Kinh tế truyền thông: Đổi mới sáng tạo sẽ mang đến nguồn thu
Truyền thông - Ngày đăng : 18:15, 02/11/2021
Tuy nhiên, làm thế nào để đẩy mạnh phát triển kinh tế truyền thông trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội, đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới... là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Điều này cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi báo chí, truyền thông phải không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng những mô hình truyền thông mới, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Đây là một trong những nội dung đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế truyền thông: Lý luận thực tiễn và kinh nghiệm” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức.
Theo các nhà nghiên cứu, truyền thông (cùng với CNTT) là công cụ quan trọng hàng đầu hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ứng dụng rộng rãi truyền thông - CNTT là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và tăng năng suất, hiệu suất lao động. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta coi công nghiệp truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn, được Nhà nước ưu tiên, quan tâm hỗ trợ và khuyến khích phát triển. Phát triển công nghiệp truyền thông, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực cùng phát triển, tăng cường năng lực công nghệ quốc gia trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát triển kinh tế truyền thông là cơ hội giúp cho các cơ quan truyền thông có thêm nguồn thu, từ đó tăng thu nhập cho người làm truyền thông; giúp đơn vị có điều kiện đầu tư mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, tác nghiệp; mở mang thêm nguồn thông tin, tư liệu, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm truyền thông.
Đổi mới, sáng tạo để xây dựng những mô hình truyền thông mới
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội, đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới, sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các cơ quan truyền thông truyền thống. Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải không ngừng nỗ lực xây dựng những mô hình truyền thông mới.
Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh: Kinh tế truyền thông đang là nỗi trăn trở của không chỉ báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài. Đã có rất nhiều nghiên cứu xung quanh vấn đề này nhưng không nên đưa những mô hình của nước ngoài làm tiêu chuẩn, dù rất hay nhưng có thể không phù hợp. Hiện nay, những cơ quan báo chí chính thống trên thế giới đều thu phí. Nhưng đây là mô hình không dễ làm, nếu quá chú trọng vào kinh phí, sẽ lãng quên các việc khác quan trọng hơn.
"Làm nội dung bán được cho người dùng là mục tiêu cao nhất của báo chí. Làm sao để người ta bỏ tiền ra mua thì mới thực sự là tờ báo có nội dung giá trị. Đơn cử như mô hình thu phí của New York Times là một mô hình vô cùng đặc thù, không ai có thể học được, kể cả báo chí nước ngoài. Hay những mô hình thành công khác đều có các cách thức khác nhau... Nếu các báo không có cái nhìn đúng đắn mà chạy theo thì chắc chắn sẽ thất bại” - nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: Dù nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đổi mới sáng tạo... nhưng điều lo ngại nhất là hầu hết các cơ quan báo chí rất chủ quan, chưa có chiến lược thực sự dài hạn để đối phó với khó khăn.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tờ báo cũng như tăng nguồn thu. Các cơ quan báo chí không nghĩ ra được sản phẩm mới sẽ khó để phát triển. Tư duy sản phẩm là cứu rỗi báo chí, tức là hãy nghĩ ra những sản phẩm mới liên tục, không thể chỉ loanh quanh với sản phẩm cũ. Khái niệm “Product Thinking” (tư duy sản phẩm) là khái niệm rất chủ đạo trong nền báo chí thế giới, đòi hỏi các tòa soạn và lãnh đạo các tòa soạn phải có tư duy sản phẩm.
Đặc biệt, để tạo ra được những sản phẩm tốt đòi hỏi phải có sự đổi mới sáng tạo. Mới đây, ngày 1/10, Báo Nhân Dân bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hằng ngày trên các nền tảng podcast với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới đông đảo thính giả trong nước và nước ngoài, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo Đảng lớn nhất của đất nước cho công chúng. Báo Nhân Dân có số lượng phát hành khá lớn, nhưng với 130 - 150 nghìn bản một ngày chưa thể tiếp cận được toàn bộ độc giả, khán thính giả trong nước. Vì vậy, làm sao để đưa được chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo nhân dân là điều được quan tâm và cũng là một trong những lý do để tờ báo tiếp tục đổi mới.
