Ông Trần Thanh Tú: "Golf là môn thể thao có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh."
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:16, 28/10/2021
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến Tp Hồ Chí Minh. Tất cả các hoạt động từ kinh doanh, cho đến thể thao – văn hoá – xã hội đều bị đình trệ. Trong năm nay, Hội gôn Tp Hồ Chí Minh (HGA) đã lên kế hoạch tổ chức nhiều giải đấu lớn kể từ đầu năm, nhưng các kế hoạch đều phải tạm ngừng vì dịch bệnh.
Không thể tổ chức giải đấu, nhưng Hội gôn Tp Hồ Chí Minh vẫn có những hoạt động ý nghĩa. Nổi tiếng cả nước là Hội gôn có truyền thống làm từ thiện rất tốt trong nhiều năm qua, trước bối cảnh người dân thành phố gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh. Hội gôn Tp Hồ Chí Minh tiếp tục phát động chương trình "Vì Sài Gòn yêu thương – Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19". Bắt đầu triển khai từ tháng 7, chương trình đã quyên góp được số tiền gần 2 tỷ đồng để mua thực phẩm, đồ bảo hộ y tế hỗ trợ cho các khu dân cư, trung tâm y tế. GolfNews đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Thanh Tú – Chủ tịch Hội gôn Tp Hồ Chí Minh về ý nghĩa của việc thực hiện chương trình này.
PV: Xin chào ông Trần Thanh Tú, được biết Hội Gôn Tp HCM luôn đi đầu không chỉ trong các phong trào golf mà còn các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Ông có thể cho biết ý tưởng ra đời chương trình "Vì Sài Gòn Yêu Thương" đã diễn ra như thế nào?
Hội Gôn TP.HCM (HGA) là tổ chức xã hội, có truyền thống hoạt động thiện nguyện từ năm 1997 (tiền thân là CLB Gôn Sài Gòn) và duy trì cho đến nay. Khi TP.HCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, các cửa ngõ ra vào thành phố đều bị hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh, những ca nhiễm, những vùng đỏ không ngừng tăng lên, những bếp ăn thiện nguyện ra đời... Nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diến biến phức tạp, cần sự chung tay đẩy lùi dịch bệnh, kịp thời chia sẻ và hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn, chúng tôi đã tổ chức những chuyến rau củ từ các tỉnh lân cận về phân phát trong những ngày đầu. Chương trình "Vì Sài Gòn yêu thương" cũng xuất phát từ đó, từ tấm lòng tương thân tương ái của người dân Sài Gòn dành cho nhau.
PV: Chương trình "Vì Sài Gòn Yêu Thương" đã nhận được sự ủng hộ và đóng góp từ cộng đồng gôn miền Nam, ông có thể chia sẻ nhiều hơn về những hoạt động mà HGA đã làm trong Chương trình?
Trước những diễn biến và sự hoành hành vô cùng phức tạp của dịch Covid-19, HGA kết hợp cùng Công ty Thái Bình lập ra Ban Vận động, Ban tình nguyện kêu gọi đóng góp và thực hiện cung ứng nhu yếu phẩm đến khu lao động vùng đỏ, bếp ăn thiện nguyện, bếp ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch và bảo hộ y tế đến các bệnh viện đang điều trị Covid-19. Khi thực hiện, chúng tôi luôn chọn giải pháp tối ưu, an toàn, kịp thời và hiệu quả. Chương trình như một phần tiếp sức đến tuyến đầu, chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự hưởng ứng, hỗ trợ của doanh nghiệp và cộng đồng golfer tại sự kiện này?
Như tôi đã chia sẻ, HGA có truyền thống làm việc thiện nguyện hơn 20 năm qua nên chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng golfer. Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, tất cả đều thấu hiểu sự khó khăn và chia sẻ lúc này là rất cần thiết và ý nghĩa. Các Mạnh Thường Quân đã đóng góp từ tiền mặt đến hiện vật với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng. Đây thực sự là món quà tinh thần rất thiết thực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.
