Hàn Quốc ứng dụng metaverse xây dựng thành phố thông minh và hòa nhập hơn
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 20:53, 06/11/2021
Với tên gọi "Metaverse Seoul", dự án trị giá 3,9 tỷ won (3,3 triệu USD) sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn và kéo dài trong 5 năm (2022 - 2026). Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành việc tạo ra nền tảng và giới thiệu với công chúng vào cuối năm 2022.
Sau khi hoàn thành, nền tảng metaverse dự kiến sẽ được ứng dụng cho các dịch vụ hành chính trong tất cả lĩnh vực quản lý của thành phố như kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và khiếu nại dân sự.
Theo chính quyền thủ đô Seoul (SMG), khi văn phòng dịch vụ ảo hoàn thành, người dân có thể gặp gỡ các công chức thông qua hình ảnh đại diện, giải quyết các khiếu nại dân sự và hưởng lợi từ các dịch vụ tư vấn mà không cần phải có mặt tại Tòa thị chính.
"Metaverse Seoul" sẽ từng bước triển khai các dịch vụ hỗ trợ công dân và doanh nghiệp khác nhau như: Lễ rung chuông năm mới ảo Bosingak, Văn phòng Thị trưởng ảo và các dịch vụ ảo khác từ Seoul Fintech Lab, Invest Seoul và Seoul Campus Town...
Ngoài ra, các điểm du lịch nổi tiếng của Seoul, như Quảng trường Gwanghwamun, cung điện Deoksugung và chợ Namdaemun sẽ được tạo trên nền tảng này như một "đặc khu du lịch ảo". Trong khi đó, các di tích lịch sử đã bị phá hủy như Donuimun cũng sẽ được tái hiện lại sinh động trong không gian ảo.
Bên cạnh đó, các lễ hội tiêu biểu của Seoul như Lễ hội đèn lồng Seoul cũng được tổ chức theo mô hình metaverse để mọi người trên khắp thế giới đều có thể trải nghiệm. Đặc biệt, SMG cho biết họ sẽ phát triển nội dung và dịch vụ an toàn, tiện lợi dựa trên "thực tế mở rộng" (XR) cho người khuyết tật.
Kế hoạch cơ bản của "Metaverse Seoul" gồm 20 mục tiêu trên 7 lĩnh vực chính phản ánh các xu hướng nổi bật trong khu vực công và tư nhân cũng như nhu cầu về dịch vụ.
Tuy nhiên, "Metaverse Seoul" cũng sẽ được hoạt động như một giải pháp thử nghiệm giúp Seoul phục hồi các ngành công nghiệp đã bị thu hẹp và ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Người đại diện sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và cung cấp các dịch vụ một cửa cho lĩnh vực khởi nghiệp.
Theo Park Jong-Soo, Lãnh đạo Văn phòng Chính sách TPTM Seoul, "Metaverse đang phát triển thành nhiều hình thức khác nhau dựa trên trình độ công nghệ và nhu cầu của người dùng. Đặc biệt, nó đang đạt được sức hút như một mô hình mới cho thời kỳ hậu COVID-19".
"Seoul sẽ đi tiên phong trong một lục địa mới được gọi là "Metaverse Seoul" bằng cách kết hợp nhu cầu công cộng với công nghệ tư nhân. Để tất cả các nhóm tuổi được hưởng những lợi ích, chúng tôi sẽ làm việc trên "Metaverse Seoul" và biến Seoul trở thành một TPTM, hòa nhập", Park Jong-Soo khẳng định./.