Metaverse có thể cứu nguy 4 vấn đề của Facebook?
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:06, 03/11/2021
Zuckerberg đã vẽ một bức tranh về metaverse, một thế giới ảo sử dụng thực tế ảo và tăng cường (AR) và các cảm biến cơ thể tiên tiến hơn sau này, trong đó mọi người có thể chơi trò chơi ảo, tham dự các buổi hòa nhạc ảo, đi mua sắm ảo hàng hóa với hình đại diện ảo của nhau.
Gã khổng lồ công nghệ này, có khoảng 3 tỷ người dùng, đã đầu tư rất nhiều vào thực tế ảo và tăng cường, đồng thời đang xây dựng môi trường VR Horizon, được truy cập thông qua tai nghe Quest.
Công ty đã có hơn 10.000 người làm việc trong các dự án thực tế ảo và tăng cường - gần gấp đôi số người trong toàn bộ nhân viên của Twitter - và cho biết có kế hoạch tuyển dụng thêm 10.000 người nữa ở châu Âu.
Một sự chuyển hướng sang metaverse nếu mang lại thành công có thể giúp giải quyết ít nhất 4 vấn đề lớn, hóc búa mà Facebook phải đối mặt trong thế giới thực.
Mảng kinh doanh truyền thông xã hội cốt lõi của Facebook đang bị ảnh hưởng khi những người dùng trẻ tuổi đang từ bỏ các ứng dụng của Facebook để chuyển sang TikTok, Snapchat và các ứng dụng thú vị khác.
Vấn đề này chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài chính, nhưng doanh thu quảng cáo bắt đầu sụt giảm. Metaverse có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng của công ty, nếu metaverse hấp dẫn những người trẻ đeo tai nghe Oculus của họ và đi chơi trong Horizon - ứng dụng VR xã hội của Facebook - thay vì xem video TikTok.
Một vấn đề khác mà chiến lược metaverse có thể giải quyết là rủi ro của nền tảng. Trong nhiều năm, Zuckerberg đã không hài lòng khi các ứng dụng di động của Facebook chạy trên iOS và Android. Thành công của các ứng dụng phụ thuộc rất nhiều vào Apple và Google. Và nếu điện thoại thông minh vẫn là phương thức thống trị giúp mọi người tương tác trực tuyến, Facebook sẽ không bao giờ thực sự kiểm soát được vận mệnh của chính mình. Một chiến lược metaverse có thể đưa Facebook thoát khỏi sự cái bóng của Apple và Google.
Vấn đề thứ ba là rủi ro về các quy định pháp lý. Facebook chưa thể cáo chung nhưng các cơ quan quản lý luôn làm lớn về việc hạn chế sự phát triển của Facebook khiến việc đặt cược trong một số lĩnh vực, như VR và AR sẽ sớm bị quản lý.
Tất nhiên, vấn đề thứ tư là thiệt hại về danh tiếng của Facebook do hậu quả từ nhiều sai lầm và bê bối trong những năm qua. Xây dựng metaverse không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số này trong một sớm một chiều. Thực tế, nó có thể sẽ không giải quyết được chúng chút nào, thậm chí lại làm dậy sóng các hình thức giám sát mới. Bất chấp điều đó, đây không phải là một trò đóng thế phù phiếm đối với Zuckerberg.
Với metaverse, Zuckerberg đã tìm thấy đâu đó một lối thoát - một cách để đẩy mình khỏi lộn xộn, rắc rối hiện tại của Facebook và đột phá trên một biên giới mới.
Những ai đang xây dựng metaverse?
Metaverse là ý tưởng về một nền tảng ảo được chia sẻ mà mọi người có thể truy cập thông qua các thiết bị khác nhau và nơi họ có thể di chuyển qua các môi trường số.
Trước khi CEO Facebook Mark Zuckerberg công bố metaverse với các robot khổng lồ và các chuyến du hành thời gian số đến thành Rome cổ đại, hàng chục công ty đã chế tạo phần mềm và phần cứng có thể được sử dụng cho tương lai đấu trường ảo (Ready Player One) này.
