Đa dạng hóa mô hình văn hóa đọc thời đại số
Truyền thông - Ngày đăng : 10:37, 02/11/2021
Có thể coi đây như là một tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc Việt Nam. Tháng 8/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025 nhằm hiện thực hóa chủ trương trên.
Đa dạng hóa mô hình văn hóa đọc trong thời đại 4.0
Những năm qua, phong trào đọc, văn hóa đọc ngày càng phát triển sâu rộng trong Nhân dân. Môi trường đọc ngày càng được cải thiện, giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả hơn. Việc phát triển, đa dạng hóa mô hình đọc sách đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Thư viện sách tư nhân, Thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Xe sách lưu động, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách (Thành phố Sách Phương Nam Book City)…, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy và “chấn hưng” văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Song hành với các mô hình văn hóa đọc đó, các cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; Chương trình “Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan tỏa tri thức” thường xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức đã thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên tham gia. Cuộc thi đã thể hiện trí tuệ, nỗ lực, sáng tạo, dành trọn tâm huyết và tình yêu với sách của học sinh, sinh viên và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Thông qua các hoạt động ý nghĩa trên, ban tổ chức đã huy động được và trao tặng hơn 5.000 cuốn sách; hàng ngàn khẩu trang, sinh phẩm, vật tư y tế cho các y sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và những người đang ở khu cách ly do COVID-19.
Đặc biệt, việc huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng gần đây có nhiều tín hiệu tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Đơn cử như: Dự án Xe ô tô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ, từ năm 2016 đến nay, dự án đã trao tặng 44 xe, mỗi xe có 4.500 cuốn sách, 6-10 máy tính, cùng máy chiếu phim, tài liệu, sách điện tử, sách nói… và thực hiện hàng nghìn chuyến luân chuyển sách phục vụ lưu động tới hơn hơn 6 triệu lượt người trên phạm vi cả nước. Đây là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn; vùng sâu, vùng xa; người khuyết tật không có cơ hội đến thư viện được tiếp cận với sách báo, với tri thức.
Hay Chương trình “Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt”, “Hành trình Ánh sáng mùa xuân”, “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện - Ánh sáng tri thức”... do Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Quỹ Thiện Tâm thực hiện trong mấy năm vừa qua nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, tạo ra không khí vui tươi, sôi nổi đã thu hút đông đảo người dân, nhất là thanh thiếu niên tại các địa phương và có sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, cá nhân. Các thư viện công cộng triển khai Chương trình “Cùng em đọc sách”.
Hơn 50.000 cuốn sách đã được các tổ chức, cá nhân tặng cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng. Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Quỹ Bắc Cầu, Mọt sách Mogu, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay… mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em và mọi tầng lớp Nhân dân.
Dân tộc Việt Nam muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Do vậy các cấp, các ngành cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, việc học và tích lũy những kiến thức bổ ích, làm giàu thêm cho đời sống văn hóa, tinh thần của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, ngày 18/4/2019.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) cũng đồng hành trong nhiều chương trình, hỗ trợ hàng trăm nghìn bản sách cho các thư viện và cộng đồng trong những năm qua. Cuối năm 2020, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Bộ TT&TT) phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức lễ công bố và ký kết chương trình phối hợp triển khai kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020-2030 theo hướng xã hội hóa. Chương trình hợp tác nêu trên nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người và triển khai nhiệm vụ tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Giai đoạn đầu, từ 2020-2025, chương trình dự kiến xuất bản 30 đầu sách giá trị, cung cấp đến 13.000 Điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX), trong đó năm 2020, năm thí điểm, sẽ giao cho Nhà xuất bàn TT&TT xuất bản 06 đầu sách đưa đến 4.000 Điểm BĐ-VHX, đồng thời xây dựng và phát triển mô hình cà phê sách của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên tại các điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình phối hợp với mục tiêu xây dựng và duy trì thói quen đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân.
Chương trình phấn đấu 80% số lượng khách hàng đến các điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được tiếp cận thông tin, tri thức tại hệ thống tủ sách; 50% thư viện, tủ sách dòng họ, xã, phường... có trên các địa bàn tham gia liên kết với hệ thống sách bưu điện. Việc làm này đánh dấu phương thức mới nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản, huy động nguồn lực xã hội vào phát triển văn hóa đọc, đồng thời lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, để cùng chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian gần đây, mô hình “Thành phố Sách - mô hình văn hóa đọc trong thời đại 4.0” do Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (Phương Nam Book City) đang tập trung phát triển mạnh mẽ tại 5 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Mô hình này không đơn thuần là nơi bán sách và văn hóa phẩm, mà là nơi để nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau trải nghiệm một không gian văn hóa đa chiều, đa tiện ích. Hiện có nhiều người trẻ đam mê văn hóa gọi là nhà, với nhiều tình cảm chung dành cho sách, cho tri thức và cả cho một không gian văn hóa mà bất kì người Việt Nam nào cũng thấy mình thuộc về. Book City vừa là “nhà” nơi bạn đọc có thể nghỉ ngơi trong không gian ấm cúng, thoải mái những khu ghế ngồi tiện nghi, vừa là thư viện với hàng triệu bản sách trong và ngoài nước, vừa là thiên đường văn phòng phẩm, vừa là quán cà phê để dừng chân nghỉ lại, trò chuyện với bạn bè, vừa học thật nhiều trong những buổi giao lưu với tác giả, workshop chuyên đề.
Ngoài ra, Phương Nam Book City còn tham gia mạnh mẽ vào tiến trình chuyển đổi số với website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com nhằm xóa mờ ranh giới online, offline, tạo nên trải nghiệm liền mạch và xuyên suốt và phục vụ khách hàng liên tục 24/7.
