CĐS nông nghiệp, nông thôn cần hướng đến nền nông nghiệp đa giá trị
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:25, 04/11/2021
Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Để các đơn vị thực hiện tốt hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu này, mới đây Bộ TT&TT đã phối hợp cùng tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn trực tuyến trao đổi tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, diễn đàn đã góp phần bổ sung thêm góc nhìn thực tế về tầm quan trọng của việc sử dụng các công nghệ số tiên tiến, mạng lưới bưu chính, viễn thông… Đây chính là các công cụ số giải bài toán tăng trưởng cho ngành nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, nâng cao giá trị của các nông sản Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước.
CĐS giúp nông nghiệp phát triển lên tầm cao không gian số hóa
Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT, khẳng định thêm Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT chính là một văn bản quan trọng nhằm giúp các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT hướng đến nền kinh tế số nông nghiệp cho các địa phương.
Sau khi Quyết định trên được ban hành, Tổ công tác triển khai Quyết định được thành lập, tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Tổng công ty CP Bưu chính Viettel triển khai cụ thể nhiều hoạt động tích cực như tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp… tham gia vào giao thương, bán nông sản trên hai sàn TMĐT PostMart.vn và Voso.vn do hai doanh nghiệp này quản lý.
"Đây là 02 STMĐT mang thương hiệu Việt Nam có mạng lưới phổ quát rộng khắp và đáp ứng mạng lưới dịch vụ cung cấp, vận chuyển (logistics) hiện đại", bà Thanh khẳng định.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Bưu chính, thời gian qua, Bộ TT&TT luôn tích cực, quyết tâm đồng hành cùng các đơn vị trên khắp cả nước để hỗ trợ bà con nông dân, tổ chức, DN phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua TMĐT.
Nhận định về các lợi thế tiềm năng của TMĐT đối với nông nghiệp, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay việc CĐS nông thôn đã thực sự tạo ra những kết quả đáng mừng rõ rệt.
Cụ thể về điều này, ông Kiên chia sẻ ở nông thôn giờ đây các phong trào, chủ trương xây nông thôn mới đã được chú trọng, làm thường xuyên, thực chất. Đáng mừng trong các phong trào đó, các công nghệ số, ứng dụng Internet đã ngày một tăng cường, thu hút đông đảo người dân sử dụng, tạo bộ mặt nông thôn mới lên tầm cao "không gian mới", "không gian số".
"Không gian số đã giúp cho người nông dân, tổ chức DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tăng cương khả năng, quy trình, hiệu quả sản xuất", ông Kiên đánh giá.
Cũng theo ông Kiên, kết quả đáng mừng hiện nay nhờ có CĐS nông nghiệp, bộ mặt nông thôn đã đạt trên 60% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và được đảm bảo có hạ tầng Internet, khả năng tiếp cận, kết nối thông tin ổn định.
Trên quan điểm nhằm tạo ra các giá trị bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai, viêc chúng ta cần là phải đảm bảo tăng cường hơn các: Khả năng kết nối; giá trị liên thông; đảm bảo hạ tầng viễn thông, an toàn an, ninh thông tin; nền tảng thương mại số, chuỗi thương mại số, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính số…
CĐS nông nghiệp, nông thôn cần hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, đa giá trị; đạt được trải nghiệm khách hàng xuất sắc; vận hành tối ưu các quy trình trụ cột (con người, ứng dụng công nghệ mới…); hướng đích dựa trên các mô hình kinh doanh thực tế, cụ thể để đạt kết quả tốt nhất.
Nói về vai trò quan trọng của mạng lưới bưu chính với việc phát triển, đa dạng hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, ông Kiên nhấn mạnh, bưu chính là một mạng lưới, điểm tựa vững chắc tạo nhiều cơ hội giúp ngành nông nghiệp phát triển, tạo dòng chảy vật chất, đưa sản phẩm nông sản phân phối rộng khắp đến tay người tiêu dùng.
Kinh tế số nông nghiệp cần tập trung thực hiện theo chuỗi ngành hàng
Khi nói về chủ trương của tỉnh Đồng Tháp trong việc CĐS để phát triển nông nghiệp, bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp cho biết, tỉnh luôn tập trung ưu tiên cho lĩnh vực này; mạnh dạn dịch chuyển mạnh mẽ chuyển mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số trong nền kinh tế.
"Nhờ thông qua 02 sàn TMĐT PostMart.vn và Voso.vn đã dần hình thành nền kinh tế số nông nghiệp, nông thôn cho tỉnh", bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thủy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc sử dụng sàn TMĐT hỗ trợ người dân, DN phát triển, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số, giao dịch trên các thiết bị thông minh cho bà con nông dân; hỗ trợ DN kinh doanh, sản xuất thông qua các chính sách, cơ chế mở…
"Việc CĐS cho người nông dân chính là đào tạo cho họ các kỹ năng số, kỹ năng tham gia TMĐT, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng", bà Thủy nhấn mạnh.
