Khởi nghiệp lĩnh vực an toàn không gian mạng phải xuất phát từ nhu cầu xã hội

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:23, 25/10/2021

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã và đang là một bệ đỡ tốt để các bạn trẻ phát huy trí tuệ, thể hiện sự năng động trong khởi nghiệp.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT nói chung và lĩnh vực an toàn không gian mạng nói riêng đang đặt ra các thách thức, cũng như cơ hội đòi hỏi các bạn trẻ cần có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng đón nhận và phát huy các cơ hội để khởi nghiệp thành công.

Bức tranh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo. Các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Đây là những con số minh chứng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang ngày càng phát triển và vô cùng năng động.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng đã đặt nền kinh tế nước ta, trong đó có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trước nhiều khó khăn, thách thức, khiến nhiều công ty khởi nghiệp phải trải qua thời gian ngưng trệ.

Thông thường, các startup hay gặp khó khăn trong việc tạo nguồn thu, trong thời kỳ trước và sau đại dịch COVID-19 khả năng cân đối giữa nguồn thu và chi phí càng khó khăn gấp bội và sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư cũng vì thế suy giảm nghiêm trọng.

Nhưng "cái khó ló cái khôn", khó khăn lại trở thành nền đất tốt ươm mầm cho những xu hướng startup đầy tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, nhiều startup đã cho ra mắt các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong thời gian Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Những giải pháp này không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu chống dịch, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho các nhóm cộng đồng đang cách ly và nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Từ thực tế đã chứng minh, thế mạnh của các startup Việt Nam là sự sáng tạo, khả năng thích ứng và học hỏi nhanh chóng. Cơ hội sẽ luôn mở ra cho những startup biết thích nghi, có đủ kỹ năng để vươn lên trong những tình huống khó khăn.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp ĐMST. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế. Hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam cũng tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ. Việt Nam hiện có nhiều thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp ở lĩnh vực này như: sự khuyến khích của Chính phủ, dân số trẻ, tỷ lệ người am hiểu công nghệ và hoạt động kỹ thuật số cao.

Và như một tất yếu, khi công nghệ được ứng dụng vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội, khi thị trường Internet phát triển mạnh mẽ thì kéo theo đó bài toán về an ninh mạng (ANM) cũng được đặt ra. Như ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Nova Edu chia sẻ tại Tọa đàm "Khởi nghiệp, ĐMST trong An toàn không gian mạng", đối với an ninh quốc gia, đối với nền kinh tế, đối với các tổ chức, DN hay cá nhân, bất cứ ở đâu có không gian mạng thì ở đó đều cần ATANM.

Trên thực tế, thị trường ANM Việt Nam được các DN quan tâm phát triển từ khá sớm và ngày càng phát triển về chủng loại sản phẩm, kéo theo sự tăng lên nhanh chóng về doanh thu. Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin (ATTT) (Bộ TT&TT), doanh thu ATTT của Việt Nam đã tăng liên tục trong những năm gần đây, tăng từ hơn 400 tỷ đồng năm 2016 lên mức 1.490 tỷ đồng năm 2019 và ước tính đạt khoảng 1.900 tỷ đồng trong năm 2020.

Khởi nghiệp lĩnh vực an toàn không gian mạng phải xuất phát từ nhu cầu xã hội - Ảnh 1.

Hệ sinh thái sản phẩm ATANM "Make in Viet Nam" đã có những bước phát triển rõ nét thời gian qua. (Ảnh: Vietnamnet).

Việc thiết lập môi trường ATANM được đánh giá là yêu cầu cần thiết để thực hiện thành công chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Với vai trò quan trọng đó cùng những nền tảng hiện có, ngành công nghiệp ATANM đứng trước cơ hội lớn để phát triển. Do đó, đây đang được coi là một thị trường tiềm năng lớn cho các bạn trẻ có đam mê và tâm huyết với lĩnh vực ATANM khởi nghiệp.

Việt Nam đã và đang bước vào cuộc cách mạng số và CĐS đã trở thành động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, do đó việc tham gia vào thị trường ANM không chỉ đơn giản là cuộc chơi của mỗi DN mà còn là thực hiện sứ mệnh quan trọng là đảm bảo cho cuộc CĐS quốc gia thành công và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm ANM khu vực ASEAN.

