ITU Digital World 2021: Dấu ấn của Việt Nam

Multimedia - Ngày đăng : 16:05, 25/10/2021

Là nước chủ nhà của ITU Digital World 2021, cũng là năm đánh dấu 50 năm sự kiện ICT lớn nhất hành tinh được tổ chức, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
ITU Digital World 2021: Dấu ấn của Việt NamVề đầu trang

ITU Digital World 2021

Dấu ấn của Việt Nam

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thư ký ITU Zhao Houlin, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu nhấn nút khai mạc ITU Digital World 2021

Từ ngày 12/10 - 12/11/2021, Bộ TT&TT Việt Nam cùng với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức Hội nghị - Triển lãm (ITU Digital World) 2021 trực tuyến trên nền tảng số do Việt Nam nghiên cứu và xây dựng. Là nước chủ nhà của ITU Digital World 2021, cũng là năm đánh dấu 50 năm sự kiện ICT lớn nhất hành tinh được tổ chức, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh, toàn diện và công bằng hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự khai mạc và phiên họp cấp Bộ trưởng ICT đầu tiên trong khuôn khổ ITU Digital World 2021 với chủ đề "Cùng nhau xây dựng thế giới số" và chia sẻ một số quan điểm, ưu tiên hợp tác trong thế giới số.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hợp tác quốc tế về CĐS, nhất là trong ITU phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình CĐS của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về CĐS, nhất là trong ITU phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng CĐS là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ các nước cần phải định hướng, dẫn dắt quá trình này để CĐS có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội. Sự dẫn dắt định hướng của nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Vì vậy, hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.

Theo Thủ tướng, CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Bởi vậy, vai trò dẫn dắt của Chính phủ cũng như các sáng kiến, kế hoạch hợp tác trọng tâm của ITU phải hướng tới mục tiêu này để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên Hợp Quốc trong việc định hình khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Việt Nam xác định một trong những quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS.

Thủ tướng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của ITU; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, DN để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao".

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thư ký ITU Houlin Zhao tại Hà Nội

Đặc biệt, để xây dựng một không gian mạng an toàn góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số, thì một yếu tố quan trọng khác không thể không nhắc đến đó chính là nâng cao nhận thức về ATTT cho người sử dụng.

CNTT-TT của Việt Nam là một hình mẫu cho khu vực và cho thế giới

Người đứng đầu tổ chức chuyên ngành ICT của Liên Hợp Quốc, tham dự sự kiện từ đầu cầu chính tại Hà Nội, ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU đã đánh giá cao Việt Nam tổ chức sự kiện cho dù phải đối mặt với vô vàn thách thức của đại dịch COVID-19.

Ông Houlin Zhao nhấn mạnh: “Những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong phát triển CNTT-TT là một hình mẫu lớn cho khu vực và cho thế giới. Việc tổ chức ITU Digital World 2021 tại Việt Nam là quyết định đúng đắn của ITU. Năm nay là một năm đặc biệt đối với ITU. 50 năm trước các nhà lãnh đạo chính phủ và ngành viễn thông trên khắp thế giới đã tụ họp tại Geneva (Thụy Sỹ) để tham dự sự kiện ITU Telecom World lần đầu tiên. Chủ đề của sự kiện năm đó là "Thông điệp gửi thế kỷ 21".

 Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: Chúng ta đã được nghe trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về CĐS trên hết là một tư duy và đây là điều gây được tiếng vang sâu sắc đối với tôi

Trong hơn một nửa thế kỷ qua, Tổng Thư ký cho biết các sự kiện của ITU Telecom World đã góp phần hỗ trợ những đổi mới sáng tạo đáng kinh ngạc, mở ra một khung cửa sổ nhìn vào một ngành công nghiệp là trái tim của những tiến bộ, làm thay đổi cuộc sống CNTT-TT, từ sự xuất hiện của mạng Internet tới sự nổi lên mạnh mẽ của các mạng không dây và các công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo và nhiều công nghệ khác nữa.