Bên cạnh đó là ứng dụng chăm sóc khách hàng KOMO+, ứng dụng này không chỉ giúp khách hàng tích điểm, được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời mà còn để khách hàng đọc ebook mọi lúc mọi nơi. Đó còn là ứng dụng sách nói audio book chúng tôi đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay nhằm lan tỏa văn hóa đọc, để người Việt đọc nhiều, đọc nhiều hơn nữa, thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương
Để hiện thực hóa chủ trương trên, ngày 11/8 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của kế hoạch này là xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thuộc lĩnh vực xuất bản trong giai đoạn 2021–2025; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Đề án, đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đã được xây dựng trong Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng xã hội hóa của Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nhưng công nghệ ngày nay lại thay đổi nhanh và liên tục, gần như là từng ngày. Một cá nhân, hay một dân tộc, muốn tồn tại, thích ứng và phát triển thì chỉ còn cách duy nhất là liên tục học và học cả đời, liên tục đọc và đọc cả đời”.
“Trong vòng 5 năm tới, chúng phải làm rất nhiều việc nữa. Số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế chính sách mới phải được ban hành để chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách sẽ được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách Quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội, với giải thưởng lớn hơn. Hợp tác quốc tế về sách rộng rãi hơn”.
(Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, ngày 18/4/2019).
Kế hoạch cũng yêu cầu xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người; bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ của “Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thuộc lĩnh vực xuất bản trong giai đoạn 2021 – 2025”. Mặt khác, kế thừa những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án của giai đoạn 2017 - 2020, bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội; gắn việc phát triển văn hóa đọc với việc triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở xuất bản, in, phát hành; chiến lược phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực xuất bản có liên quan và gắn với việc đẩy mạnh chuyển đổi số.
Theo tinh thần của Kế hoạch trên, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT phải quán triệt việc xây dựng văn hóa đọc trong công chức, viên chức, người lao động ở đơn vị gắn với nhiệm vụ chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị tham gia, hưởng ứng các hoạt động do Bộ TT&TT tổ chức có liên quan đến phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thực tiễn qua 7 năm triển khai Quyết định số 284/ QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam (nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam), các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và đông đảo những người có tấm lòng yêu sách, đã tham gia hưởng ứng tích cực, để văn hóa đọc được khôi phục và phát triển, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Hiện không chỉ những nơi có điều kiện về kinh tế thì phong trào đọc sách mới phát triển; mà phong trào đã đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; vùng nông thôn...
Theo thống kê (năm 2020) của Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL): Hệ thống thư viện công cộng là 45 triệu bản sách, đạt mức bình quân 0,45 bản sách trong thư viện công cộng/người dân. Thư viện trường học (của 37 tỉnh/thành phố có báo cáo) là 103 triệu bản sách. Thư viện chuyên ngành (của 07 Bộ) có hơn 1,4 triệu bản sách.
Nguồn nhân lực trong ngành thư viện đạt trung bình 23 nhân viên/thư viện cấp tỉnh; 1,5 nhân viên/thư viện cấp huyện.
Mặt khác, các Bộ, ngành, và địa phương đã đưa vào kế hoạch công tác hàng năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để phong trào đọc sách lan tỏa trong xã hội, trong giới trẻ, trước hết từ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước...
Đặc biệt, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường xuyên, sâu rộng trong toàn hệ thống. Hội Xuất bản, Hội Thư viện Việt Nam tăng cường công tác chỉ đạo các tổ chức hội thành viên hưởng ứng tích cực Ngày Sách Việt Nam với những hoạt động thiết thực. Đồng thời lồng ghép việc phát triển văn hóa đọc vào tất cả các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học, khuyến công, khuyến nông. Tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người biết đến sách, tôn vinh các tác giả, các nhà khoa học, chuyên gia, văn nghệ sĩ; những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà… Đẩy mạnh việc tuyên truyền về sách, về văn hóa đọc nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội; tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chủ động, tham gia các hội chợ sách quốc tế; trao đổi mua bán bản quyền với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách có uy tín trên thế giới.
Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, được sự chung tay đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương (hiện tất cả UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch thực hiện triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong phạm vi quản lý), nguồn kinh phí để triển khai công tác phát triển văn hóa đọc đã được bố trí, phân bổ. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động này. Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong quá trình triển khai Đề án là công tác xã hội hóa đã được đẩy mạnh và thu hút nguồn lực tài chính từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: Dự án Xe ô tô thư viện lưu động cho 4 tỉnh thành được tài trợ bởi Tập đoàn Vingroup; các dự án trao tặng hàng nghìn cuốn sách của Tập đoàn Trung Nguyên; Công ty First News; tổ chức GNI Hàn Quốc; các nhà sách; các nhà xuất bản: Giáo dục, Giao thông, Phụ nữ...
Nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng thiết thực, hiệu quả, Bộ TT&TT đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp,... huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng... Nhờ đó, nhiều hoạt động khuyến đọc đã có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa ngành thư viện với ngành giáo dục và xuất bản. Các sách, tài liệu dành cho thiếu nhi, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật đã được các thư viện quan tâm hơn.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ “chấn hưng” văn hóa đọc trong giai đoạn mới, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập. Quảng bá phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; trên hệ thống thông tin cơ sở; huy động nguồn lực xã hội hóa; vận động tổ chức, cá nhân có liên quan tài trợ, đóng góp cho hoạt động phát triển văn hóa đọc; xây dựng tủ sách, phát triển văn hóa đọc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng..., là những bước đi trọng tâm trong thời gian tới./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)