Giải pháp nào để triển khai lớp học đảo ngược?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 20:02, 01/11/2021
Lớp học đảo ngược là gì?
Lớp học đảo ngược (Flipped classroom) là một mô hình dạy học mới ra đời khoảng trong khoảng 10 – 15 năm nay ở Mỹ, được áp dụng rộng rãi trong nhiều trường học, từ tiểu học, trung học đến đại học, đã đảo ngược cách tổ chức dạy học theo lớp học truyền thống.
Trong mô hình dạy học này, GV có nhiều cơ hội trong quan sát, tiếp xúc để hướng dẫn, đánh giá từng HS, tạo không gian để HS năng động hơn trong việc thu nhận kiến thức, hợp tác bạn bè và đánh giá được kết quả học tập của bản thân, nâng cao năng lực tự học, tự đánh giá. Cơ sở khoa học của lớp học đảo ngược là dựa trên 6 bậc thang đo nhận thức của Bloom, từ thấp đến cao, gồm ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá.
Trong lớp học truyền thống, thời gian bị giới hạn, GV chỉ hướng dẫn HS nội dung bài học để đạt đước 3 mức độ đầu là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt đến các mức độ nhận thức cao hơn, HS phải nỗ lực tự học tập và nghiên cứu ở nhà. Đây chính là trở ngại lớn với đa số HS.
Mô hình mới đã “đảo ngược” mô hình truyền thống, cụ thể ba mức độ đầu được HS thực hiện ở nhà, nhờ những video hướng dẫn, bài giảng ngắn của GV, bài giảng trong kho tư liệu của trường hoặc trên mạng Internet. Còn thời gian ở lớp, GV và HS sẽ cùng làm việc nhằm đạt được ba bậc cao hơn là phân tích, tổng hợp và đánh giá.
Ưu điểm của lớp học đảo ngược
Thứ nhất, là môi trường học tập linh hoạt, cho phép HS lựa chọn cách thức, nơi chốn, thời gian học tập phù hợp với điều kiện của cá nhân, GV linh hoạt hơn trong đánh giá việc học tập của HS.
Thứ hai, mô hình này tạo phong cách học tập mới cho HS. Trong lớp học truyền thống, GV là trung tâm thông tin. Nếu HS có thảo luận đều xoay quanh những ý kiến chủ đạo, dẫn dắt của GV. Ở mô hình lớp học đảo ngược, buộc phải lấy HS làm trung tâm. Thời gian ở lớp dành cho thảo luận các kiến thức sâu hơn, tạo cơ hội học tập phong phú, kết nối, ứng dụng, phản biện và có ý nghĩa đối với HS.
Thứ ba, lớp học đảo ngược cung cấp nội dung học tập một cách có định hướng, qua đó sẽ tối ưu hóa thời gian ở lớp. GV xác định rõ nội dung và mục đích bài học cho HS, còn HS chủ động tìm kiếm, khám phá, lĩnh hội.
Thứ tư, mô hình này đòi hỏi GV phải là nhà sư phạm chuyên nghiệp so với lớp học truyền thống. GV liên tục quan sát HS, cung cấp cho các em những phản hồi thích hợp vào đúng thời điểm cần thiết, đánh giá bài làm của HS. GV kết nối mỗi thành viên trong lớp để nâng cao việc học tập. Đồng thời, GV cộng tác với nhau, cùng suy nghĩ và chịu trách nhiệm trong việc cải tiến phương thức dạy và học.
Những hạn chế của lớp học đảo ngược
Trở ngại đầu tiên là đối với HS, không phải tất cả gia đình các em đều có cơ sở hạ tầng về truyền thông đồng đều: nhiều HS khó khăn không có máy tính, điện thoại thông minh và mạng internet để lấy bài giảng của GV; kế đến, là phụ huynh và các nhà giáo dục cho rằng, HS không cần thiết phải học tập, làm bài tập ở nhà quá nhiều. Các em cần dành thời gian cho những đam mê riêng, kết nối bạn bè, gia đình, vui chơi, hoạt động xã hội, thể thao, nghệ thuật nhằm phát triển năng lực sáng tạo và thu nhận bài học nhân văn sâu sắc.
Ngoài ra, do chưa hiểu thấu đáo về lớp học đảo ngược, nên GV sẽ đưa ra những biện pháp định hướng học tập chưa tốt, thậm chí có GV cho rằng, mô hình này sẽ dành nhiều thời gian ở lớp học để HS giải các đề thi, nâng cao thành tích thi cử.
Không phải các trường đều sẵn sàng để HS thực hiện cá nhân hóa học tập, sẽ có sự phân hóa lớn, một số HS có điều kiện và tích cực học tập sẽ vượt lên, ngược lại những HS không có phương tiện hoặc lười học sẽ tụt lại phía sau. Vì vậy, nếu tổ chức không cẩn thận, mô hình này chỉ mang tính hình thức, thao giảng là chính, khi đó nó cũng chỉ là một dạng của lớp học truyền thống. Bề ngoài, có vẻ mới mẻ nhưng thực chất, vẫn là GV trình bày kế hoạch bài giảng, còn HS theo đó để thực hiện.
