Lừa đảo tài chính, biến tướng Ponzi vẫn nở rộ

Kinh tế số - Ngày đăng : 15:48, 30/10/2021

Về vấn đề này, vừa qua Bộ Công thương đã có những thông tin phản hồi đến mọi người dân để tránh không bị sập bẫy lừa đảo.

Kiểm soát được lòng tham và cần một chế tài đủ mạnh.

Mặc dù đã có cảnh báo về lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn mới, nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi, song rất nhiều người vẫn sập bẫy.  Trên thực tế, việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó, dù chúng được biến tướng cỡ nào, dùng loại công nghệ gì để vận hành.  Có ý kiến cho rằng, để không rơi vào vòng xoáy lừa đảo kiểu Ponzi, thì phải kiểm soát được lòng tham và cần một chế tài đủ mạnh.

Mô hình Ponzi được nói đến là mô hình lừa đảo dưới hình thức huy động đầu tư với việc hứa hẹn lãi suất rất lớn, gấp nhiều lần lãi suất thông thường do các tổ chức tín dụng áp dụng. Tuy nhiên, tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư sinh ra lợi nhuận để trả lãi thì lại được dùng đề trả cho nhà đầu tư trước đó và bản chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào. Mô hình Ponzi này sẽ sụp đổ khi mà một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới. Kết quả là hầu hết các nạn nhân bị dụ dỗ, bị lừa đảo đã bỏ tiền để đầu tư nhưng không thể rút được tiền trước khi hệ thống này bị sập.

Hoạt động huy động tài chính có biểu hiện trên là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và cần phải xử lý theo pháp luật hình sự. Tùy vào phương thức, cách thức thực hiện hành vi của đối tượng mà có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 174(Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc Điều 290 (Về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của Bộ Luật Hình sự.

Trong thời gian vừa qua, lợi dụng lòng tham nhưng thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng xấu đã bất chấp rủi ro về pháp lý để cố tình thực hiện các hành vi huy động tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi này. 

Với thực tế là một số đồng tiền ảo, như Bitcoin, được chấp nhận sử dụng tại một số quốc gia như một công cụ thanh toán và có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch trực tuyến hoặc được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ có thể dẫn tới nguy cơ những kẻ lừa đảo sử dụng mô hình Ponzi để thu hút người dân bỏ tiền thật đầu tư vào các loại tiền ảo được giới thiệu là "giống" hay "tương tự" như những đồng tiền ảo trên.

Hiện nay tại Việt Nam, các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp do đó người dân có rủi ro rất lớn về tài chính và pháp lý khi đầu tư hoặc huy động đầu tư trái phép các loại tiền ảo, tài sản ảo này.

Lừa đảo tài chính, biến tướng Ponzi vẫn nở rộ - Ảnh 1.

Các giải pháp của Bộ Công thương để xử lý vấn đề này trong thời gian tới

Để ngăn chăn và xử lý các đối tượng lừa đảo sử dụng mô hình Ponzi này cần có sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị truyền thông trong việc cảnh báo về những biểu hiện của các đối tượng sử dụng mô hình lừa đảo để người dân có nhận thức và không tham gia đầu tư cũng như huy động đầu tư có rủi ro cả về pháp lý và tài chính này.

Việc xử lý các đối tượng này thì cần phải mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn các hành vi này có xu hướng tái diễn. Do đó, các cơ quan công an cần vào cuộc mạnh mẽ, và ngay từ đầu để thu thập chứng cứ làm căn cứ xử lý theo chế tài hình sự, theo các tội danh khác nhau: Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Điều 290 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Bộ Luật hình sự.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ chủ động và tích cực:  Thu thập thông tin, phối hợp với các cơ quan truyền thông để cảnh báo cho người dân để tránh tham gia đầu tư và huy động đầu tư vào các mô hình trái phép tượng tự; Cung cấp thông tin và các dấu hiệu tội phạm liên quan tới các đối tượng sử dụng mô hình Ponzi lừa đảo tới cơ quan công an đề điều tra và xử lý theo thẩm quyền.

PV