Khái niệm này, có thể còn hơn một thập kỷ nữa mới được hiện thực hóa hoàn toàn, sẽ có sự hợp tác giữa các gã khổng lồ công nghệ. Vào tháng 6/2021, công ty đầu tư Roundhill Investments đã tạo ra một quỹ giao dịch trao đổi (ETF) để theo dõi và kiếm lợi nhuận từ công việc của các công cụ hỗ trợ metaverse. Vài giờ trước khi Facebook công bố đổi thương hiệu, một công ty khác đã tung ra quỹ ETF metaverse của riêng mình.
Dưới đây là một vài tên tuổi tham gia cuộc đua:
Roblox
Nền tảng trò chơi điện tử Roblox, ra mắt công chúng vào năm nay, hình dung metaverse là nơi "mọi người có thể đến với nhau trong hàng triệu trải nghiệm 3D để học hỏi, làm việc, giải trí, sáng tạo và giao lưu".
Roblox đặt mục tiêu mang đến cho người dùng và nhà phát triển các cách thức để tạo ra thế giới kỹ thuật số. CEO của Roblox cũng đã nói về việc mua sắm trong tương lai và tiến hành kinh doanh trên nền tảng có nền kinh tế ảo của riêng của mình được hỗ trợ bởi đồng tiền Robux của chính công ty này.
Microsoft
CEO Microsoft Satya Nadella cho biết công ty đang làm việc để xây dựng một "metaverse doanh nghiệp" (enterprise metaverse) khi thế giới số và vật lý hội tụ trong các dịch vụ của công ty.
Microsoft, công ty sở hữu Xbox và trò chơi xây dựng thế giới Minecraft, cũng là một công ty quan trọng trong thế giới game. Ông chủ Xbox, Phil Spencer, đã nói về việc lập kế hoạch cho "một cấu trúc siêu thực tế hoặc hỗn hợp" (a metaverse or mixed-reality construct).
Nvidia
Nhà sản xuất chip máy tính Nvidia đã xây dựng nền tảng Omniverse để kết nối thế giới 3D vào một vũ trụ ảo được chia sẻ. Nvidia cho biết Omniverse, được sử dụng cho các dự án như tạo mô phỏng các tòa nhà và nhà máy trong thế giới thực, là "hệ thống ống nước" mà các metaverse có thể được xây dựng.
Unity
Unity Software Inc, công ty phát triển phần mềm để thiết kế trò chơi điện tử, cũng là một công ty bán các công cụ hoặc công nghệ được sử dụng để xây dựng metaverse.
Snap
Snapchat từ lâu đã xây dựng các hình đại diện tùy chỉnh và bộ lọc thực tế tăng cường để phủ lên các tính năng kỹ thuật số trong thế giới thực. Năm nay, hãng đã tiết lộ chiếc kính thực tế tăng cường thực sự đầu tiên, dành cho các nhà phát triển thử nghiệm với việc tạo ra trải nghiệm cho chiếc kính này.
Autodesk
Công ty phần mềm đám mây Autodesk tạo ra các chương trình được các kiến trúc sư và kỹ sư sử dụng để thiết kế và tạo ra các tòa nhà và sản phẩm. Phần mềm của công ty cũng được sử dụng để xây dựng thế giới ảo để chơi game và giải trí.
Tencent
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent là công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và có cổ phần trong các studio trò chơi lớn như Epic Games và Activision Blizzard. Tờ South China Morning Post đã đưa tin trong năm nay rằng Tencent đã đăng ký nhiều nhãn hiệu liên quan đến metaverse cho trang xã hội QQ của mình.
Epic Games
Epic là công ty đứng sau hiện tượng trò chơi điện tử Fortnite, đã vượt ra ngoài trò chơi bắn súng chính của mình sang các trải nghiệm xã hội như tiệc khiêu vũ và buổi hòa nhạc ảo. Người dùng trả tiền để khoác lên các hình đại diện (avatar) của họ các trang phục khác nhau và có thể xây dựng các hòn đảo và trò chơi của riêng họ.
Epic cũng sở hữu một công cụ chơi game lớn là Unreal, được sử dụng để phát triển trò chơi và các hiệu ứng hình ảnh khác như các phông nền chương trình truyền hình.
CEO Epic, Tim Sweeney, một nhà phê bình lớn đối với các nền tảng lớn như Apple và Alphabet của Google, đã lập luận rằng metaverse sẽ cần phải là một không gian chung, có sự tham gia của mọi người.
Amazon
Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới và có nhiều dịch vụ truyền thông, cũng được coi là một người chơi tiềm năng trong metaverse./.