Một số chuyển động tích cực
Bộ GD&ĐT đã có văn bản về hướng dẫn dạy và học trực tuyến, coi đây là một kênh dạy học chính thức, lâu dài. Ngành giáo dục thực hiện chuyển đổi số, xây dựng kho tự liệu bài giảng E-learning. Chính phủ, các bộ và doanh nghiệp đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến nay đã tài trợ hàng triệu máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cho HS khó khăn, dành một khoản kinh phí lớn cho phụ huynh, HS vay mua thiết bị học tập.
Đã có các nghiên cứu của giảng viên các trường đại học xây dựng bài dạy theo mô hình lớp học đảo ngược, như: dự án “Sử dụng lớp học đảo ngược trong dạy học ca dao (Ngữ văn lớp 10)” của các giảng viên Cù Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Thị Minh Bích, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Dự án “Bước đầu áp dụng lớp học đảo ngược vào giảng dạy “Khúc xạ ánh sáng” Vật lí 11 THPT” của 2 giảng viên Lê Hải Mỹ Ngân và Lê Lương Vũ, Trường ĐHSP TP.HCM; Dự án “Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược khi dạy chủ đề lịch sử “Các quốc gia cổ đại” lớp 10” của 2 giảng viên Chu Thị Mai Hương và Lê Thị Dung, trường ĐH Tây Bắc; Dự án “Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học Sinh học lớp 8 – THCS” của Lê Thị Phượng, Trường ĐH Giáo dục và Bùi Phương Anh, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội,...
Ở các dự án này, các bài học theo lớp học đảo ngược được thiết kế 3 bước:
Trước giờ lên lớp: GV xây dựng một lớp học ảo trên mạng, HS được cung cấp tài khoản tham gia, thực hiện các nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của GV. HS được cung cấp các học liệu trên mạng (video bài giảng, tài liệu tham khảo,…), tự tìm hiểu và hình thành các kiến thức cơ bản của bài học.
Trong giờ học trên lớp: GV tổ chức thảo luận các vấn đề theo nhiều hình thức khác nhau. Từ những vấn đề lớn, nhỏ, HS phải tự tìm ra hướng tiếp cận, sau đó, GV mới kết luận và đưa ra các luận điểm chung, ghi nhận những luận điểm mới do HS thảo luận. GV nhận xét, đánh giá, giải đáp, chốt lại kiến thức, giao bài tập và nhiệm vụ mới cho bài học sau.
Sau giờ lên lớp: HS có thể tiếp tục phát triển năng lực tự học, tự khám phá bằng việc thực hiện nghiên cứu nhỏ, đăng công khai trên group học tập để chia sẻ với mọi người, tạo hứng thú tự học, nuôi dưỡng đam mê, thích thú với môn học cho HS.
Thách thức của mô hình lớp học đảo ngược
Để áp dụng mô hình này vào thực tế, các trường học cũng đối diện với nhiều thách thức.
Mô hình lớp học đảo ngược vẫn chưa được Bộ GD&ĐT công nhận; kho dữ liệu bài giảng chưa có nhiều video đáp ứng yêu cầu học tập của HS. Kế đến là cơ sở hạ tầng về CNTT rất khác biệt vùng miền, ở vùng kinh tế khó khăn, nhiều HS không có máy tính và không có cả kết nối mạng internet. HS chưa có thói quen vào mạng tự học, tự khám phá. Nếu không có sự giám sát, các em dễ sa đà, mất thời gian vào các kênh hấp dẫn khác, do đó chưa có sự đồng thuận từ phụ huynh, nhà trường lo sợ ảnh hưởng đến kết quả thi cử.
Với GV, một số còn hạn chế về công nghệ nên khó khăn khi xây dựng video bài giảng và các sản phẩm gửi đến HS; trình độ tiếng Anh còn hạn chế nên GV chưa tận dụng kho tài liệu, tư liệu, bài giảng khổng lồ từ các viện, trường học nước ngoài.
Giải pháp triển khai
Trước hết, đó là sự liên kết giữa các GV, muốn thành công GV không thể đứng riêng lẻ. Mạng lưới lớp học đảo ngược ở Mỹ đã có đến vài chục ngàn GV và nhà giáo dục tham gia.Các cơ quan quản lý giáo dục từ Bộ đến phòng GD&ĐT công nhận mô hình dạy học này; khuyến khích, tạo điều kiện cho GV tâm huyết thử sức và cống hiến. Nhà trường, GV nghiên cứu, vận dụng và sáng tạo trong thiết kế bài dạy theo lớp học đảo ngược, tạo được những video học tập ngắn khoảng 3-5 phút. Tìm hiểu để hỗ trợ HS khó khăn có phương tiện và internet để học tập.
Mô hình này cần nghiên cứu, triển khai ở những trường có điều kiện về cơ sở hạ tầng và đội ngũ, sau đó lan tỏa dần ra nhiều trường, nhiều vùng.
Các trường ĐH nói chung và nhất là trường sư phạm cần triển khai mô hình lớp học đảo ngược, để nâng cao chất lượng đào tạo và trang bị cho sinh viên sư phạm về lý thuyết và kỹ năng dạy học theo mô hình này để đáp ứng yêu cầu dạy học của giáo dục 4.0.