Ngân hàng và Fintech, đối thủ hay đối tác?
Kinh tế số - Ngày đăng : 18:24, 23/10/2021
Người sử dụng cần các dịch vụ ngân hàng chứ không phải ngân hàng, và Fintech đang dần đáp ứng các nhu cầu dịch vụ này thông qua sự phát triển của công nghệ và sự mở rộng của các rào cản pháp lý cho phép sự thâm nhập của các công ty này vàolĩnh vực Tài chính - Tín dụng.
Một lớp người tiêu dùng mới cũng xuất hiện đi cùng với sự phát triển của Fintech, họ không cần tới các tài khoản ngân hàng. Mối quan hệ truyền thống với các ngân hàng thông qua tài khoản đang đứng trước sự đổ vỡ bởi sự xuất hiện của các loại thẻ trả trước, các loại tài khoản như PayPal, hay Mobile Money và các phương thức thay thế khác. Như vậy, ngân hàng, ngành tài chính là những ngành bị tác động lớn nhất của công cuộc chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra hiện nay. Đó là vấn đề là đổi mới hay là chết.
Các ngân hàng cần phải hiểu rằng khách hàng sẽ không đánh giá về một nhà cung cấp dựa trên mức độ an toàn về vốn, hệ thống các chi nhánh, các sản phẩm hay lãi suất nữa. Họ sẽ đánh giá dựa trên mức độ đơn giản và dễ dàng trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng khi cần thiết, sự tin tưởng của họ vào các dịch vụ cung cấp.
Theo khảo sát 500 lãnh đạo ngân hàng của Mambu, một hãng cung cấp dịch vụ ngân hàng số cho thấy hơn 2/3 số ngân hàng (67%) trong cuộc khảo sát tin rằng họ sẽ mất thị phần trong hai năm trừ khi họ đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi số và 74% kỳ vọng những gã khổng lồ công nghệ như Google và Amazon sẽ nắm giữ thị phần lớn nhất trong ngành ngân hàng chỉ trong thời gian 5 năm.
Chính vì vậy mà ngân hàng số cần tiến hành CĐS. Cuộc cách mạng này sẽ được hỗ trợ bởi các thiết bị đầu cuối ngân hàng tự động, siêu năng lực, được hỗ trợ bằng các công nghệ tiên tiến (AI, big data, IoT, cloud computing,...) an toàn, hiệu quả và mạnh mẽ nhằm giúp ngân hàng chuyển đổi mô hình và đương đầu với những đối thủ mới.
Ngân hàng truyền thống có lịch sử và thương hiệu lâu năm, có mạng lưới hoạt động rộng lớn, lợi thế về lượng dữ liệu lớn của khách hàng, có đủ tài chính và kinh nghiệm hoạt động. Tuy nhiên, so với các công ty Fintech, ngân hàng luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ. Do đó, những chiến lược của ngân hàng trong thời gian qua khó có thể hoàn thành nếu thiếu công nghệ tài chính.
Những số liệu từ Vietnam Fintech Report 2020 của Fintech News (Singapore) cho thấy thị trường Fintech Việt Nam 2020thu hút được hàng trăm triệu USD trong 04 thương vụ kêu gọi vốn thành công. Ước tính tổng giá trị thị trường Fintech ở Việtnam đạt khoảng 7,8 tỷ USD năm 2020 so với 4,4 tỷ USD vào năm 2017, với mức tăng trường kép hàng năm (CAGR) là 21%, theohãng tư vấn chiến lược Solidiance.
Trong báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nhận định "Tại Việt Nam, 72% các công ty Fintech chọn hợp tác với các ngân hàng trongviệc kinh doanh và cung cấp dịch vụ, thay vì tham gia vào một cuộc cạnh tranh trực tiếp". Vụ Thanh toán - NHNN Việt Nam cũngnhận xét có tới 82% các ngân hàng thương mại thực hiện chiến lược hợp tác với Fintech để đa dạng hóa kênh cung ứng dịchvụ tài chính đến khách hàng.
Để việc hợp tác hiệu quả giữa hai bên, ngân hàng cần lưu ý đến vấn đề con người, mô hình và cơ sở hạ tầng công nghệ.
Với sự cố vấn của các chuyên gia CĐS, chuyên gia tài chính - ngân hàng, văn hóa doanh nghiệp, nhóm biên tập thuộc DTSI (Digital Transformation Strategic Investment) do chuyên gia CĐS và tư vấn chiến lược Đào Trung Thành chịu trách nhiệm chính đã thực hiện một báo cáo phân tích chuyên sâu, nghiên cứu về thị trường Fintech, một số các dịch vụ mà Fintech cung cấp, cũng như kinh nghiệm về sự hợp tác cạnh tranh (tranh hợp) giữa Fintech và ngân hàng số trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam. Báo cáo được thiết kế và phát hành bởi Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Bạn đọc có thể xem chi tiết báo cáo ở link: https://bit.ly/MBReportQ3./.