Theo báo cáo mới nhất, mong muốn về đổi mới sáng tạo là mối quan tâm lớn nhất của tất cả các tòa soạn trên thế giới chứ không phải nguồn thu. “Khi chúng ta đổi mới sáng tạo thì nội dung sẽ thay đổi, chất lượng tăng lên, từ đó nguồn thu sẽ đến... Dịch bệnh COVID-19 với sự tàn phá khủng khiếp nhưng cũng thúc đẩy chúng ta phải tiến hành những điều mà trước đây chưa từng làm hoặc làm còn chậm. Ví dụ như câu chuyện chuyển đổi số. Nếu có tư duy sáng tạo như vậy, chắc chắn về mặt sản xuất nội dung cũng như kinh tế truyền thông sẽ khởi sắc hơn”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, người dùng ở đâu thì thông tin và giá trị nội dung truyền thông phải ở đó. Chúng ta phải bắt đầu từ việc thừa nhận một thực tế khách quan, đó là hành vi của người dùng trong kỷ nguyên số đã thay đổi. Tức là hiện nay, hành vi người dùng với tư cách là người tiêu dùng sản phẩm thông tin hoàn toàn thay đổi. Không còn câu chuyện chúng ta làm ra sản phẩm rồi để người tiêu dùng không biết tiếp cận như thế nào.
Chúng ta vẫn hay nghĩ nội dung là quan trọng mà quên mất hạ tầng phân phối với những thuật toán và công nghệ hiện đại điều hướng được sự quan tâm của người đọc, người nghe, vì thế nó quan trọng không kém gì nội dung. Sử dụng công nghệ, truyền thông có khả năng tạo doanh thu, có mô hình kinh doanh, có tệp khách hàng, có dữ liệu người dùng với nhiều hành vi.
“Chúng ta vẫn nói về khó khăn, nhưng hơn lúc nào hết không gian sáng tạo của báo chí Việt Nam vẫn còn. Việc Báo Nhân Dân ra mắt bản tin thời sự hằng ngày trên các kênh podcast, là cách tiếp cận công dân trong kỷ nguyên số, để thay đổi cách tiếp cận của công chúng của báo Đảng. Như vậy không gian sáng tạo của báo chí chưa bao giờ rộng như bây giờ và chi phí thấp như bây giờ”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
CĐS trong mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệplà điều kiện bắt buộc
Với tham luận “Phát triển kinh tế truyền thông ở cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia hiện nay”, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Bối cảnh CĐS quốc gia, chủ trương đẩy mạnh các điều kiện cần và đủ để phát triển nền kinh tế số tạo ra cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế truyền thông ở Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện được sứ mệnh của mình, báo chí vừa có cơ hội lớn cho sự chuyển đổi và phát triển, đồng thời cũng đứng trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Sự tích hợp và giao thoa giữa các thành tựu công nghệ số như Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big-data) đang tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc, một xã hội thông tin trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi cả về phương thức sản xuất dẫn đến yêu cầu mới về lực lượng sản xuất trên toàn xã hội.
Để phát triển kinh tế truyền thông tương thích với Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, CĐS trong mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc. Để giữ vai trò nòng cốt và tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cần có những chuyển biến căn bản từ sáng tạo nội dung, mô hình tòa soạn, phát triển nguồn nhân lực đến tầm nhìn, tính chiến lược, tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý.
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết: Các yếu tố có tính điều kiện cho CĐS của các cơ quan báo chí bao gồm: (1) Nền tảng tư duy của các cơ quan chủ quản, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí về hệ sinh thái báo chí truyền thông phù hợp với nền kinh tế số và xã hội số; (2) Điều kiện về công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Chiến lược và năng lực chuyển đổi nền tài chính từ vốn (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital); (4) Chiến lược và năng lực chuyển đổi mô hình và phương thức tổ chức của cơ quan báo chí và các tổ chức, doanh nghiệp truyền thông.
