Hoạt động tín ngưỡng trực tuyến của đạo Cơ đốc Thái Lan trong thời kỳ đại dịch COVID-19

Truyền thông - Ngày đăng : 08:50, 05/11/2021

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu vào cuối năm 2019, đến nay Thái Lan đã trải qua hai đợt đỉnh điểm của đại dịch. Sự thay đổi các hành vi xã hội nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực tôn giáo. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động tôn giáo thể hiện mạnh mẽ nhất.

Chuyển hướng hình thức hoạt động truyền giảng sang trực tuyến

Cơ đốc giáo ở Thái Lan hiện có số tín đồ chiếm 1,2% tổng dân số, đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức cho việc tiếp nhận các thành viên mới và truyền giáo cho những người không phải là tín đồ của các Giáo hội ở đất nước này.

Theo truyền thống, việc tổ chức các hoạt động truyền giảng để chiêu mộ tín đồ mới có vai trò quan trọng trong việc phổ biến Cơ đốc giáo đến hầu hết các Giáo hội ở Thái Lan. Các nhà thờ thường tổ chức các sự kiện truyền giảng trực tiếp cho những người không theo đạo vào một số ngày lễ quan trọng như Songkran, Năm mới và Giáng sinh. Các Câu lạc bộ sinh viên Cơ đốc trong các trường đại học cũng quảng bá phúc âm khi sinh viên năm nhất vào đại học.

Hoạt động tín ngưỡng trực tuyến của đạo Cơ đốc Thái Lan trong thời kỳ đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Câu lạc bộ Sinh viên Cơ đốc giáo Thái Lan tổ chức các hoạt động và chia sẻ phúc âm với các sinh viên năm nhất Đại học Chulalongkorn trong tuần lễ định hướng năm 2018 (Ảnh: PV).


Hoạt động tín ngưỡng trực tuyến của đạo Cơ đốc Thái Lan trong thời kỳ đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nhà thờ Thái Lan và Câu lạc bộ sinh viên đã tổ chức một hoạt động Giáng sinh để chia sẻ phúc âm cho những người ngoại đạo vào năm 2019 (Ảnh: PV).

Nhưng sự lan rộng của COVID-19 trên khắp cả nước cũng đã thay đổi cách thức truyền đạo của Cơ đốc giáo ở Thái Lan. Rõ ràng là đại dịch đã có tác động lớn đến sự phát triển của tín đồ mới trong các nhà thờ. Một số nhà thờ nhỏ đã cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao hơn trong ứng dụng công nghệ để truyền giảng.

Nhà thờ Glory Temple là một nhà thờ nhỏ chưa đến 50 người ở Bangkok. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhà thờ này đã tổ chức cả việc thờ cúng trực tiếp và cả trên nền tảng trực tuyến. Do quy mô nhỏ của Hội thánh, không có đội truyền giáo đặc biệt nào được thành lập để chia sẻ phúc âm và phát triển các thành viên mới. Trước đại dịch, nhà thờ dựa vào các mối quan hệ cá nhân của các thành viên để mời những người mới đến nhà thờ. Các thành viên sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Line, Facebook và Instagram để đăng thông tin và mời những người không phải là tín đồ đến các sự kiện của nhà thờ.

Waranya Khantiudom, một thành viên của Nhà thờ Glory Temple, đã chia sẻ rằng nhờ có công nghệ mà dường như COVID-19 có rất ít tác động đến việc mời các thành viên mới đến nhà thờ. Trong thời gian xảy ra đại dịch, họ vẫn có thể mời bạn bè đến các hoạt động của nhà thờ thông qua các mối liên hệ trực tuyến, mạng xã hội.

Không những dựa vào mối quan hệ giữa các cá nhân để mời những người không phải là tín đồ. Các nhà thờ thường có đội truyền giáo, tổ chức các hoạt động trực tiếp cho những người không phải là tín đồ. Tuy nhiên, do hậu quả của đại dịch, các nhà thờ đã kêu gọi giới hạn nghiêm ngặt về số lượng người tham gia và hình thành các hoạt động. Công việc truyền giáo của các nhà thờ này cũng đang được thực hiện trực tuyến qua Zoom và các nền tảng công nghệ khác.

Nhóm truyền giáo của Watanya Leekasemsap ở Chiang Mai Thái Lan trước nay luôn tận tâm chia sẻ phúc âm với những người trẻ tuổi và phát triển các thành viên mới cho nhà thờ. Tuy nhiên đại dịch đã mang đến những thách thức lớn cho nhóm truyền giáo của cô. Cô chia sẻ rằng việc truyền giáo được thực hiện trực tuyến là hoàn toàn mới lạ đối với mọi người trong nhóm truyền giáo và họ phải học lại cách chia sẻ phúc âm với những người ngoại đạo qua Internet.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhóm truyền giáo của Watanya Leekasemsap đã thành lập một nhóm Zoom để dạy tiếng Hàn nhằm thu hút giới trẻ tham gia các hoạt động Cơ đốc. Bên cạnh đó, một số đội truyền giáo còn tổ chức nhiều hình thức hoạt động như khiêu vũ trực tuyến để thu hút thêm thành viên mới.

