Tỉnh Thái Bình cải cách hành chính để thu hút đầu tư
Truyền thông - Ngày đăng : 08:46, 04/11/2021
Trăn trở từ PAR INDEX 2020
Theo công bố từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2020) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tháng 6/2021 vừa qua, trong 58 tỉnh, thành phố có kết quả chỉ số tăng cao hơn so với năm 2019, Thái Bình là tỉnh tăng thấp nhất (+0.70%). Con số này đã khiến lãnh đạo Đảng bộ và UBND tỉnh trăn trở rất nhiều.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành rất nhiều Quyết định để thực hiện cải cách hành chính như Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND, ngày 30/8/2013 về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Thái Bình; Quyết định 1916/QĐ-UBND về việc thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại tỉnh Thái Bình, bảo đảm nguyên tắc "Một cửa - Một đầu mối"; Quyết định 2324/QĐ-UBND, ngày 5/10/2015, về việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Bình (ngày 5/8/2019, đổi tên thành Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thái Bình).
Xác định được điểm tắc lớn nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính còn rất chậm, tỉnh đã tính toán giải pháp yêu cầu các địa phương thực hiện 100% thủ tục này theo cơ chế một cửa một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ", từ khâu tiếp nhận, thẩm định đến phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả được thực hiện khép kín, rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp.
Tính đến tháng 9/2020, tỉnh đã đẩy mạnh việc cung cấp 947 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (đạt tỷ lệ 53,4%, cao hơn yêu cầu của Chính phủ đề ra). Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh là 1.737.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phân tích những điểm bất cập khác Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn loanh quanh ở mức trung bình khá trong cả nước. Năm 2019, PCI của Thái Bình đạt 65,38 điểm, xếp thứ 28 trong số 63 tỉnh, thành phố (xếp thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng).
Đột phá trong CCHC để thu hút đầu tư
Xác định mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng vào năm 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin để thu hút đầu tư.
Để làm được điều này, tỉnh đã và đang chú trọng thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung vào những vấn đề trọng tâm như rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông bảo đảm nguyên tắc "Một cửa - Một đầu mối", tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đây là những quyết định mang tính đột phá nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khắc phục được tính hình thức trong thực hiện việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả; tăng cường sự phối kết hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan; đề cao trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục đầu tư một cách hoàn chỉnh, hiện đại… Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến theo mức độ 3, sử dụng chữ ký số trong quá trình thực hiện nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính được tỉnh Thái Bình triển khai rộng rãi, công tác chỉ đạo, điều hành trên mạng văn phòng điện tử liên thông đạt kết quả tốt. Tính đến tháng 3-2020, 106 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và các cơ quan thuộc tỉnh; 683 cơ quan, đơn vị cấp xã sử dụng Mạng văn phòng điện tử liên thông; cung cấp hệ thống thư điện tử công dịch vụ tới hơn 6.000 địa chỉ cho cơ quan và công chức toàn tỉnh; triển khai chứng thư số chuyên dùng cho hơn 5.000 đầu mối cơ quan và cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Thái Bình, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC
Đầu tháng 10 vừa qua, trong chuyến kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo cần đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và nâng cao chất lượng CCHC.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh tiếp nhận gần 56.700 hồ sơ. Trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn đạt gần 83%; không có hồ sơ giải quyết quá hạn. Riêng số hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 là gần 27.150; trong đó tiếp nhận trực tuyến đạt trên 64%. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án 5 tại chỗ đảm bảo kế hoạch đề ra, đạt tỷ lệ 99,6%.
Ghi nhận sự nỗ lực trong CCHC của Trung tâm Phục vụ Hành chính công, nhưng ông Thành yêu cầu cần có sự phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng Internet thông qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó giảm áp lực giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở, góp phần làm tốt công tác cải cách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi công vụ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là ưu tiên của lãnh đạo tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thái Bình phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 được cung cấp đến người dân trên nhiều phương tiện khác nhau. Để làm được điều này, các cấp chính quyền, cơ quan hành chính phải chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi những quy định, chính sách không còn phù hợp; tăng cường đối thoại và kịp thời xử lý những kiến nghị, phản ánh để tháo gỡ thực chất các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân.
Song song với đó, tỉnh cũng tích cực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, đơn giản hoá thành phần hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục thực hiện nghiêm quy định "5 tại chỗ" tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy còn nhiều thách thức trước mắt trong công cuộc CCHC nhằm thu hút đầu tư, nhưng những gì đã và đang làm được sẽ là động lực để quê hương 5 Tấn tiếp tục nâng cao chất lượng đơn giản hóa và công nghệ hóa thủ tục hành chính, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn sắp tới.