Những mối đe dọa tấn công vào hạ tầng CNTT trọng yếu năm 2021
An toàn thông tin - Ngày đăng : 16:45, 06/11/2021
Tội phạm mạng đang không ngừng gia tăng tấn công vào các hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu. Theo đại tá Trần Đức Sự - Giám đốc trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ: "Mỗi năm có hàng trăm ngàn cuộc tấn công vào các mạng CNTT trọng yếu quốc gia và với mức độ ngày càng gia tăng về cường độ, độ nguy hiểm, độ tinh vi".
Trước tình hình an ninh đang ngày càng phức tạp hiện nay đặt ra nhiều thách thức, khó khăn trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Những thách thức này không chỉ cho ngành CNTT nói chung mà còn đặc biệt với những mạng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyên trách về CNTT trọng yếu nói riêng.
Những mối đe doạ tấn công vào hạ tầng trọng yếu năm 2021
Hạ tầng CNTT trọng yếu quốc gia là những thành phần trong hạ tầng CNTT quốc gia mà việc bị phá hoại chúng sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực hoạt động quan trọng của quốc gia, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Hạ tầng CNTT trọng yếu bao gồm 2 loại: Các hệ thống CNTT phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống thường ngày như các hệ thống cung cấp điện năng, viễn thông, hàng không, giao thông…; Hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ điều hành chỉ đạo, hệ thống mạng chuyên dùng, hệ thống chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hệ thống chỉ đạo điều hành...
Theo ông Đỗ Việt Thắng, Phó Giám đốc trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, lỗ hổng của các hệ thống luôn được tin tặc tập trung khai thác. Đây là vấn đề nóng trong thời gian vừa qua và rất nhiều cơ quan, bộ ngành phải chịu nhiều tổn thất vì tấn công này.
Ngoài ra, truy cập trái phép cũng chiếm một tỷ lệ lớn, mặc dù có những truy nhập thành công và có những truy nhập không thành công. Tuy nhiên, nó cũng rất nguy hiểm và có mức độ lây lan nhanh chóng.
Trong các kiểu tấn công thì điển hình là tấn công bằng mã độc, dò quét mật khẩu, ransomware, phát tán mã độc qua thư điện tử… đã xảy ra trên nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn phát tán các cuộc tấn công chủ yếu từ địa chỉ nước ngoài.
Tấn công dò quét mật khẩu: Đây là kiểu tấn công thông qua những kết nối và website độc hại. Hình thức tấn công này rất phổ biến, đa dạng về nguồn gốc tấn công.
Tấn công phát tán mã độc thông qua thư điện tử: Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, tin tặc đã lợi dụng nội dụng tình hình thực tế để thư gửi tới người dùng với những nội dung liên quan đến COVID -19 mang tính thời sự, phần địa chỉ người gửi không rõ ràng, thường là giả mạo những địa chỉ chính thống như bộ y tế, … đi cùng với báo cáo tình hình COVID khiến người nhận dễ tin và nhấn vào rồi phát tán mã độc.
Ransomware: Là loại tấn công khá phổ biến, gần như một vấn nạn hiện nay. Từ năm 2020 đến 2021 đã phát hiện thấy 130 dòng (họ) mã độc ransomware.
Theo số lượng thống kê trên cổng VirusTotal, các nước Đông Nam Á bị tấn công nhiều nhất, trong đó có Việt Nam và 9 nước gồm Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Kazakhstan, Philippines, Iran và Vương quốc Anh là top quốc gia bị ảnh hưởng. Đến nay, ransomware vẫn được tin tặc tiếp tục phát tán. Trong mỗi chiến dịch tấn công chúng lại xây dựng các mã độc mới.
Ransomware đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với các hệ thống thông tin quan trọng. Những ransomware này nay không còn chỉ là mã độc đơn thuần với mục tiêu chính là mã hóa và tống tiền như trước đây. Ngày nay, chúng có cả một nhóm vận hành rất nguy hiểm, không chỉ mã hóa mà còn đánh cắp dữ liệu nhạy cảm và tấn công có chủ đích. Cho dù người dùng có khôi phục được tệp tin thì cũng không lấy lại được các dữ liệu bị đánh cắp. Ransomware trước đây chỉ gây tổn thất dữ liệu hoặc tiền bạc, còn ransomware ngày nay còn gây thêm tổn hại về tiếng, thương hiệu.
Ransomware ngày nay còn hoạt động như một dịch vụ. Kẻ viết ra loại mã độc này có thể thu lợi từ các cuộc tấn công của tin tặc giống như trả tiền bản quyền cho các tác phẩm nghệ thuật nên mức độ phát tán ngày càng mạnh mẽ hơn.
Theo ông Đỗ Việt Thắng, điển hình trong tấn công ransomware thời gian vừa qua là REvil (còn gọi là Sodinokibi, Sodin). Đầu tiên tin tặc phát tán ransomware này qua lỗ hổng Oracle Weblogic sau đó khai thác lỗ hổng CVE-2018-8453 và nâng cấp đặc quyền trong Windows (hiếm gặp trong ransomware). Chúng sử dụng các chức năng hợp lệ của bộ xử lý để qua mặt các giải pháp bảo mật
REvid xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 4/2019 và hoạt động đỉnh cao điểm vào tháng 8/2019 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 7/2020. Hiện nay các nạn nhân vẫn tiếp tục gia tăng. Các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có Việt Nam và loại mã độc này đã lan ra toàn thế giới.
Xu thế tấn công đối với hạ tầng CNTT trọng yếu nói riêng và các hạ tầng công nghệ nói chung chủ yếu tập trung trực diện vào các vấn đề như: Mất tính toàn vẹn (Loss of Integrity); Mất tính sẵn sàng (Loss of Availability); Mất tính tin cậy (Loss of Confidentiality).
Một số giải pháp đảm bảo an toàn hạ tầng trọng yếu
Trước tình hình tấn công vào hệ thống CNTT quốc gia đang ngày càng phức tạp, ông Đỗ Việt Thắng cho rằng cần phải thực hiện một số công việc để bảo vệ hệ thống CNTT như đảm bảo hệ điều hành và các ứng dụng (nhất là ứng dụng có kết nối Intenret) được vá và cập nhật đầy đủ; Trang bị cho các nhân viên những kiến thức, thực hành về an ninh mạng; Chỉ sử dụng các công nghệ bảo mật cao khi thực hiện kết nối từ xa; Luôn thực hiện đánh giá bảo mật trên toàn hệ thống mạng.
Bên cạnh đó, cần sử dụng các giải pháp bảo vệ thiết bị đầu cuối có các chức năng trong việc phát hiện ransomware, phát hiện các hành vi bất thường và đặc biệt có khả năng khôi phục, hoàn tác các tệp tin khi không may bị tấn công; Luôn cập nhật, nắm bắt các dữ liệu tình báo về xu hướng tấn công mạng.
Để giảm thiểu tổn thất của những tấn công này, ông Thắng cũng cho rằng cần trang bị đầy đủ các giải pháp bảo vệ và đưa ra các chính sách an toàn phù hợp theo từng giai đoạn, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người dùng nói chung và đội ngũ nhân viên, cán bộ vận hành hệ thống CNTT tin trọng yếu nói riêng./.