Khởi nghiệp lĩnh vực an toàn không gian mạng phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội

Thực tế là những năm vừa qua, rất nhiều bạn trẻ tìm mọi cách để khởi nghiệp nhưng cũng thất bại rất nhiều vì mục tiêu không xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Bản chất của khởi nghiệp là phải theo nhu cầu của xã hội, giải quyết những bài toán cụ thể của xã hội thì mới có thể thành công và phát triển bền vững.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực an toàn không gian mạng phải bắt đầu từ nhu cầu thực sự của phần lớn xã hội và phải chuẩn bị sẵn giải pháp. Có những bài toán ANM ở quy mô rất lớn, nếu chỉ nhìn ra vấn đề nhưng không có giải pháp đột phá thì chưa nên lựa chọn khởi nghiệp.

Từ thực tế khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Hùng chia sẻ, các bạn trẻ, sinh viên có thể khởi nghiệp theo hai hướng: Độc lập tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp bảo mật hoàn toàn mới hoặc theo những người tiên phong để ứng dụng công nghệ sẵn có, giải quyết vấn đề ANM.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: "Hướng đi đầu tiên phải là người kiệt xuất, hướng đi sau phải là người đủ thông minh, kiên trì". Nếu không thuộc trong số những đối tượng kiệt xuất, tài năng mà muốn bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực này thì nên chọn thách thức không quá khó khăn để có thể học hỏi, tích lũy thậm chí tránh được những thất bại không cần thiết và đáng có ngay trong những bước chân đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. Bởi, nếu các bạn trẻ lựa chọn cho mình một con đường quá khó ngay từ đầu thì khi thất bại có thể tiêu tốn hết nguồn lực và thời gian. Điều đó dễ làm các bạn trẻ nản chí nếu như chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ bản lĩnh đương đầu.

Từng là một trong những DN Việt đời đầu khởi nghiệp ANM từ năm 1995, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav nhấn mạnh, việc xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này nên xuất phát từ nhu cầu xã hội chứ không phải bài toán kinh doanh.

CEO Bkav cho biết, sinh viên nếu muốn theo đuổi lĩnh vực an toàn không gian mạng, trước tiên cần rèn luyện tư duy logic để xác định vấn đề, kết hợp việc học tốt các kiến thức nền tảng trên nhà trường để hiểu được những bài toán căn bản nhất của an toàn thông tin từ phát hiện lỗ hổng đến tìm cách khắc phục.

Theo báo cáo xếp hạng ATANM toàn cầu (GCI) năm 2020 do ITU công bố, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Khởi nghiệp lĩnh vực an toàn không gian mạng phải xuất phát từ nhu cầu xã hội - Ảnh 2.

Thứ hạng GCI của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Quảng cho biết đây là một điểm sáng đáng tự hào vì xếp thứ hạng 25 trên thế giới không có nhiều lĩnh vực của Việt Nam có thể làm được và lĩnh vực ANM đã làm được điều này. Việt Nam đã có thể làm chủ được hơn 90% hệ sinh thái các sản phẩm ATANM. Dự kiến tỷ lệ này sẽ đạt 100% trong năm 2021. Đây là niềm tự hào Việt Nam bởi rất ít nước trên thế giới có thể làm được.

Với một môi trường và tiềm năng phát triển lớn như vậy, các bạn trẻ sau này hoàn toàn có thể tham gia vào hệ sinh thái là những startup phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, những thế hệ mới hơn hay cũng có thể gia nhập vào những công ty, DN đang phát triển những sản phẩm, giải pháp đó để chúng ta có thể hoàn thiện đầy đủ các dòng sản phẩm về ANM trong tương lai, đồng thời có thể nâng cao thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế và hướng đến mục tiêu trở thành một cường quốc về ANM, cường quốc về công nghệ trong tương lai.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Làng công nghệ an toàn không gian mạng, ông Trương Đức Lượng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ANM Việt Nam (VSEC) cũng bày tỏ mong muốn đặt những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái an toàn không gian mạng tại Việt Nam, thúc đẩy, sản xuất nhiều hơn nữa những sản phẩm, dịch vụ cho ngành an toàn thông tin trong nước và quốc tế.

"Làng sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án bảo vệ ANM của cá nhân, sinh viên nếu muốn phát triển thành bản prototype hoặc muốn tìm cách thương mại hóa để người dùng trải nghiệm", ông Lượng khẳng định.

Khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đang là chủ đề được cả nước quan tâm, nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp của các tổ chức đã được triển khai nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên để lập nghiệp. Sinh viên rời ghế nhà trường sẽ trở thành trí thức của xã hội. Nếu khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh ngay thời gian học tập tại trường đại học thì sẽ có thêm nhiều trí thức được trang bị tinh thần khởi nghiệp phát triển đất nước trong tương lai./.

Ánh Dương