản lý bán vé theo thời gian thực, các đơn vị vận hành xe buýt khó có thể đảm bảo xe buýt chạy đúng lịch trình, điều này làm tăng chi phí vận hành của họ.

Để giải quyết bài toán trên, Đài Loan đang thực hiện "Dự án thành phố thông minh Đài Loan" thông qua Cục Phát triển Công nghiệp Đài Loan thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA) để thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi lĩnh vực này cũng như phát triển, ứng dụng các công nghệ số. Dự án tập trung vào 6 lĩnh vực chính là giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, quản trị/an ninh, du lịch/bán lẻ, nông nghiệp và giáo dục, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phát triển các ứng dụng sáng tạo. Tính đến nay, dự án đã thu hút được 719 DN tham gia, phát triển hơn 223 ứng dụng thông minh, mang lại lợi ích cho 8,54 triệu người.

Ứng dụng trạm xe buýt Đài Bắc TBS là một trong số những ứng dụng đó. Cục Phát triển Công nghiệp Đài Loan đã hỗ trợ Công ty TNHH Wan Da Tong trong việc tích hợp các nền tảng bán vé để chuyển đổi quy trình dịch vụ xe buýt. Hiện nay, ứng dụng TBS đã tích hợp hoạt động bán vé của 11 đơn vị vận hành xe buýt đường cao tốc và đang tiếp tục đàm phán với các công ty khác.

Đối với các đơn vị vận hành không thuộc hệ thống, TBS cũng cung cấp một hệ thống hỗ trợ với đầy đủ các chức năng bao gồm: tìm kiếm, đặt chỗ, thanh toán, nhận vé, kiểm tra, hoàn tiền, phân chia, trao đổi. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, mọi người dân đều có thể tận hưởng dịch vụ thông qua ứng dụng từ việc kiểm tra chỗ ngồi còn trống, mua vé bất kỳ lúc nào và nhận điểm thưởng trực tuyến cho đến khi lên xe buýt với vé đã xuất.

TBS cũng cho phép các đơn vị vận hành xe buýt quản lý theo thời gian thực tình trạng bán vé, do đó đảm bảo xe buýt hoạt động đúng lịch trình. Ngoài ra, TBS còn hỗ trợ 3 phương thức thanh toán di động để tiết kiệm giấy in vé và nguồn nhân lực. Hành khách có thể đổi vé với chính đơn vị vận hành xe buýt trước giờ khởi hành 30 phút. Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi kết nối mạng không ổn định, hành khách được xuất vé ngoại tuyến.

Nhìn chung, ứng dụng TBS do Wan Da Tong phát triển cũng như 158 thiết bị soát vé, đã được đưa vào sử dụng thành công tại các trạm xe buýt ở 17 thành phố hoặc quận trên khắp Đài Loan. Ứng dụng có khoảng 180.000 người dùng đăng ký và khoảng 50.000 người dùng đang hoạt động. Số lượt mua vé trung bình là 1.000 lượt/ngày. TBS không chỉ giảm áp lực cho quầy bán vé, nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi lĩnh vực giao thông vận tải công cộng.

Như một phần mở rộng của dự án, Wan Da Tong cũng đã phối hợp với Cục Hàng hải thuộc Bộ Giao thông và Truyền thông Đài Loan trong việc tích hợp các nền tảng bán vé để cung cấp dịch vụ di chuyển.

Theo báo cáo của OpenGovAsia, để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng từ sự đổi mới công nghệ, Bộ Giao thông và Truyền thông Đài Loan đã xây dựng "Báo cáo ngành công nghệ vận tải". Sáng kiến này nhằm thúc đẩy trao đổi giữa các ngành công nghiệp, chính phủ, giáo dục và nghiên cứu thông qua đổi mới quản trị, liên kết công nghệ, công nghiệp và xã hội, đồng thời mở ra một tương lai mới cho ngành công nghệ giao thông vận tải.

Xây dựng hệ thống giao thông là một động lực quan trọng cho nền kinh tế của Đài Loan. Đài Loan sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy giao thông thông minh, xây dựng đường sắt, thiết kế đường biển và sân bay thông minh để ngành công nghiệp của Đài Loan có thể theo kịp sự phát triển của công nghệ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đài Loan đặt mục tiêu trở thành quốc đảo có công nghệ giao thông thông minh nổi tiếng thế giới./.

TH