Những chiến lược quan trọng nhằm nâng tầm các MSME trong nền kinh tế Indonesia

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:09, 03/11/2021

Đại dịch COVID-19 với những ảnh hưởng nghiêm trọng đã và đang là động lực để các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Indonesia thực hiện số hóa, chuyển đổi cách thức vận hành.

Số hóa MSME: Một trong 3 chiến lược kinh tế lớn của Indonesia

Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố 3 chiến lược kinh tế lớn của nước này. Theo đó, 3 chiến lược kinh tế lớn của Indonesia bao gồm: Các ngành công nghiệp hạ nguồn, số hóa các MSME và phát triển nền kinh tế xanh.

Indonesia hiện có khoảng hơn 60 triệu MSME, chiếm 97,2% lực lượng lao động của đất nước nhưng chỉ đóng góp gần 60% trong số 1,2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế. So với các khu vực khác trong nền kinh tế của Indonesia, MSME đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và cần phải được hỗ trợ nhiều nhất nếu chính phủ nước này muốn phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả và nhanh chóng. Vì vậy, Indonesia xem các MSME là trung tâm trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu của nước này và thu hút rất nhiều lao động.

Chính phủ Indonesia mong muốn ngày càng có nhiều MSME tham gia vào lĩnh vực kinh doanh số và đặt mục tiêu tất cả các DN này sẽ tham gia các nền tảng kinh doanh số trong nước cũng như khu vực, trước khi tham gia các nền tảng toàn cầu.

Những chiến lược cần thiết giúp MSME phát triển

Sức khỏe của nền kinh tế Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của phân khúc MSME. Sự tồn tại và khả năng phục hồi của các MSME trong đại dịch là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững của Indonesia.

Để MSME hoạt động hiệu quả và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, họ cần thực hiện các cải cách trong ba lĩnh vực chiến lược, đó là: số hóa, tiếp cận tín dụng và hợp tác với các tập đoàn lớn hơn trong và ngoài Indonesia.

Nghiên cứu về sự chuyển đổi ASEAN của Ngân hàng UOB cho thấy 60% MSME ở Đông Nam Á coi số hóa là động lực chính cho sự chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn nhiều thử thách và khó khăn, đặc biệt là đối với Indonesia. Tỷ lệ số hóa đối với các MSME của quốc gia này chỉ đạt khoảng 13% vào năm 2019, và kết nối Internet vẫn là một vấn đề lớn. 

Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia, dưới 10% người dùng Internet Indonesia có kết nối với Wi-Fi tại nhà, văn phòng hoặc tại các không gian công cộng. Kết nối Internet tốc độ cao, giá cả phải chăng và đáng tin cậy là chìa khóa để các MSME chuyển đổi từ các mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh trực tuyến.

Mặt khác, nguồn vốn eo hẹp và hạn chế cũng là một thách thức đối với nhiều MSME. Vì vậy, để phát triển hoạt động kinh doanh, các MSME cần một nguồn hỗ trợ tài chính bền vững, bao gồm cả mức lãi suất và thời hạn chi trả. Bên cạnh đó, nhiều MSME có thể không có đầy đủ hồ sơ tài chính toàn diện nên cũng gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Tỷ lệ tín dụng của MSME trên GDP tại Indonesia hiện ở mức thấp khoảng 6% - 7%, trong khi tỷ lệ cho vay ngân hàng trên GDP của quốc gia này là 40%. Vì thế, người dân vay kinh doanh (KUR - People's Business Loans) là một trong những phương thức khả thi nhất để các MSME có được nguồn tài chính, mặc dù con số đó chỉ chiếm 2,5% tổng dư nợ cho vay ở Indonesia. Để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và hiệu quả tài chính, các MSME của Indonesia cần được đào tạo và hỗ trợ nhiều hơn trong các lĩnh vực như kế toán, báo cáo tài chính và hiểu biết về tài chính.

Không giống như các MSME tại các khu vực khác của Đông Nam Á, nhiều MSME ở Indonesia đang đối mặt với nguy cơ phá sản bởi các tập đoàn lớn hơn trong nước. Nghiên cứu từ Văn phòng lao động quốc tế cho thấy nhiều MSME không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng hoặc đối tác mục tiêu của họ đưa ra - vốn là các tập đoàn quy mô từ trung bình đến lớn.

Năng lực giao hàng và logistics cũng là một rào cản khác đối với các MSME trong việc hợp tác với các đối tác lớn hơn của họ. Một tỷ lệ rất lớn các đơn đặt hàng mà MSME nhận được là ngoại tuyến khiến họ không thể theo dõi quy trình, tiến độ cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin về đơn hàng. Mặt khác, nhiều hợp đồng được viết tay với thông tin liên lạc được thực hiện thông qua các kênh đặc biệt nhưng chưa được xác minh và không ràng buộc về mặt pháp lý như WhatsApp. Việc sử dụng không hợp thức và hiệu quả các nguồn lực làm gia tăng thêm áp lực và những căng thẳng về dòng tiền vốn mà các MSME này phải đối mặt.

Số hóa - bước khởi đầu để các MSME trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Số hóa, tiếp cận tín dụng và tiếp cận hệ sinh thái kinh doanh lớn hơn sẽ cho phép các MSME mở rộng quy mô kinh doanh và tăng cường tính cạnh tranh. Đầu tiên, các MSME với tư cách là người bán có thể áp dụng các tùy chọn thanh toán số để cho phép khách hàng của họ thực hiện thanh toán đơn giản và gần như ngay lập tức chỉ bằng cách sử dụng điện thoại di động của họ.

Mặt khác, thông qua UOB BizSmart, ngân hàng UOB đang hỗ trợ các MSME của Indonesia hưởng lợi từ các giải pháp số để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. UOB BizSmart, là một bộ tích hợp các giải pháp quản lý kinh doanh dựa trên đám mây, cho phép các MSME xử lý các quy trình hoạt động của họ một cách số hóa và hiệu quả hơn, giảm thời gian dành cho các công việc hành chính cũng như nhân lực của họ.

Những ảnh hưởng chưa từng có về kinh tế, kinh doanh và xã hội của dịch COVID-19 nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của công nghệ đối với rất nhiều DN trong khu vực nói chung và tại Indonesia nói riêng. Dù là đang điều chỉnh mô hình kinh doanh hay chuyển đổi toàn bộ việc kinh doanh, thông qua đổi mới, chuyển đổi số và sự linh hoạt hơn về tài chính, cùng với sự hỗ trợ rộng rãi từ khu vực công và tư nhân, các MSME của Indonesia sẽ có thể thích ứng với những thay đổi từ đại dịch, phát triển và đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế trong nước, đồng thời có thể thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài./.

Ngọc Diệp