Thực chất CĐS của cơ quan báo chí là thực hiện các bước, các khâu cho việc chuyển đổi từ mô hình báo chí đơn loại hình, sang đa loại hình, và đích cuối cùng là báo chí xuyên loại hình, đa nền tảng, đa phương tiện và báo chí dữ liệu. CĐS không đơn thuần chỉ là chuyển đổi về nền tảng công nghệ, mà hơn thế là chuyển đổi toàn bộ tư duy chiến lược, mô hình tổ chức tòa soạn, phương thức tổ chức, thực hiện và quản lý nội dung, quản trị tòa soạn, quản trị kinh doanh trong một thị trường truyền thông toàn cầu, với mối quan hệ cạnh tranh mạnh mẽ.
CĐS và xu thế phát triển kinh tế số trong lĩnh vực báo chí truyền thông, xét đến cùng là phát triển song song cả sản xuất, kinh doanh hàng hóa ngành công nghiệp nội dung số (với 4 dòng sản phẩm báo chí truyền thông đa nền tảng - Mô hình 1 và ngành công nghệ thông tin - truyền thông).
CĐS là xu thế tất yếu để đẩy mạnh phát triển kinh tế truyền thông
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang cho biết: CĐS đang là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, các nền kinh tế và tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó báo chí truyền thông cũng không là ngoại lệ. Quá trình CĐS đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải xây dựng được tòa soạn hội tụ làm trung tâm, có sự thống nhất giữa các bộ phận: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử đối với các cơ quan truyền thông có đủ 4 loại hình như Đài Tiếng nói Việt Nam. Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ.
Thực hiện việc CĐS sẽ tối ưu hóa các công đoạn sản xuất tin bài, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, thông tin nhanh nhạy hơn, hấp dẫn hơn và đặc biệt tòa soạn có thể biết được công chúng muốn nghe gì, xem gì để đáp ứng, từ đó sẽ thu hút nhiều công chúng, nâng cao uy tín, vị thế của cơ quan truyền thông (CQTT), tăng nguồn thu và khả năng tích lũy. Khi CQTT đã xây dựng được một hình ảnh, uy tín, vị thế trong lòng công chúng thì ngoài việc thu quảng cáo, các CQTT còn có thể thu phí người nghe/xem với các chương trình theo yêu cầu.
Khi có nguồn thu sẽ quay trở lại đầu tư, mở rộng, nâng cấp thiết bị, công nghệ và nâng cao được đời sống của người lao động, tiến tới việc giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Cũng vì thế mà người lao động ở mỗi lĩnh vực có cơ hội phát huy năng lực của mình để các chương trình ngày càng hấp dẫn hơn với tất cả các phân khúc công chúng, đưa thương hiệu của CQTT ngày càng cao hơn với đồng bào ở mọi vùng miền trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải Quang: Nhờ việc CĐS mà các công cụ và phương tiện truyền thông hiện đại được kết nối với nhau, tạo nên sự bùng nổ của hàng loạt các ứng dụng thông tin - giải trí dưới dạng đa phương tiện trên OTT và mạng xã hội, tạo ra những nhu cầu và thói quen mới trong cách tiếp nhận thông tin của công chúng. Khác với công chúng trước đây chỉ được tiếp nhận thông tin một chiều, hiện nay họ có quyền lựa chọn những gì họ cần nghe/xem, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, có thể tương tác và lên sóng cùng với “nhà đài”.
“Trên môi trường trực tuyến hiện nay, có hàng loạt những mâm cỗ thông tin đầy ắp hấp dẫn mời chào, công chúng chỉ có vài giây để quyết định lựa chọn món ăn nào cho mình, đây cũng là điều khó khăn với các nhà báo trong giai đoạn hiện nay. Trong dòng chảy cuồn cuộn của thông tin số, các sản phẩm báo chí muốn được công chúng đón nhận phải đa dạng và hấp dẫn, chứa đựng hàm lượng thông tin cao nhưng lại phải nhanh và đúng định hướng, đáp ứng nhiều phân khúc công chúng trong xã hội”.