Cùng với đó là sự mở rộng và tăng cường tầm quan trọng của các DN trong hệ sinh thái CNTT. Các sự kiện của ITU Telecom World tạo cho họ có tiếng nói trên diễn đàn toàn cầu, và là nền tảng để họ có thể trình diễn sự sáng tạo của mình. Các DN vừa và nhỏ đã trở thành một phần quan trọng của các sự kiện này từ năm 2015.

Cùng nhau, Tổng thư ký khẳng định: "Chúng ta sẽ đạt được những bước nhảy vọt quan trọng, hướng tới lời hứa kết nối mọi người. Dấu mốc kỷ niệm 50 năm chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển đáng kinh ngạc của ICT”.

"Kết nối những thứ chưa được kết nối và đảm bảo rằng các công nghệ số mới được đáp ứng một cách công bằng và bình đẳng, theo đó, đòi hỏi một chiến lược mới, nhưng cũng cần một tư duy mới. Các Bộ trưởng, các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra tầm nhìn và ý tưởng về việc quản lý CĐS, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đầu tư và áp dụng các phương pháp tiếp cận "toàn bộ chính phủ" và lấy con người làm trung tâm" để phát triển CNTT-TT", Tổng thư ký ITU nhấn mạnh.

Cũng theo đánh giá của người đứng đầu cơ quan chuyên ngành ICT của Liên Hợp Quốc, rất nhiều chủ đề đã được bàn thảo - từ kỹ năng số đến nội dung, chia sẻ cơ sở hạ tầng, chính sách phổ tần và 5G. "Về điểm cuối cùng này, tôi tin rằng thập kỷ này sẽ là thập kỷ của 5G và rất vui khi biết rằng một số Bộ trưởng coi công nghệ này là một thành phần quan trọng của các chiến lược số quốc gia".

Việt Nam kiên cường vượt mọi thách thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số

Đại diện cho nước chủ nhà đăng cai sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cách đây 1 năm, tức là năm 2020, ITU đã đồng ý với sáng kiến của Việt Nam đổi tên gọi của sự kiện, từ ITU Telecom World thành ITU Digital World. Sự đổi tên của sự kiện sau 48 năm tồn tại cũng đi theo sự thay đổi nội hàm của sự kiện, đó là sự hội tụ của viễn thông với CNTT và công nghệ số. Và cũng chính vì sự hội tụ này mà từ năm ngoái, số lượng bộ trưởng và lãnh đạo các DN ICT toàn cầu tham dự sự kiện đã tăng gần 3 lần.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam vinh dự được tổ chức 2 lần liên tiếp sự kiện này, lần thứ 49 và lần thứ 50. Và cả hai lần đều tổ chức trực tuyến. Các DN công nghệ số Việt Nam được giao trọng trách đảm nhận hạ tầng phục vụ cho Triển lãm Thế giới số. Hội nghị đã có 2380 đại biểu đến từ 159 quốc gia, 2 Lãnh đạo Chính phủ, 32 bộ trưởng, 8 thứ trưởng đã tham gia các cuộc họp trực tuyến. 90 diễn giả từ các tổ chức và tập đoàn công nghệ nổi tiếng đã chia sẻ ý tưởng. Chỉ trong 3 ngày, 160.000 người đã đến thăm triển lãm số.

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển số

Theo Bộ trưởng, gần 2 năm qua, COVID-19 đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn và thách thức. COVID rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội mà COVID mang lại, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn. Trong tiến trình này, điều cốt yếu là nhanh chóng chuyển mọi hoạt động lên môi trường số. Với CĐS thì một tháng COVID có thể bằng hàng chục năm.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "CĐS là một thay đổi cơ bản. CĐS không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi tư duy. Đối với một công ty, thành công của CĐS phụ thuộc chủ yếu vào CEO, chứ không phải CIO. Đối với một quốc gia, thành công của CĐS phụ thuộc chủ yếu vào Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải Bộ trưởng CNTT-TT. Và đây là sự khác biệt rất quan trọng giữa ứng dụng CNTT và CĐS".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển số. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển số. Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số. Phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Việt Nam và các nước thành viên của ITU cam kết cùng nhau thúc đẩy hợp tác với trọng tâm là CĐS, thu hẹp khoảng cách số giữa các nước".