Trên quan điểm khác, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng muốn phát huy thế mạnh tiềm năng nông nghiệp của tỉnh, tạo kinh tế số nông nghiệp, điều cần là phải có những tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng và giá phải phù hợp với từng thời điểm của thị trường.
Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN chế biến, hợp tác xã sản xuất các mặt hàng nông sản được ứng dụng các công nghệ số tiên tiến, hiện đại. Đây là bước chuyển dịch thay thế cách làm truyền thống trước đây, tất cả vì mục tiêu tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp, có khả năng cạnh tranh thị trường.
Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các hộ sản xuất, DN tiếp cận các ứng dụng mới, ứng dụng năng lượng sạch, tái tạo có lợi, đảm bảo, bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới để đảm bảo đầu ra các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả trên sàn TMĐT sẽ được chú trọng, tập trung thực hiện theo chuỗi ngành hàng.
"Đặc biệt, trên sàn TMĐT sẽ có giới thiệu các DN cung ứng dịch vụ; chia 03 nhóm đối tượng cần được ưu tiên quan tâm như: nhóm cơ sở (các đối tượng chưa từng sử dụng sàn TMĐT); đã sử dụng úng dụng nhưng hiệu quả chưa cao; đã ứng dụng, có doanh thu nhưng phải nâng cao hơn nữa vương thị trường xuất khẩu. …", bà Thủy cho biết.
CĐS nông nghiệp cần tăng cường các dữ liệu số
Đồng tình các quan điểm của các đại biểu nêu trên, ông Võ Trường Phi, Phó Giám đốc Bưu điện Đồng Tháp bổ sung thêm, muốn phát triển bền vững nông nghiệp số cần dựa vào các ứng dụng công nghệ số. Đây là hướng đi đúng đắn đảm bảo tạo ra hiệu quả kinh tế cao, do đó, cần có các giải pháp về chính sách mang tính đột phá như: các sàn TMĐT cần trực tiếp triển khai hỗ trợ người nông dân CĐS thường xuyên; tăng cường cách kỹ năng để sử dụng các ứng dụng số, kiến thức TMĐT; tăng cường các dữ liệu số…
Thay vì người nông dân chỉ sử dụng phân bón để phát triển, tăng trưởng, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng thì giờ đây người nông dân cần phải sử dụng các dữ liệu số cơ bản, làm chủ đầu vào sản xuất, đầu ra sản phẩm. Đồng thời, chính những người nông dân phải tích cực chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình số thành công để nhân rộng các chuỗi giá trị số mới được tạo ra.
"Đặc biệt, người nông dân không chỉ bán nông sản, mà có thể bán sự trải nghiệm, kinh nghiệm của mình và đáp ứng được mọi nhu cầu cá thể hóa của các khách hàng, người dùng", ông Phi nhấn mạnh.
Trên quan điểm nói về các chính sách hỗ trợ nông dân, DN trong việc CĐS nông nghiệp, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, ngành chuyên môn sử dụng: Công nghệ blockchain truy suất nguồn gốc Sò đông lạnh (sản phẩm thương hiệu nổi tiếng của Đồng Tháp); hệ thống giám sát sâu rầy thông minh; camera trí tuệ nhân tạo để giám sát.
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường hiệu quả việc CĐS nông nghiệp, ông Thiện cho rằng tỉnh sẽ sớm xây dựng, hoàn thiện nền tảng dùng chung để giúp quy tụ, tập hợp các nguồn dữ liệu chuẩn, thống nhất.
"Làm tốt điều này chính là góp phần giúp các hộ dân, DN dễ tiếp cận, sử dụng, chia sẻ thông tin, điều này là động lực, chìa khóa giúp tăng năng suất, hiệu quả phát triển nông nghiệp, Giám đốc Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh.
Đặc biệt, để giữ uy tín sản phẩm trên sàn TMĐT cần đẩy ứng dụng các công nghệ số như: truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã vùng, tiêu chuẩn VietGap… "Nhất thiết các cơ quan quan lý nhà nước phải tăng cường xây dựng các quy trình quản lý số phù hợp cho từng loại nông sản của người nông dân", ông Thiện ý kiến .
Là đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính, ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Bưu chính Viettel Đồng Tháp chia sẻ, muốn tạo kinh tế nông nghiệp số cần có hạ tầng viễn thông tương ứng đảm bảo thông suốt, lưu thông các mặt hàng tươi sống đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Đối với các hạ tầng chuyển phát cần tăng cường các dịch vụ logistics, gia tăng điểm thu mua, chuyển phát, nhận hàng hóa tại nhiều điểm khu vực nông thôn (gần khu vực nuôi - trồng) thay vì tập trung tại các thành phố, khu đông dân cư.
"CĐS nông nghiệp không phải là một tư duy bỏ đi thói quen cũ, đây là điều cần thiết giúp người dân hình thành một thói quen mới, làm việc gắn liền với môi trường số, tạo ra các giá trị mới, kinh tế số hiệu quả, bền vững hơn", ông Lực nhấn mạnh./.