Hoạt động tín ngưỡng trực tuyến của đạo Cơ đốc Thái Lan trong thời kỳ đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các hoạt động trực tuyến do Tổ chức Cơ đốc giáo tổ chức tại Thái Lan vào năm 2020 (Ảnh: PV).

Hình thức hoạt động trực tuyến khiến cho việc phát triển thành viên mới dễ dàng hơn. Người ta nhận thấy là tốc độ gây dựng lòng tin và lan tỏa lẫn nhau thông qua Internet là hết sức nhanh nhạy. Màn hình máy tính và nền tảng phần mềm trực tuyến là phương tiện để các tín đồ kết nối với nhau không biên giới. Hơn nữa hình thức này sẽ làm tăng thêm cảm giác về gắn kết và gần gũi giữa những người truyền giáo và những người không theo đạo.

Thách thức và yêu cầu mới trong hoạt động tín ngưỡng bằng hình thức trực tuyến

Các nhà truyền giáo ở Thái Lan đã hướng đến mục đích các hoạt động trực tuyến do Giáo hội tiến hành phải đủ vui để thu hút mọi người. Nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội và Internet, các hoạt động truyền giáo và sinh hoạt tín ngưỡng tại Thái Lan nói chung ngày càng đa dạng.

Hầu hết những người đã tham gia vào các hoạt động Zoom trực tuyến bày tỏ sự sẵn lòng giao tiếp với những người bạn mà họ đã biết. Trong khi mức độ sẵn sàng giao tiếp trực tiếp với những người lạ trên mạng lại ít hơn nhiều. Hiện tượng này là chung, bởi vì hầu hết những người tham gia hoạt động Zoom thích làm việc hoặc tương tác với những người quen thuộc. Thách thức đặt ra là công tác truyền giáo phải xây dựng được lòng tin để gắn kết nhiều người mới. Watanya Leekasemsap cũng khẳng định rằng một thách thức lớn trong hoạt động truyền giảng của cô là xây dựng lòng tin với những tín đồ mới hoặc những thành viên tiềm năng trên mạng.

Hơn nữa, những người lớn tuổi có thể phải đối mặt với các vấn đề về kỹ thuật và thiết bị, và do đó có thể không thể tham gia các sự kiện trực tuyến của nhà thờ. Ví dụ, một số thành viên lớn tuổi của nhà thờ có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát và thích ứng với các hoạt động của Zoom nếu không có sự giúp đỡ của người khác.

Nhà thờ Hang Kan Sang Mai (Nhà thờ Sáng tạo mới) là một nhà thờ lớn với rất nhiều tín đồ ở Chiang Mai. Để giải quyết những thiếu sót của các hoạt động trực tuyến, nhà thờ đã thành lập các nhóm gia đình ngoại tuyến từ 3 đến 4 người trong thời kỳ đại dịch. Nhóm gia đình do đó đã trở thành một hình thức mới để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Ảnh hưởng của đại dịch này đối với con đường truyền đạo của Cơ đốc giáo ở Thái Lan dường như rất sâu rộng. Watanya Leekasemsap cho rằng mặc dù các hoạt động trực tuyến có rất nhiều thách thức, hầu hết các nhà thờ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động trực tuyến sau khi dịch bệnh chấm dứt trong tương lai.

Nói cách khác, các sự kiện trực tuyến trong tương lai sẽ được kết hợp với các sự kiện ngoại tuyến để chia sẻ phúc âm. Khi toàn bộ môi trường xã hội đã thay đổi, giới trẻ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Internet. Chỉ bằng cách kết hợp trực tuyến với các hoạt động ngoại tuyến, các nhà thờ Thái Lan mới có thể thích ứng với sự phát triển và thay đổi của xã hội trong tương lai và ngày càng thu hút nhiều người trẻ. Vấn đề nan giải mà nhiều nhà thờ ở Thái Lan phải đối mặt là làm thế nào để các hoạt động trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn đối với những người ngoại đạo và hiệu quả hơn trong việc truyền bá đạo Cơ đốc.

Tại Việt Nam các tôn giáo cũng đang có những bước chuyển mình rõ rệt trong việc ứng dụng các công nghệ để gia tăng các tiện ích trong hoạt động tín ngưỡng của mình. Bằng chứng là các nghiên cứu về tôn giáo kỹ thuật số đang được khuyến khích. Các chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức truyền thông mới trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và dân tộc được chú trọng.

Các tôn giáo ở Việt Nam đang phát huy tốt sức mạnh của mình, ngày càng lan tỏa ý nghĩa của các giá trị tích cực của hoạt động tín ngưỡng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu chung của đất nước. Việc ứng dụng công nghệ trong việc phát huy, lưu giữ các giá trị của tín ngưỡng, dân tộc và tôn giáo trong đời sống hiện nay đang được phổ biến và nhân rộng.

P/V