Việt Nam phát triển hạ tầng số mạnh mẽ thúc đẩy CĐS

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có một vai trò quan trọng trong CĐS. Chính phủ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các dịch vụ công sang các dịch vụ số, hỗ trợ số hóa các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục tài chính và giao thông vận tải, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho CĐS. Những phát triển hạ tầng số của Việt Nam đã được cộng đồng ICT quốc tế đánh giá cao.

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: bối cảnh mới cũng như nhu cầu phát triển mới đòi hỏi chúng ta cần tiếp cận và xử lý các vấn đề cốt lõi truyền thống dưới những góc nhìn mới và cách tiếp cận mới, đồng bộ và toàn diện hơn

Tham dự toạ đàm về chính sách tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh bối cảnh mới cũng như nhu cầu phát triển mới đòi hỏi chúng ta cần tiếp cận và xử lý các vấn đề cốt lõi truyền thống dưới những góc nhìn mới và cách tiếp cận mới, đồng bộ và toàn diện hơn. "Ngày nay các quốc gia đã nhận thức sâu sắc hơn về CĐS phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và vì lợi ích của người dân".

Trong Chương trình CĐS quốc gia, Việt Nam đưa ra mục tiêu và giải pháp giải quyết đồng bộ ba vấn đề: phổ cập cáp quang đến hộ gia đình và triển khai mạng di động 5G; phổ cập điện thoại thông minh; triển khai triển khai đào tạo trực tuyến diện rộng (MOOC) để nhanh chóng đào tạo kỹ năng số cho mọi người dân, vấn đề đào tạo lại và đào tạo nâng cao cũng sẽ được chú trọng. Đồng thời hạ tầng viễn thông băng rộng cần phải trở thành hạ tầng số với năng lực thu thập, lưu trữ, tạo ra và xử lý dữ liệu số, truyền đưa dữ liệu số, khai thác giá trị dữ liệu số. "Điện toán đám mây, đặc biệt dịch vụ hạ tầng như là dịch vụ (infrastructure as a service) sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong hạ tầng số. Đây cũng là trọng tâm đầu tư phát triển trong chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam".

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề xuất các quốc gia cũng cần quan tâm đến phát triển của các nền tảng số như Facebook, LinkedIn, PayPal, Apple Pay, Uber, Airbnb… Các nền tảng số này đang trở nên rất phổ biến và thậm chí là thiết yếu cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và do vậy cũng có thể coi là hạ tầng của thế giới số.

"Trong vấn đề này, chính phủ cũng cần đi đầu dẫn dắt. Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, không muốn bở lỡ cơ hội, không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc xây dựng thế giới số này. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác triển khai các sáng kiến khu vực và toàn cầu trong khuôn khổ ITU", Thứ trưởng nhấn mạnh.

50 năm - sự kiện ICT lớn nhất hành tinh

Trao đổi về ý nghĩa của ITU Digital World 2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức lần này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh đây là sự kiện thường niên lớn nhất, quy mô toàn cầu của ITU, một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc với 193 quốc gia thành viên và hơn 800 thành viên lĩnh vực (Thông tin vô tuyến, Tiêu chuẩn hoá, Phát triển Viễn thông) đến từ cộng đồng DN, nghiên cứu phát triển ICT…

Tiền thân của ITU Digital World 2021 là Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World) được ITU tổ chức lần đầu năm 1971. Sự kiện này chính thức được đổi tên thành Triển lãm Thế giới Số (ITU Digital World) từ năm 2020 theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong suốt 50 năm qua, ITU Telecom World và nay là ITU Digital World luôn là một sự kiện toàn cầu được cộng đồng viễn thông, CNTT và DN công nghệ số chờ đợi và đón nhận như một cơ hội lớn nhất về xúc tiến hợp tác phát triển về ICT trên phạm vi thế giới.