Muốn đạt được điều đó, Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải Quang cho rằng, công nghệ và sự kết nối số đóng vai trò quyết định, trong đó công nghệ số hiện nay đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của các CQTT.
Khi thực hiện việc CĐS, chúng ta còn có điều kiện để phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số, thương mại điện tử, bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả luôn thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin. Ngoài ra nhờ CĐS, những CQTT có uy tín, vị thế còn có thể thu phí người nghe/xem với các chương trình theo yêu cầu và thu từ nhiều dịch vụ khác ngoài việc thu quảng cáo như hiện nay.
Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải Quang chia sẻ, Đài Tiếng nói Việt Nam là CQTT thuộc Chính phủ, có đủ 4 loại hình: báo nói, báo hình, báo điện tử và báo in cũng đang trong quá trình thực hiện việc CĐS và xây dựng thành CQTT đa phương tiện với trung tâm là tòa soạn hội tụ. Mảng truyền hình đã được Đài Tiếng nói Việt Nam số hóa hoàn toàn từ khâu sản xuất đến phát sóng số trên vệ tinh, trên Cable, phát sóng số mặt đất DVB-T2 và các ứng dụng khác trên nền tảng Internet. Riêng khâu truyền dẫn phát sóng phát thanh đã phát sóng trên đa nền tảng như phát sóng mặt đất, phát sóng trên các ứng dụng Internet...
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, địa hình địa lý ở nhiều khu vực trong cả nước chia cắt phức tạp, mặt bằng dân trí chưa đồng đều nên việc phát sóng mặt đất vẫn chiếm vai trò chủ đạo, đặc biệt là với nhóm công chúng tham gia giao thông, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng những trạm phát sóng phát thanh công suất lớn hướng ra Biển Đông để phục vụ số đông ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển và khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây cũng là lợi thế của loại hình phát thanh so với các loại hình truyền thông khác như truyền hình, báo mạng, thiết bị di động...
Ngoài ra, việc phát sóng mặt đất song song với phát sóng trên các nền tảng Internet sẽ bổ trợ cho những hạn chế của nhau. Ví dụ, trên nên tảng Internet thì luôn bị tin giả, tình trạng nghẽn mạng xảy ra, kể cả sắp tới mạng 5G sẽ có với tốc độ gấp 10 lần tốc độ 4G nhưng khi đó nhu cầu của công chúng lại tăng lên, thay vì những chương trình HD hiện nay họ sẽ đòi hỏi xem 4K, 8K thì dung lượng cũng tăng theo gấp nhiều lần, nên việc nghẽn mạng vẫn không thể không xảy ra. Còn tin giả chỉ có thể xảy ra trên các nền tảng Internet, khi đó công chúng vẫn có phát sóng mặt đất để kiểm chứng độ trung thực của thông tin.
Cũng nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dựng lại giọng đọc của những nghệ sĩ đã đi vào huyền thoại một thời như NSƯT Tuyết Mai, Kim Cúc, Việt Hùng, Trịnh Thị Ngọ, Hà Phương... để đọc tự động các chương trình “đọc truyện đêm khuya”, “đọc truyện dài kỳ”, đọc các bản tin… vừa dựng lại được ký ức của một thời với các thế hệ công chúng, vừa giảm bớt được biên chế trong lúc đang phải tinh giản như hiện nay.
Như vậy có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội và sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, với đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các cơ quan truyền thông truyền thống, nhất là đối với các nhà xuất bản, tòa soạn báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình, kể cả các tòa soạn báo mạng điện tử vốn được coi là loại hình báo chí mới, hội tụ đa phương tiện. Nhờ đó, các cơ quan báo chí truyền thông không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng những mô hình truyền thông mới, hiệu quả, tạo doanh thu cho đơn vị, đẩy mạnh kinh tế truyền thông phát triển, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)