G7 đột phá về sử dụng dữ liệu số xuyên biên giới, thương mại số

Kinh tế số - Ngày đăng : 10:24, 24/10/2021

Mới đây, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc chung để quản lý việc sử dụng dữ liệu xuyên biên giới và thương mại số.

Trong một tuyên bố sau Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 vừa diễn ra tại London, nước chủ nhà Anh nhận định đây là một bước tiến đột phá, có thể giải phóng hàng trăm tỷ USD thương mại quốc tế.

Thỏa thuận này đặt ra một nền tảng trung gian giữa các chế độ bảo vệ dữ liệu được quản lý chặt chẽ ở các quốc gia châu Âu và cách tiếp cận cởi mở hơn của Mỹ.

Trong tuyên bố của Anh nêu rõ: "Chúng tôi phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số và hôm nay chúng tôi đã thông qua Các nguyên tắc thương mại kỹ thuật số của G7 (G7 Digital Trade Principles) nhằm hoạch định rõ cách tiếp cận của G7 đối với thương mại số".

Thương mại số được định nghĩa là thương mại hàng hóa và dịch vụ được kích hoạt hoặc phân phối thông qua các hình thức số, bao gồm các hoạt động từ phân phối phim và truyền hình đến các dịch vụ chuyên nghiệp.

Theo dữ liệu của một nghiên cứu của chính phủ Anh, thương mại số đã tạo ra 326 tỷ bảng Anh (448,09 tỷ USD), tương đương 25% tổng giao dịch thương mại của quốc gia này trong năm 2019.

Tuy nhiên, các quy tắc trong quản lý việc sử dụng dữ liệu khách hàng khác nhau có thể tạo ra những rào cản đáng kể, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, việc tuân thủ các quy tắc này rất phức tạp và tốn kém.

Thỏa thuận của nhóm các nước G7 vừa đạt được là bước đi đầu tiên trong lộ trình giảm bớt những rào cản đó và có thể dẫn đến một quy tắc chung về thương mại số.

Những quy tắc này sẽ bao trùm các thị trường kỹ thuật số mở; các luồng dữ liệu xuyên biên giới; các biện pháp bảo vệ cho người lao động, người tiêu dùng và DN; các hệ thống giao dịch số; và quản trị toàn cầu công bằng và bao trùm.

Thông báo của Anh cũng cho biết thêm: "Chúng ta nên giải quyết những trở ngại phi lý đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới, đồng thời tiếp tục giải quyết vấn đề quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật".

Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào thương mại số hàng ngày, nhưng trong nhiều năm, các quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này chưa có những quy định rõ ràng khiến các DN khó nắm bắt được những cơ hội to lớn. Và thỏa thuận này là một bước đột phá thực sự, là kết quả của sự hợp tác ngoại giao cứng rắn và tích cực./.

MP