PV: Không chỉ ở Việt Nam, golf và từ thiện luôn đồng hành cùng nhau, theo ông điều gì khiến cho các golfer luôn có tấm lòng hào sảng và chia sẻ khó khăn với những người khác?
Golf vốn dĩ là môn thể thao có tính trách nhiệm cao với bản thân và những người xung quanh, dù có khó khăn nhất định trong cuộc sống nhưng họ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.
PV: Ông có thể chia sẻ cảm nhận của cá nhân mình về Chương trình "Vì Sài Gòn Yêu Thương".
Sau 3 tháng giãn cách, mọi hoạt động cho bình thường mới vẫn còn hạn chế, nhiều lao động chọn cách về quê hoặc ở lại đợi việc, học sinh phải học online ở nhà, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn phía trước. Do đó, Chương trình tiếp tục góp quỹ trao tặng máy tính cho các em học sinh, hỗ trợ hơn 205 triệu đồng tiền mặt đến người lao động ở trọ và hộ nghèo neo đơn. Đặc biệt, HGA đã đại diện cộng đồng golfer miền Nam, kết hợp cùng Ban lãnh đạo 2 sân gôn trên địa bàn TP.HCM trao tặng hơn 400 triệu đồng hỗ trợ nhân viên sân gôn có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần từ cộng đồng golf về thiện nguyện.
PV: Chúng tôi được biết, ngoài chương trình trên, HGA còn tổ chức giải gôn từ thiện Swing for life hơn 20 năm qua, ông có thể cho biết kết quả mà Swing for life đã làm được?
Swing for Life là giải đấu thường niên gây quỹ từ thiện, để kết nối và lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Giải được khởi xướng từ năm 2000 và duy trì đến nay. Gần 30 tỷ đồng do HGA kêu gọi qua các giải Swing for life đã được dùng để trao tặng xe cứu thương đến vùng khó khăn, xây nhà cho bà con vùng lũ lụt, mổ tim, phẫu thuật mắt cho các đối tượng nghèo, xây trường học, trao tặng thiết bị y tế đến Trường Sa, cứu chữa bệnh nhi ung thư….
PV: "Golf và từ thiện", theo ông làm sao để lan toả các hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng golf?
Theo tôi, Golf đã trở thành nơi hội tụ của những golfer hào hiệp trên khắp cả nước, Golf luôn kết nối và lan tỏa giá trị nhân văn đến với cộng đồng. Vì vậy, thông qua Golf, chúng tôi muốn gửi thông điệp tích cực và sự chia sẻ kịp thời đến những trường hợp khó khăn. Khi thực hiện và kết thúc mỗi chương trình, chúng tôi luôn chia sẻ thông tin và công bố kết quả, để người trao cảm nhận được tình cảm của họ gửi đến người nhận thật đủ đầy.
PV: Vừa làm chủ doanh nghiệp vừa phải gánh vác công việc của một Hội gôn với nhiều thành viên, vừa là người đi gây quỹ từ thiện, ông có gặp khó khăn, thách thức gì trong vị trí của mình đảm nhận?
(Cười), Chúng tôi được kế thừa, duy trì và phát triển phong trào golf từ những người đi trước, và khi được Hội tin giao, vì đam mê golf nên tôi không nghĩ đến hai từ khó khăn hoặc thách thức.
PV: Dự định phát triển phong trào golf trong thời gian tới của HGA.
Môn thể thao golf đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, số lượng sân golf ra đời ngày một nhiều, số lượng người chơi golf tăng cao, golf không chỉ được xem là golf du lịch mà còn được đánh giá là ngành công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam. Vì vậy, ngoài các giải đấu truyền thống mang tính phong trào, từ thiện, phát triển gôn trẻ, gôn thành tích cao, chúng tôi dự định hợp tác và phát triển "Golf & Du lịch" trong nước cùng các đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, tất cả còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhưng dù là kế hoạch nào, cũng nhằm mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng golf.
PV: Ông có thông điệp gì muốn gửi tới cộng đồng golf Việt trong lúc này?