 Một phiên họp trực tuyến

Gần 2 năm qua, COVID-19 đã tạo ra cho thế giới và Việt Nam nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị đình trệ, nhiều sinh hoạt thường ngày của người dân bị đảo lộn,… Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận thức được và nhanh chóng đẩy mạnh và phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong phòng chống dịch bệnh và trong nỗ lực đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Nhờ chuyển lên môi trường số mà nhiều hoạt động kinh tế xã hội đã được hồi phục, duy trì. Tổ chức ITU Digital World 2021 là một ví dụ khi vốn là một sự kiện trực tiếp theo kế hoạch của ITU.

Vì vậy, đăng cai tổ chức sự kiện này là Việt Nam và ITU mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa của công nghệ số đối với việc nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của các quốc gia trong ứng phó những biến động, thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19 hiện nay. Các chính sách, sáng kiến, mô hình hợp tác,… trong thúc đẩy CĐS mà các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước thảo luận và chia sẻ sẽ rất hữu ích với Việt Nam khi đã đẩy mạnh Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ số đa dạng được các DN trong ngoài nước trưng bày tại Triển lãm cũng sẽ góp phần giải quyết các khó khăn, thách thức của đại dịch đối hoạt động của các tổ chức, DN và người dân.

 Chương trình “Why Vietnam”, sự kiện bên lề của ITU Digital World 2021, được phát trực tuyến

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, đơn vị thường trực của ITU Digital World 2021, sự kiện được Việt Nam chuẩn bị trong thời gian 1 năm kể từ khi kết thúc sự kiện ITU Digital World 2020, với tinh thần tổ chức sự kiện theo hình thức trực tiếp. Do tình hình COVID-19, tháng 4/2021, Bộ TT&TT và ITU đã quyết định tổ chức sự kiện ITU Digital World 2021 theo hình thức trực tuyến. Nền tảng triển lãm được thiết kế thêm các tính năng mới và lựa chọn cho nhà triển lãm với sự tham gia thiết kế của các DN lớn nhất về giải pháp số và thiết kế 3D trong thời gian 5 tháng.

 Gian hàng quốc gia Việt Nam tại ITU Digital World 2021 Chủ đề “Resilient Digital Viet Nam” được hình tượng hóa như một “Con thuyền không gian số” có hình dáng “Chim lạc” mang ý nghĩa sự chuyển dịch của thời đại mới, phương tiện mới, khám phá những không gian kết nối mới, tư duy mới trên nền tảng truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc.

Về việc chuẩn bị gian hàng quốc gia Việt Nam, số liệu để xây dựng gian hàng đã được huy động từ các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục thống kê… với 6 đơn vị chuyên môn của Bộ đề xuất, cùng với sự tham gia của 4 đơn vị thiết kế và của gần 10 DN có sản phẩm Make in Viet Nam xuất sắc nhất đóng góp sản phẩm tham gia trưng bày…

 Các đại biểu khai trương Triển lãm trực tuyến kéo dài từ 12/10 - 12/11/2021

Về chuẩn bị nội dung tham gia Hội nghị Bộ trưởng, hầu hết các đơn vị trong Bộ đã tham gia ý kiến. Nội dung của Hội nghị đã thể hiện được chủ đề CĐS theo định hướng của Việt Nam. Bên cạnh các phát biểu của Bộ trưởng và Thứ trưởng, Tổng giám đốc 2 tập đoàn lớn nhất Viettel và VNPT tham gia diễn giả tại Hội nghị Bộ trưởng. Trong suốt những ngày Hội nghị Bộ trưởng diễn ra, Việt Nam đã nhận được nhiều phát biểu cám ơn và chúc mừng nhân dịp tổ chức sự kiện 50 năm của ITU.

ITU Digital World là sự kiện toàn cầu thường niên, nơi các doanh nghiệp (DN) viễn thông và CNTT (ICT) trên thế giới giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất. Diễn đàn Bộ trưởng, các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện tập trung thảo luận các xu thế phát triển, chính sách quản lý, giải pháp công nghệ để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện: Lan Phương

Xuất bản: Tháng 10/2021


Chia sẻ bài viết này

.